Mua được S-300 từ Nga và Ukraine cũng không giúp gì Mỹ

Theo truyền thông Nga, hiện nay Mỹ đang có trong tay 2 hệ thống S-300 mua từ Ukraine và dang tiến hành huấn luyện với vũ khí này.

Nhận định này được đưa ra sau khi xuất hiện bức ảnh vệ tinh ghi lại những hệ thống S-300 đang được Mỹ triển khai tương tự kiểu chiến đấu. Trang Avio.pro dẫn nguồn tin quân sự Nga xác nhận, phiên bản Mỹ đang có chính là S-300PT. Đây chính là phiên bản bằng nhiều cách khác nhau Mỹ đã mua được từ Ukraine.

Hệ thống S-300PT.

Giới quân sự Mỹ tin rằng, với việc sở hữu S-300PT, Mỹ sẽ tiến gần hơn với việc tìm hiểu được bí mật của hệ thống S-400 tối tân hơn của Nga hiện nay. Nhưng theo truyền thông Nga, đây là niềm tin không có cơ bởi bởi S-300PT là phiên bản đã ra đời cách đây khoảng 40 năm và chúng không liên quan gì đến S-400 ngoại trừ kiểu phóng nguội tương tự nhau.

Điều đặc biệt theo tiết lộ của ông Victor Parantis, nhà báo đồng thời là chuyên gia quân sự Nga, S-300PT cũng chính là phiên bản đã được Tổng thống Nga khi đó là ông Boris Yeltsin đồng ý bán với số tiền gần 150 triệu USD.

Để sở hữu S-300, người Mỹ tìm tới một vị tướng trong Bộ Quốc phòng Nga, và ra giá 140 triệu USD để mua phiên bản đầy đủ của tên lửa S-300. Ông Parantis cho biết: "Vị tướng Nga đã xiêu lòng trước lời đề nghị này nhưng vẫn cần phải có sự cho phép của Tổng thống Nga khi ấy là ông Boris Yeltsin.

Ông Yeltsin đã bị vị tướng thuyết phục rằng Nga có thể dùng tiền của người Mỹ để phát triển các loại vũ khí tốt hơn S-300 trong lúc Washington bận bịu khai phá các bí mật của hệ thống này".

Tổng thống Yeltsin sau đó đã ra lệnh chuyển giao các tên lửa S-300 cho Mỹ, cùng với tất cả các tài liệu hướng dẫn được dịch sang tiếng Anh. Nhưng theo ông Parantis, chính phủ Nga rút cuộc chỉ nhận được 47 triệu USD.

Để bổ sung thêm sức mạnh cho những hệ thống S-300 của mình, hồi năm 2018, Mỹ đã thuyết phục được Ukraine bán thêm một số thành phần quan trọng khác của tổ hợp S-300, gồm cả radar phòng không di động 36D6M11, được xem là "kính viễn vọng" của hệ thống tên lửa này.

Tuy nhiên, dù có trong tay những bảo vật này nhưng chúng không giúp ích gì cho Mỹ khi muốn vô hiệu S-300 ở Syria bởi phiên bản được Nga chuyển cho Syria khác biệt rất lớn những gì Mỹ có trong tay.

Bằng chứng của sự bất lực này chính là việc Mỹ chấp thuận chuyển giao số lượng lớn tên lửa JASSM giúp quốc gia Do Thái tăng cường khả năng đối phó với S-300 Syria.

Nói về nguyên nhân tại sao khiến Mỹ chuyển JASSM mà không phải loại tên lửa khác cho Israel, giới chuyên gia Mỹ cho rằng, do JASSM là vũ khí "phóng và quên" hoàn toàn, nó sử dụng hệ dẫn đường quán tính có tham chiếu vệ tinh trong giai đoạn tiếp cận trước khi đầu dò hồng ngoại gắn ở mũi tên lửa bắt được mục tiêu.

Ngay sau khi phóng tên lửa JASSM, tiêm kích mẹ có thể quay về mà không phải lo dẫn bắn cho tên lửa, tầm bắn lên tới 370 km của JASSM đủ khiến chiến đấu cơ F-15 và F-16 của Israel không cần bay vào vùng nguy hiểm.

Hơn nữa nhờ thiết kế góc cạnh nhằm tán xạ sóng radar và vật liệu chế tạo đặc biệt cấu thành chủ yếu từ composite mà nó gần như vô hình hoàn toàn trước radar trinh sát đối phương. Nếu Israel dùng tên lửa hành trình tấn công, Nga và Syria sẽ phải đau đầu trong việc tìm cách đối phó.

Tuấn Vũ

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/quoc-phong/vu-khi/mua-duoc-s-300-tu-nga-va-ukraine-cung-khong-giup-gi-my-3379954/