Một chuyện tình thời chiến cảm động

Trong vô vàn những câu chuyện tình thời chiến, có một câu chuyện cảm động về mối tình đẫm nước mắt của đôi trai tài - gái sắc một thời, đó là anh Trần Minh Tiến, cầu thủ bóng đá của đội tuyển trẻ Hà Tây và Đội bóng Sư đoàn 308 và chị Vũ Lưu Liên, một thiếu nữ xinh đẹp, diễn viên của Đoàn Văn công xung kích tỉnh Hà Tây (trước đây).

Từ mối tình trong sáng và giàu lý tưởng...

Trong vô vàn những câu chuyện thời kháng chiến chống Mỹ, có một câu chuyện cảm động về mối tình đẫm nước mắt của đôi trai tài - gái sắc một thời ở xứ Hà Đông. Hai người học chung một lớp ở Trường cấp 2 Hà Cầu (nay là Trường THCS Lê Hồng Phong, phường Hà Cầu, quận Hà Đông, TP Hà Nội). Trần Minh Tiến có dáng người tầm thước, da ngăm đen, tính sôi nổi, hay hát, hay cười, lại đá bóng giỏi nên được nhiều bạn gái quý mến. Lưu Liên vẫn xưng hô mày-tao, lại còn định giới thiệu bạn gái cho anh. Mãi đến khi đi bộ đội, là chiến sĩ của Trung đoàn 102, Sư đoàn 308, anh mới ngỏ lời yêu Lưu Liên.

Di ảnh liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Di ảnh liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Chân dung bà Lưu Liên thời trẻ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Chân dung bà Lưu Liên thời trẻ. Ảnh do gia đình nhân vật cung cấp

Hai người đã có rất nhiều kỷ niệm đẹp gắn liền với tuổi học trò trong sáng. Mối tình của họ từng bị gia đình Lưu Liên ngăn cấm bởi không "môn đăng hộ đối". Cô là con gái một nhà tư sản có tiếng, có hãng ô tô mang tên Hoàng Sơn ở thị xã Hà Đông (nay là quận Hà Đông, TP Hà Nội). Còn Minh Tiến sinh ra trong một gia đình nghèo, cha đau ốm liên miên, mẹ mở hàng nước và gánh cơm bình dân để sống qua ngày. Vượt lên trên tất cả, họ yêu nhau say đắm.

Không quản ngại đường xa, thi thoảng cô vẫn đạp xe lên thăm đơn vị anh, có lần từ Hà Đông lên Tam Đảo, Vĩnh Phúc rồi về đến nhà đã quá nửa đêm. Khi không thể gặp nhau thì những lá thư là sợi dây nối kết và “chắp cánh” cho tình yêu của họ. Yêu nhau đến 3 năm, hai người mới dám cầm tay. Đó là một mối tình vô cùng trong sáng, như Minh Tiến đã tả lại trong một lá thư viết cho người yêu: "Mối tình của anh đến với em quả là thơ dại. Nó chỉ có những lời lẽ, những chiếc hôn cháy bỏng... trong thư. Thực ra lúc sắp gặp em, anh cũng tự nhủ phải mạnh bạo lên. Nhưng cứ đứng trước em, anh hầu như quên hết. Kể từ khi biết yêu, mọi sự mạnh bạo của mình nó cũng đi đâu" (thư ngày 9-5-1965).

 Bà Lưu Liên chia sẻ những kỷ niệm về liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Bà Lưu Liên chia sẻ những kỷ niệm về liệt sĩ Trần Minh Tiến.

Nhưng đứng trước sứ mệnh bảo vệ Tổ quốc, họ đã lựa chọn chia xa. Trong khoảng thời gian đó, họ vẫn trao cho nhau những tình cảm nồng thắm, nỗi nhớ nhung da diết, cùng nhau vượt qua những năm tháng gian khổ của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Như sau này, Minh Tiến đã viết thư về cho người yêu từ chiến trường: "Chính vì yêu em, anh mới mong sớm lao vào lửa đạn để tìm hạnh phúc. Chính vì thương em mà anh phải sẵn sàng đổi mạng mình để tìm lấy cuộc sống mãi gần nhau. Nếu anh còn thì sẽ được tất mà mất thì cũng chỉ mất mình anh...".

