Mỹ chi 174 triệu USD 'lắp mắt thần' cho Afghanistan mà không dùng được

Nỗ lực của Mỹ trong việc trang bị và đào tạo sử dụng máy bay không người lái cho quân đội Afghanistan để chống lại Taliban gần như không đem lại lợi ích đáng kể nào.

Một báo cáo của Lầu Năm Góc hôm 16/7 đã chỉ trích mạnh mẽ tính hiệu quả của chương trình trị giá 174 triệu USD của Mỹ nhằm trang bị máy bay không người lái cho quân đội Afghanistan.

Được kỳ vọng sẽ mang đến lợi thế từ trinh sát trên không trong cuộc chiến với Taliban, thực tế chương trình này đã không mang lại hiệu quả.

Một chiếc máy bay không người lái ScanEagle do Insitu, công ty con của Boeing, sản xuất. Ảnh: Reuters.

"Không theo tiêu chuẩn phương Tây"

Báo cáo từ tổng thanh tra đặc biệt cho quá trình tái thiết Afghanistan cho rằng chậm trễ và thiếu giám sát cùng với việc không có thước đo rõ ràng cho các mục tiêu khiến cho chương trình này - có tên gọi là ScanEagle - trở nên kém hiệu quả.

"Do những chậm trễ và thách thức này, Bộ Quốc phòng thiếu đi thông tin cần thiết để giám sát, hiểu rõ và cải thiện hiệu quả của khoản đầu tư 174 triệu USD, và khả năng yếu ớt của nó trong việc chuyển giao trách nhiệm cho Quân đội Quốc gia Afghanistan", báo cáo cho hay.

Đáp lại những chỉ trích này, liên quân do Mỹ dẫn đầu ở Afghanistan nêu rằng quân đội Afghanistan giờ đây chỉ cần sự hỗ trợ tối thiểu từ các cố vấn quân sự, và liên quân cũng điều tra lý lịch cặn kẽ với các binh sĩ Afghanistan tham gia chương trình. Các thiết bị do thám không người lái cũng được sử dụng hằng ngày, mặc dù "có thể không theo tiêu chuẩn phương Tây".

Khi các lực lượng Mỹ bắt đầu rút quân khỏi Afghanistan vào năm 2014, chương trình ScanEagle là một nỗ lực của Lầu Năm Góc để giảm thiểu một trong những hạn chế lớn nhất của quân đội Afghanistan: không thể do thám chiến trường từ trên cao.

Không kích và trinh sát trên cao là điều cực kỳ quan trọng trong cuộc chiến chống lại lực lượng Taliban. Lực lượng này sử dụng thành thục chiến thuật du kích để di chuyển và ẩn nấp tại các khu vực địa hình hiểm trở ở Afghanistan trong suốt cuộc chiến kéo dài 18 năm qua.

Trong bối cảnh người Mỹ đang chuẩn bị rút quân hoàn toàn vào những tháng tới, sau khi đạt được một thỏa thuận hòa bình với Taliban, và sau khi những cuộc tấn công vào lực lượng Afghanistan đang giảm dần đều, những chương trình như ScanEagle được cho là vô cùng cần thiết để giúp quân đội Afghanistan đứng vững.

Không quân Afghnistan còn rất non trẻ và có lẽ phải mất nhiều năm, nếu không nói là nhiều thập niên, để họ có thể tự thực hiện các nhiệm vụ giám sát và không kích.

Nhưng bản báo cáo dài 50 trang, gồm nhiều từ viết tắt và tràn ngập các bảng biểu, lại cho thấy một bức tranh hoàn toàn khác nhưng khá quen thuộc trong việc mô tả nỗ lực chiến tranh của Mỹ.

Một chiếc ScanEagle trên bệ phóng, nó có thể bay quãng đường 100 km và hoạt động liên tục trong vòng 20 tiếng. Ảnh: USMC.

ScanEagle chỉ là một trong hàng trăm chương trình được Lầu Năm Góc tài trợ nhằm biến quân đội Afghanistan thành một lực lượng chiến đấu theo tiêu chuẩn phương Tây. Kể từ năm 2005, Lầu Năm Góc đã chi gần 47,5 tỷ USD cho khí tài và các chương trình dành cho quân đội Afghanistan.

