Mỹ: Chính sách trợ cấp nông nghiệp đã gây ra cúm A/H1N1

Lâu nay, các nước nghèo vẫn kêu gọi các nước giầu xóa bỏ trợ cấp nông nghiệp để nông phẩm của các nước nghèo có thể thâm nhập thị trường phát triển. Song hiện giờ, chính các nước phát triển cũng kêu gọi xóa bỏ loại trợ cấp này bởi có thể nó là nguyên nhân gián tiếp gây nên dịch cúm A/H1N1. VietnamNet xin lược dịch bài bình luận trên tờ Splice Today.

Một trại lợn ở Iowa, Mỹ (Ảnh: AP) Sự buông thả của chủ nghĩa tư bản hay chính sách trợ cấp tràn lan? Kể từ khi dịch cúm bùng phát đến nay, các tạp chí khoa học nổi tiếng cố gắng xác định nguyên nhân của đại dịch một cách chính xác nhất có thể. Tạp chí Wired and Scientific American cho rằng: bắt đầu là một virus thông thường, vô tình bị lan rộng trong các trang trại nuôi lợn kiểu công nghiệp ở Mỹ. Chính các yếu tố như các chuồng trại gần nhau, hệ thống miến dịch yếu và tính chất toàn cầu hóa của nhà máy-trang trại đã thúc đẩy virus biến đổi và trở nên nguy hiểm, cuối cùng tạo đà cho nó xâm nhập vào loài người. Nhưng điều gì đã khiến cho các nhà máy-trang trại phát triển nhiều đến vậy và chính phủ nên làm gì? Lời giải thích đơn giản nhất, như David Sirota đã nói trên tờ In These Times là đổ lỗi cho sự buông thả của chủ nghĩa tư bản, hay nói một cách chơi chữ là “chủ nghĩa tư bản bừa bãi như lợn”. Ông cho rằng chính phủ đã không thể ngăn cản các vụ sát nhập và hợp nhất của ngành công nghiệp lợn và không giám sát được kỹ lưỡng các trang trại đã gây ra đại dịch cúm A/H1N1. Sirota đề cập rất nhiều đến việc “trợ cấp” cho nông nghiệp nhưng ông không chỉ ra rằng chính việc trợ cấp này đã khuyến khích việc phát triển các trang trại kiểu nhà máy công nghiệp. Ông Sirota đã không hiểu rằng chủ nghĩa tư bản không bao gồm các khoản trợ cấp. Song những người khác thì hiểu việc trợ cấp này đã khuyến khích các nhà máy-trang trại này phát triển thế nào. Năm 2007, nhà nghiên cứu Elanor Starrmer và Timothy Wise thuộc Tuft đã xuất bản 1 bài báo cho rằng chính sách trợ cấp nông sản cho ngô và đỗ tương do chính phủ liên bang đưa ra, phải chịu trách nhiệm về rất nhiều thứ, trong đó có sự bùng nổ của các nhà máy-trang trại nuôi lợn. Không giống như ngành công nghiệp nuôi gia cầm, nhà máy-trang trại lợn chỉ mới phổ biến ở Mỹ trong thời gian gần đây. Trước đây, người nông dân thường dùng những trang trại nhỏ ít tốn kém, nơi họ có thể lấy ngô, vỏ ngô trồng trên trang trại của mình để cho lợn ăn và sử dụng phân lợn để làm phân bón. Nhưng vài thập kỷ gần đây, việc trợ cấp cho các trang trại công nghiệp đã khiến cho giá thành của vật nuôi tại đây thấp hơn nhiều giá thành của vật nuôi mà người nông dân nuôi tại nhà họ. Người nông dân sẽ chịu thiệt nếu họ tiếp tục nuôi lợn trong những trang trại nhỏ của mình. Starmer và Wise phân tích những ảnh hưởng của điều luật cải cách chính sách nông nghiệp được thông qua năm 1996 có tên FAIR và nhận thấy rằng việc trợ cấp cho việc trồng ngô và đậu nành càng nhiều thì ngành chăn nuôi lợn càng rơi vào tay của một số công ty chuyên xây dựng những nhà máy-trang trại lớn. Các nhà nghiên cứu tại đại học Iowa State University đã tiến hành một nghiên cứu tương tự đối với một điều luật nông nghiệp khác được thông qua năm 2002 và cũng đi đến kết luận tương tự: trợ cấp nông nghiệp đang phá hủy những trang trại nông nghiệp nhỏ và hỗ trợ cho những nhà máy-trang trại lớn, với công việc đơn thuần là chỉ nuôi và giết thịt lợn. Đã đến lúc phải xóa bỏ trợ cấp nông nghiệp Một khi việc trợ cấp nông nghiệp là thủ phạm gây ra dịch cúm lợn ở Mỹ và giờ lan sang nhiều nước khác, Tổng thống Obama phải là người thay đổi. Giờ đây, ông Obama khó lòng mà biện minh cho chính sách trợ cấp nông nghiệp đầy nguy hiểm này. Các nhà môi trường học và kinh tế đều cho rằng cần phải cải tổ chính sách trợ cấp nông nghiệp. Trong chiến dịch tranh cử của mình, John McCain cũng nói với tờ The Wall Street Jounal rằng ông hứa sẽ bác bỏ chính sách trợ cấp nông nghiệp. Viện Pew Trusts cũng đang tiến hành một chiến dịch chống lại việc sử dụng kháng sinh đối với các động vật nuôi vì họ nhận ra rằng chính các nhà máy-trang trại vì nhận được tiền trợ cấp của chính phủ nên sử dụng rất nhiều chất này, khiến cho các “siêu vi trùng” kháng thuốc phát triển ngày càng nhiều. Xóa bỏ chính sách trợ cấp nông nghiệp, chính phủ Mỹ không chỉ giúp làm giảm nguy cơ lây lan dịch cúm A/H1N1, làm sạch môi trường trong nước mà còn giúp cho rất nhiều nông dân ở các nước đang phát triển, trong đó có Việt Nam, có cơ hội được cạnh tranh một cách công bằng sản phẩm nông nghiệp của mình với nông sản của Mỹ. Hạnh Khuê (lược dịch)

Nguồn VietnamNet: http://vietnamnet.vn/thegioi/2009/06/854592/