Mỹ cân nhắc tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân để răn đe TQ và Nga

Thảo luận về tái thử nghiệm vũ khí hạt nhân sau 30 năm đang diễn ra tại Washington sau khi Tổng thống Trump rút Mỹ ra khỏi một loạt văn kiện kiểm soát vũ khí.

Quan chức cấp cao của Mỹ tiết lộ chính quyền Tổng thống Mỹ Donald Trump đang xem xét khả năng tái khởi động các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân, vốn đã không được tiến hành từ năm 1992, Washington Post hôm 23/5 cho biết.

Tái khởi động thử nghiệm

Vấn đề tái khởi động thử nghiệm vũ khí hạt nhân được đưa ra trong cuộc họp của các quan chức cấp cao thảo luận về các chương trình an ninh quốc gia hôm 15/5, sau khi các quan chức Mỹ cáo buộc Nga và Trung Quốc đang tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân quy mô nhỏ. Cả Moscow và Bắc Kinh đã bác bỏ cáo buộc này.

Trong cuộc họp, nhiều bất đồng sâu sắc đối với ý tưởng thử nghiệm vũ khí hạt nhân đã xuất hiện, cụ thể từ Cơ quan Quản lý an ninh hạt nhân quốc gia (NNSA).

Cuộc họp không đưa ra kết quả về việc sẽ tiến hành thử nghiệm vũ khí hạt nhân, tuy nhiên một quan chức cấp cao khẳng định đề xuất này "là một vấn đề đang được thảo luận". Một nguồn tin khác cho biết quyết định cuối cùng được đưa ra là sử dụng các biện pháp khác để đáp trả đe dọa từ Nga và Trung Quốc.

Tên lửa đạn đạo tại căn cứ không quân Vandenberg, California, Mỹ. Ảnh: Không quân Mỹ.

Mỹ đã chấm dứt thử nghiệm nổ hạt nhân từ tháng 9/1992, và các chuyên gia phổ biến vũ khí hạt nhân cảnh báo tái khởi động thử nghiệm hạt nhân sẽ gây ra những bất ổn cho thế giới.

"Đây sẽ là lời mời cho các quốc gia sở hữu vũ khí hạt nhân khác đi theo, là phát súng mở màn cho cuộc chạy đua vũ tang hạt nhân chưa có tiền lệ. Điều này cũng sẽ làm gián đoạn đàm phán với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un", Daryl Kimball, Giám đốc điều hành Hiệp hội Kiểm soát vũ trang tại Mỹ, đánh giá.

Mỹ là quốc gia duy nhất trên thế giới từng triển khai vũ khí hạt nhân trong thời chiến vào năm 1945. Từ sau Chiến tranh thế giới 2, ít nhất 8 quốc gia đã tiến hành tổng cộng hơn 2.000 vụ thử hạt nhân, trong đó từ phía Mỹ là hơn 1.000 vụ.

Các hậu quả về môi trường và y tế do thử nghiệm hạt nhân đã dần buộc các nước tiến hành quy trình này dưới lòng đất, và cuối cùng tiến tới kêu gọi một lệnh cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân quốc tế trong thế kỷ 21.

Sau khi Chiến tranh lạnh kết thúc, Mỹ đã dừng thử nghiệm vũ khí hạt nhân. Hiệp định Cấm thử nghiệm vũ khí hạt nhân toàn diện với sự tham gia của 184 quốc gia ra đời năm 1996, tuy nhiên chưa đi vào hiệu lực do một số quốc gia then chốt chưa phê chuẩn, trong đó có Mỹ.

Mặc dù vậy, các cường quốc hạt nhân tới nay vẫn tôn trọng các quy định cấm thử nghiệm cốt lõi của Hiệp định năm 1996. Tuy nhiên, vài tháng qua, Mỹ đã cáo buộc Nga và Trung Quốc vi phạm nguyên tắc thử nghiệm "với công suất bằng không", khi tiến hành các cuộc thử nghiệm với công suất "cực thấp" hoặc thử nghiệm ngầm.

Kể từ khi Hiệp định 1996 ra đời, Mỹ luôn bảo đảm kho vũ khí hạt nhân của nước này sẵn sàng được triển khai bằng cách tiến hành các thử nghiệm cận lâm sàng, tức các vụ nổ không tạo ra phản ứng hạt nhân dây chuyền nhưng đủ để thử nghiệm các cấu phần của vũ khí.