Chương trình kém hiệu quả

Trọng tâm của báo cáo là những kỳ vọng không thực tế được đề ra bởi những người giám sát khi chương trình còn trong giai đoạn trứng nước vào năm 2015. "Chúng ta đang đào tạo binh sĩ Afghanistan để họ tiếp quản chương trình này", ông Ben Meyle, cựu trung sĩ quân đội, người hướng dẫn cho chương trình ScanEagle, chia sẻ vào năm 2016.

Tuy nhiên theo báo cáo mới được công bố, quân đội Afghanistan sẽ tiếp tục cần sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của chính phủ Mỹ để duy trì chương trình ScanEagle. Các hợp đồng được giám sát bởi Bộ Tư lệnh Hệ thống Không quân Hải quân và Insitu, một công ty con của Boeing sản xuất những máy bay không người lái này.

ScanEagle là một máy bay không người lái nhỏ bới sải cánh chỉ khoảng 3 m, với năng lực thấp hơn dòng máy bay không người lái Reaper. Từng được sử dụng bởi quân đội Mỹ tại cả Iraq và Afghanistan, những chiếc SanEagle cất cánh từ một máy phóng và hạ cánh bằng cách đâm vào một tấm lưới. Khi hoạt động chúng phát ra âm thanh như máy cắt cỏ. Tín hiệu từ camera của máy bay sẽ được truyền về một căn cứ quân sự gần đó.

Chương trình tập huấn ban đầu dự kiến đào tạo từ 12 đến 20 sinh viên Afghanistan trong vòng 11 tuần để điều khiển chiếc máy bay, nhưng sau đó nó được đổi thành 28 sinh viên trong vòng 1 năm, do phải nâng cao trình độ tiếng Anh của họ với một khóa học kéo dài 6 tháng, bên cạnh việc dạy cho họ những kỹ năng máy tính cơ bản. Trong năm 2018, tỷ lệ hao mòn cho chương trình lên tới 31%.

Quân đội Afghanistan không thể biết được 27 trong số 87 binh sĩ được chứng nhận để vận hành máy bay không người lái bây giờ đang ở đâu. Trong số 60 binh sĩ được giao nhiệm vụ vận hành ScanEagle trên cả nước, có khoảng 17 người vắng mặt vì bệnh tật, nghỉ phép hàng năm hoặc không nói rõ lý do, báo cáo cho hay.

Những chiếc máy bay ScanEagle cũng trở thành vấn đề. Các quan chức Mỹ ở Afghanistan báo cáo với văn phòng thanh tra rằng họ quan ngại về việc Quân đội Quốc gia Afghanistan "không biết những chiếc máy bay đang ở đâu hoặc không biết chúng có được sử dụng một cách phù hợp hay không".

Cảnh sát Afghanistan cũng "tịch thu được một chiếc ScanEagle đang trên đường bị bán cho tổ chức khủng bố với giá 400.000 USD", theo báo cáo.

Các binh sĩ Mỹ tại căn cứ Shorabak ở tỉnh Helmand, Afghanistan. Mỹ dự kiến sẽ rút hết binh sĩ khỏi Afghanistan trong thời gian tới. Ảnh: New York Times.

Các quan chức Mỹ lo rằng những chiếc ScanEagle có thể rơi vào tay kẻ xấu và được trang bị thêm để trở thành vũ khí, ví dụ như thả lựu đạn hoặc các loại vật liệu nổ khác.

Báo cáo được đưa ra ngay sau khi Lầu Năm Góc tuyên bố rằng Mỹ đã giảm sự hiện diện quân sự ở Afghanistan xuống còn 8.600 quân (từ 12.000 trước đó) , và quân đội Mỹ cũng đã rời khởi 5 căn cứ, bàn giao chúng lại cho lực lượng Afghanistan, như một phần của thỏa thuận hòa bình với Taliban.

Sơn Trần
Theo New York Times

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-chi-174-trieu-usd-lap-mat-than-cho-afghanistan-ma-khong-dung-duoc-post1108201.html