Mường Lay: Điểm hẹn Đà giang

Vào mùa hồ Thủy điện Sơn La tích nước, ở ngã ba sông Đà, Mường Lay (Điện Biên) - 'thị xã hẹp trong một tầm tiếng gọi' - đẹp như bức tranh thủy mạc với những phố nhà sàn trải dài yên bình bên sông Đà cuộn chảy; một đô thị mới nơi tận cùng Tây Bắc trên bến, dưới thuyền...

Thị xã nhỏ soi bóng Đà giang

Đầu đông, đường lên Tây Bắc lau nở bông trắng xóa núi đồi. Di chuyển theo lưu vực sông Đà gần 1 giờ đồng hồ trên thuyền, thị xã Mường Lay - thủ phủ lâu đời của người Thái trắng, cửa ngõ phía Bắc của tỉnh Điện Biên nối với tỉnh Lai Châu - hiện ra trước mắt chúng tôi. Lúc này, nước sông Đà đỏ ngầu phù sa, dòng Nậm Na vàng sẫm pha lẫn với con suối Nậm Lay trong vắt hợp lại trên một vùng nước rộng lớn tại trung tâm thị xã Mường Lay. Vùng lòng hồ Thủy điện Sơn La, đoạn qua thị xã Mường Lay, có thể được xem như một “Hạ Long trên cao” giữa vùng trời Tây Bắc thơ mộng.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống được bảo tồn tại Mường Lay

Mường Lay là thị xã có diện tích nhỏ nhất nước, chưa đầy 12.000ha. Trung tâm thị xã nằm trong một thung lũng hẹp, dài, nơi ngã ba giao cắt của sông Đà, sông Nậm Na và suối Nậm Lay; từng bị nhấn chìm trong đợt lũ lịch sử. Qua bao cuộc đổi dời và từ khi thực hiện chủ trương tái định cư để nhường đất cho lòng hồ Thủy điện Sơn La, diện mạo của thị xã nhỏ này như “lột xác”, trở thành đô thị hiện đại với phố nhà sàn đặc trưng; là chốn ngao du hấp dẫn của Tây Bắc.

Có đi mới thấy, cảm nhận rõ hơn về Mường Lay xứ sở giàu tiềm năng du lịch, văn hóa bản địa độc đáo và hơn hết người dân nơi đây đang nuôi khát vọng về một ngành kinh tế mới ngoài nghề nương rẫy, sông núi để thoát nghèo. Lãnh đạo thị xã Mường Lay chia sẻ, từ cuộc thiên di lịch sử khi Thủy điện Sơn La được hoàn thành, mực nước lòng hồ dâng cao, diện tích thủy vực rộng hàng trăm ha đã tạo ra cho Mường Lay cảnh quan du lịch sinh thái cực kỳ hấp dẫn, cơ hội cho ngành “công nghiệp không khói” Mường Lay bứt phá đang mở rộng.

Nhiều điểm hấp dẫn du khách

Đến Mường Lay, không chỉ du ngoạn lòng hồ ngắm cảnh, tham quan các mô hình nuôi cá lồng bè, trải nghiệm đánh bắt thủy sản cùng đồng bào mà còn rất nhiều điều thú vị để khám phá. Mường Lay tuy là thị xã nhỏ, người dân chỉ quần cư chủ yếu bên bờ hồ thủy điện nhưng có đến 3 di tích, di sản cấp quốc gia: Nghệ thuật xòe Thái, lễ hội Kin Pang Then, nhà tù Lai Châu. Đã đến Mường Lay, không thể bỏ qua dinh thự một thời xa hoa bậc nhất vùng Tây Bắc của “vua Thái” Ðèo Văn Long ở đỉnh Pú Vạp cao hơn 1.000m so với mực nước biển.

