Mỹ chính thức rút khỏi thỏa thuận hạt nhân I-ran

Trong bài phát biểu chiều 8-5 (rạng sáng 9-5, theo giờ Hà Nội), Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân được ký kết giữa I-ran và 6 cường quốc (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Trung Quốc, Nga và Đức) hồi năm 2015, hay còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA).

Tổng thống Donald Trump phát biểu với các nhà báo ngày 8-5 sau khi tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA. (ảnh: Roi-tơ)

Phát biểu từ Washington, Tổng thống Donald Trump nhấn mạnh: "Tôi sẽ ký một bản ghi nhớ của tổng thống để bắt đầu khôi phục các biện pháp trừng phạt của Mỹ liên quan tới vấn đề hạt nhân nhằm vào chính quyền I-ran. Chúng tôi sẽ bắt đầu áp đặt mức cao nhất của các biện pháp trừng phạt". Theo ông Trăm, thỏa thuận JCPOA bị khiếm khuyết ngay từ bên trong. Ông đe dọa I-ran sẽ gặp phải "những vấn đề lớn hơn" nếu tiếp tục theo đuổi chương trình phát triển hạt nhân. Ông khẳng định đây sẽ không phải là những đe dọa "sáo rỗng".

Được đánh giá là thành tựu ngoại giao nổi bật của cựu Tổng thống Barack Obama, thỏa thuận hạt nhân I-ran mà Tê-hê-ran ký với nhóm P5+1, cam kết dỡ bỏ các lệnh trừng phạt để đổi lại việc I-ran hạn chế chương trình hạt nhân của mình. Tuy nhiên, Tổng thống Trăm đã liên tục chỉ trích thỏa thuận hạt nhân I-ran vì cho rằng văn kiện quốc tế này không giải quyết chương trình tên lửa đạn đạo và vai trò của Tê-hê-ran trong các cuộc xung đột ở Y-ê-men và Xy-ri, cũng như các hoạt động hạt nhân của nước này sau năm 2025.

Ngay sau khi Tổng thống Donald Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi JCPOA, cựu Tổng thống Barack Obama cho rằng, quyết định trên là "sai lầm". "Tôi tin rằng quyết định nói trên đặt JCPOA vào tình trạng nguy hiểm mặc dù không có bất cứ vi phạm thỏa thuận nào về phía I-ran, là một sai lầm nghiêm trọng", ông Barack Obama bày tỏ.

Các đồng minh của Mỹ tại châu Âu cũng bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tổng thống Mỹ. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron viết trên tài khoản Twitter: "Pháp, Đức và Anh lấy làm tiếc về quyết định của Mỹ rời khỏi JCPOA. Cơ chế không phổ biến vũ khí hạt nhân này đang bị đe dọa. Chúng tôi sẽ cùng phối hợp trong một khuôn khổ rộng hơn, bao gồm cả hoạt động hạt nhân, giai đoạn hậu 2025, hoạt động đạn đạo và sự ổn định ở Trung Đông, đặc biệt là Xy-ri, Y-ê-men và I-rắc". Trong khi đó, Bộ Ngoại giao Nga bày tỏ "vô cùng thất vọng" trước quyết định của Tổng thống Đ.Trăm. Phía Nga khẳng định sẵn sàng đẩy mạnh hợp tác với các bên còn lại tham gia thỏa thuận hạt nhân I-ran, đồng thời sẽ tiếp tục tích cực phát triển quan hệ song phương với Tê-hê-ran.

Ngày 8-5, Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã hối thúc các nước ký thỏa thuận hạt nhân I-ran tuân thủ những cam kết của mình. Ông Antonio Guterres nhấn mạnh, những quan ngại liên quan đến việc thực thi thỏa thuận hạt nhân cần phải được giải quyết thông qua những cơ chế được thiết lập trong JCPOA.

Trong khi nhiều nước bày tỏ sự thất vọng trước quyết định của Tổng thống Donald Trump, thì I-xra-en đã ủng hộ quyết định trên, coi đây là quyết định "lịch sử". Thủ tướng I-xra-en B.Netanyahu khẳng định, Ten A-víp phản đối JCPOA ngay từ đầu với lập luận rằng thỏa thuận này thay vì ngăn cản lại mở đường cho I-ran tiến tới sở hữu một kho vũ khí hạt nhân chỉ trong vòng vài năm tới.

Về phần mình, Tổng thống I-ran Hassan Rouhani khẳng định, nước này có thể tiếp tục thực hiện thỏa thuận hạt nhân nếu các lợi ích của Tê-hê-ran với các nước ký thỏa thuận được đảm bảo. Tuy nhiên, ông Ru-ha-ni cũng tuyên bố, nếu các lợi ích quốc gia của I-ran không được đáp ứng, Tê-hê-ran sẽ nối lại hoạt động làm giàu urani công nghiệp ở tốc độ thông thường. Nhà lãnh đạo I-ran cho biết, ông đã ra lệnh cho Cơ quan Năng lượng Nguyên tử I-ran (AEOI) tiến hành các bước chuẩn bị cần thiết để đẩy nhanh các hoạt động làm giàu urani nếu JCPOA chỉ còn trên giấy.

Thu Uyên

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/my-chinh-thuc-rut-khoi-thoa-thuan-hat-nhan-i-ran/