Một ngày ở địa đạo Củ Chi

Lớp học vùng giải phóng.

Cách TP HCM 60 km về hướng Tây Bắc, Khu du lịch địa đạo Củ Chi thu hút mỗi ngày vài ngàn du khách tìm tới để tham quan, chiêm ngưỡng và thử thách với chính mình khi leo xuống các địa đạo mà ngày xưa, người dân Củ Chi đã liên tục đào từ năm 1960-1975. Địa đạo ấy trở thành cứ địa vững chắc cho dân và quân Củ Chi bám trụ, chống trả với các cuộc càn quét, thả bom của địch. Nơi đây trước ngày 30-4-1975 là căn cứ địa của Khu ủy Quân Khu Bộ Tư lệnh Sài Gòn- Gia Định...

Ngoài các hầm, địa đạo, nằm trong khu di tích Củ Chi, một khu vực rộng trên 3ha khác là công trình tái hiện vùng giải phóng Củ Chi, đã minh họa về một vùng giải phóng ở miền Nam trước 1975. Nơi đây đã thể hiện một cách trung thực cảnh sống, sinh hoạt và chiến đấu của người dân Củ Chi kiên cường, không ngại gian khổ trong cuộc kháng chiến chống Mỹ. Những con đường chen trong cây cỏ, trạm gác, địa đạo, hầm trú ẩn, hố bom B52, nhà huyện ủy, nhà du kích, chợ vùng giải phóng, trạm xá, bếp Hoàng Cầm, lò đúc vũ khí, lớp học vùng giải phóng, nhà may quân trang, vườn rau, trạm thông tin... như hiện ra trước mắt mọi người. Trong chuyến ghé thăm, khách còn được vào trong hầm sâu dưới lòng đất, thưởng thức món cơm nắm muối mè hoặc khoai mì luộc, uống trà xanh.

Sự hấp dẫn của Khu tái hiện vùng giải phóng Củ Chi chính là cảm giác của bạn khi đi vào một vùng nông thôn kháng chiến miền Nam trong thời chiến tranh. Từ cổng vào với những hầm bẫy bằng chông ngăn địch, đến những con đường nông thôn đất đỏ, vẫn mang vẻ đằm thắm, có chút gì đó lãng mạn khi vào từng khu vực. Khách mang cảm giác khác khi vào khu vực dựng lại nơi giao chiến với những giao thông hào, cảnh các anh bộ đội đang phòng thủ, những chiếc xe tăng, pháo, tải của địch bị chặn đứng bởi lòng kiên cuờng của quân và dân vùng giải phóng...

Lòng đất Củ Chi có cả ngàn mét địa đạo âm sâu trong lòng đất. Nhưng chỉ cần bước vào một địa đạo dài chừng 20 mét đã được mở rộng, có cả ánh đèn soi đường nhưng bạn vẫn cảm thấy sự vất vả. Trong khi ở nơi đó, bao nhiêu ngày đêm là “nhà” của du kích Củ Chi. Trong khu hầm nhà ăn, ai cũng thích thú khi ăn thử củ khoai mì (sắn) luộc hoặc cơm nắm chấm muối vừng. Đó là lương thực chính của dân quân vùng Giải phóng Củ Chi trong cuộc chiến tranh. Cũng sẽ thích thú rửa mặt tại khu vòi nuớc tập thể. Vòi nước được dẫn từ mạch nuớc ngầm, chảy ra bằng những ống tre.

Trong cuộc hành trình đến Củ Chi, món quà lưu niệm đôi khi là chiếc mũ tai bèo, một ngọn đèn dầu tự tạo làm bằng quả đạn M.79,... đều làm cho bạn thích thú. Chuyến đi thăm vùng Giải phóng Củ Chi sẽ làm cho bạn toát mồ hôi khi theo chân những người Hướng dẫn viên trong bộ đồ du kích. Nhưng đó là chuyến đi thú vị. Có nhiều khách cũng tò mò bên chiếc máy xay gạo thủ công, nhịp nhàng bàn tay xay lúa...

KHUÊ VIỆT TRƯỜNG

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/71_214266_mot-ngay-o-dia-dao-cu-chi.aspx