Các cơ sở vũ khí hạt nhân của Mỹ cũng phát triển công nghệ giả lập máy tính, cho phép chạy giả lập các vụ thử hạt nhân để bảo đảm kho vũ khí của nước này luôn sẵn sàng chiến đấu.

Từ lâu, mục đích chính của các cuộc thử nghiệm hạt nhân ở Mỹ là bảo đảm độ tin cậy của kho vũ khí hạt nhân hiện tại, hoặc thử nghiệm các mẫu thiết kế vũ khí mới.

Mỗi năm, các quan chức cấp cao của Mỹ phải xác nhận sự an toàn và độ khả tín của kho vũ khí hạt nhân mà không tiến hành thử nghiệm thực chiến.

Công cụ răn đe Trung Quốc và Nga

Chính quyền Tổng thống Trump từng khẳng định, không giống Nga và Trung Quốc, Mỹ không xây dựng vũ khí hạt nhân mới nhưng bảo lưu quyền này nếu Moscow và Bắc Kinh từ chối đàm phán về chương trình hạt nhân của chính họ.

Cuộc thảo luận về tái khởi động thử nghiệm hạt nhân diễn ra trong bối cảnh Tổng thống Trump chuẩn bị rút Mỹ khỏi Hiệp ước Bầu trời mở, văn kiện có hiệu lực từ năm 2002 được xây dựng với mục tiêu giảm thiểu nguy cơ chiến tranh bằng cách cho phép tiến hành các chuyến bay giám sát lẫn nhau đối với 34 quốc gia thành viên của hiệp định.

Kế hoạch rút lui khỏi Hiệp định Bầu trời mở là dấu hiệu tiếp theo của sự xói mòn các khuôn khổ kiểm soát vũ khí toàn cầu mà Washington và Moscow đã xây dựng trong và sau chiến tranh lạnh.

Trước đó, Tổng thống Trump cũng đã rút Mỹ khỏi Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung INF ký với Liên Xô năm 1987.

Tổng thống Mỹ Barack Obama và Tổng thống Nga Dmitry Medvedev ký Hiệp ước New START tại Prague ngày 8/4/2010. Ảnh: AP.

Trụ cột kiểm soát vũ trang lớn giữa Mỹ và Nga còn sót lại hiện nay là Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược New START, theo đó đặt ra một số giới hạn về triển khai vũ khí và phương tiện chiến tranh hạt nhân.

Hiệp ước New START dự kiến hết hạn vào tháng 1/2021.

Chính quyền Trump đã thúc đẩy đàm phán một văn kiện quốc tế kế thừa New START, với sự tham gia của Trung Quốc và Nga. Tuy nhiên, Bắc Kinh tới nay luôn bác bỏ kêu gọi đàm phán văn kiện giới hạn triển khai vũ khí hạt nhân này.

Đặc phái viên Mỹ về kiểm soát vũ khí, Marshall Billingslea, cảnh báo Trung Quốc hiện đang tập trung xây dựng kho vũ khí hạt nhân của nước này với "ý định xây dựng lực lượng hạt nhân và sử dụng lực lượng này để đe dọa Mỹ, bạn bè và các đồng minh".

Một quan chức Mỹ cho biết thử nghiệm hạt nhân có thể giúp gây sức ép, buộc Bắc Kinh tham gia hiệp định ba bên với Washington và Moscow.

Tuy nhiên, một số chuyên gia ủng hộ không phổ biến vũ khí hạt nhân cho rằng cách tiếp cận này chứa đầy rủi ro.

"Thật nguy hiểm nếu chính quyền này tin rằng thử nghiệm hạt nhân và năng lực hạt nhân có thể được dùng để ép buộc các đối tác đàm phán đưa ra nhượng bộ đơn phương", ông Kimball đánh giá.

UFO bay lượn lờ trước mũi tiêm kích Mỹ Các vật thể bay không xác định lượn lờ trước mũi máy bay chiến đấu Mỹ rồi đột ngột biến mất khi phi công có ý định tiếp cận gần chúng.

Duy Anh

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/my-xem-xet-tai-thu-nghiem-vu-khi-hat-nhan-de-ran-de-tq-va-nga-post1087683.html