Nắng chiều rực rỡ trên đỉnh núi, chúng tôi rong ruổi bằng xe máy hướng về Pú Vạp (xã Lày Nưa) trên cung đường gấp khúc, uốn lượn, dốc ngược. Ngoài cảm giác thót tim khi đi đến đoạn đường khó, hành trình lên đỉnh Pú Vạp cũng được trải nghiệm khung cảnh hùng vĩ, kỳ thú của núi rừng Tây Bắc, những bản làng người Mông quần tụ bên sườn núi. Dinh thự “vua Thái” ở Pú Vạp được quân đội Pháp xây dựng năm 1948, từng là nơi giải trí, tiêu khiển của bọn thống trị; nơi giam cầm, tra tấn những người hoạt động cách mạng… Dù nay chỉ còn là phế tích, nhưng vẫn thể hiện một kiến trúc cổ của người Pháp với hai dãy nhà ngang ba gian kiên cố; vật liệu xây dựng là gạch vồ, đất nung, mái lợp đá xẻ ngũ sắc. Với những gì còn lại, thị xã Mường Lay đang định hướng phục dựng Pú Vạp thành điểm tham quan du lịch, nghỉ mát lôi cuốn trên địa bàn.

Mường Lay có nhiều cơ hội phát triển du lịch

Từ Pú Vạp, dọc theo lưu vực sông Đà, đi qua “vịnh” của sông Đà với lưu vực sông uốn lượn, có cây cầu Pa Phông nối hai bờ thuyền đưa chúng tôi cập bến sông Huổi Lóng (xã Huổi Só, huyện Tủa Chùa) để đến hang Pê Răng Ky vừa được công nhận di tích cấp quốc gia. Trên đường đến hang Pê Răng Ky là cả một khung trời thôn bản đậm đặc màu sắc văn hóa với những bé trai người Dao mặc sắc phục truyền thống về trung tâm xã làm lễ trưởng thành; những người phụ nữ Dao ngồi kéo sợi, xe bông trong bản nhỏ yên bình. Hang Pê Răng Ky tạo cho du khách sự bất ngờ rất lớn về một hang động tự nhiên hình thành từ những kiến tạo địa chất hàng triệu năm, được phát hiện vào năm 2014, nằm ở độ cao trên 1.000m so với mực nước biển, dài hơn 800m, gồm 3 khoang với các cửa lớn. Phó Chánh văn phòng huyện Tủa Chùa Nguyễn Văn Mạnh cho biết, Tủa Chùa là địa bàn nhiều tiềm năng du lịch sinh thái ở Mường Lay, trong đó có hang Pê Răng Ky. “Chúng tôi đang kỳ vọng, hang Pê Răng Ky với hệ thống thạch nhũ được đánh giá còn đẹp và nguyên trạng, sẽ sớm là điểm đến thu hút du khách”- ông Mạnh chia sẻ.

So với vùng lòng hồ sông Đà ở Sơn La, Hòa Bình, Mường Lay ẩn chứa nhiều giá trị du lịch, văn hóa còn nguyên sơ; con người dung dị, thuần phác. Đặc biệt, khi lòng hồ Thủy điện Sơn La tích nước và công trình Thủy điện Lai Châu dâng nước lên là cư dân ven lòng hồ có thể sống được với nghề du lịch sông nước. Hiện, khắp bến sông, đã có nhiều thuyền, bè neo đậu chờ khách, cơ sở lưu trú, dịch vụ dần bắt nhịp với đời sống. Sự chuyển mình này đã gợi lên những hy vọng tươi sáng rằng, Mường Lay sẽ là điểm hẹn lý tưởng nơi thượng nguồn sông Đà. Để đưa Mường Lay trở thành một đô thị du lịch ven lòng hồ Thủy điện Sơn La, rất cần lực đẩy về đầu tư cơ sở hạ tầng, xây dựng sản phẩm dịch vụ theo hướng chuyên nghiệp; thúc đẩy liên kết, hợp tác phát triển các tour, tuyến du lịch, quảng bá, giới thiệu tài nguyên. Đặc biệt, chính quyền nơi đây cần có chính sách thu hút các nhà đầu tư tiên phong trong lĩnh vực du lịch…

Trong Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Điện Biên giai đoạn 2006-2020, thị xã Mường Lay được là trung tâm phát triển du lịch khu vực phía Bắc của tỉnh, sẽ có những ưu tiên đầu tư để đánh thức tiềm năng vùng đất này…

Hoa Quỳnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/muong-lay-diem-hen-da-giang-115388.html