Trần Minh Tiến đã anh dũng hy sinh vào rạng sáng 1-6-1968 tại Cao điểm 202, đồi Bằng (xã Đakrông, huyện Đakrông, tỉnh Quảng Trị).

... Đến những trang nhật ký thấm đẫm khát vọng cống hiến

Hơn nửa thế kỷ qua, liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn được thờ trong nhà người yêu của mình là bà Lưu Liên. Anh đã được chồng và các con của người bạn gái năm xưa chấp nhận như một “thành viên” trong gia đình: Có bàn thờ riêng để mọi người cùng thắp hương tưởng nhớ và “xin ý kiến” khi có công việc đại sự… Năm 2008, qua sự giúp đỡ của bạn bè, đồng đội liệt sĩ Trần Minh Tiến, gia đình bà Lưu Liên đã tìm thấy hài cốt và đưa anh về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Quốc gia Đường 9 (ở Đông Hà, Quảng Trị).

Bà Lưu Liên và gia đình, đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Đông Hà, Quảng Trị, năm 2008.

Bà Lưu Liên và gia đình, đồng đội đưa hài cốt liệt sĩ Trần Minh Tiến về an táng tại Nghĩa trang Liệt sĩ Đường 9, Đông Hà, Quảng Trị, năm 2008.

Hơn 50 năm qua, những kỷ vật gắn với liệt sĩ Trần Minh Tiến vẫn được gia đình bà Lưu Liên trân trọng lưu giữ. Năm 2006, nhật ký của anh đã được xuất bản với tên gọi “Trở về trong giấc mơ”.

Cuốn sách được Đại tá, nhà văn Đặng Vương Hưng biên soạn và giới thiệu từ những trang sổ tay nhật ký của anh. Nhật ký của Trần Minh Tiến bắt đầu từ ngày 21-11-1966 và khép lại vào ngày 14-3-1968. Đó là khoảng thời gian đơn vị anh làm nhiệm vụ huấn luyện tại Vĩnh Yên, Tam Đảo. Thông qua những trang nhật ký, người chiến sĩ trẻ đã ghi lại những tháng ngày tập luyện gian nan, vất vả để chuẩn bị cho cuộc hành quân vượt Trường Sơn vào miền Nam chiến đấu. Cuốn sổ nhật ký nhỏ đã trở thành một người bạn tâm tình, là nơi để người lính trẻ bộc bạch những tâm tư, tình cảm sâu kín nhất của lòng mình.

Đó là những tháng ngày luyện tập vô cùng vất vả: "Hôm qua, đi 11 giờ liên tục thì đến bến đò Phan Lương. Đây là nơi giáp ranh ba tỉnh nên có phương án giả định "địch" đổ bộ trực thăng xuống. Đơn vị lại đặt ba lô tổ chức đánh suốt đêm... Đánh xong, tiếp tục chơi một vố đeo ba lô vận động 23km xuống phía cầu Bâm để đánh "địch" tiếp viện từ Vĩnh Phúc lên" (ngày 4-12-1966), "Đánh xong trận phục kích giả tưởng, người mình trở nên tàn tệ quá. Áo quần lem luốc bùn lầy, súng đầy bụi đất, giày thì một chiếc còn, một chiếc mất, mặt mũi hốc hác tái ngắt, đôi mắt cứng đờ, râu ria tua tủa trông thật gớm" (ngày 6-12-1966)... Chính sự tôi luyện đó đã góp phần chi viện cho chiến trường miền Nam những chiến sĩ ưu tú nhất.

Nhật ký cũng là nơi thể hiện tiếng lòng, trách nhiệm với Tổ quốc của người chiến sĩ trẻ Trần Minh Tiến: "Mình thấy tự hào vì đang sống trong một chế độ tươi đẹp, đang góp sức mình xây dựng niềm tự hào dân tộc. Được Đảng dìu dắt từ một đứa trẻ sinh ra trong xã hội nô lệ, trong một gia đình nghèo khổ bình thường mang đầy chất tư hữu. Mình đã trưởng thành rất nhiều, sau 4 năm rèn luyện và trở thành "thép đã tôi". Và anh đã cao hứng viết nên những vần thơ như lời "tuyên thệ": "Khi máu của Tổ quốc còn chảy/ Thì đôi lứa mình chưa có hạnh phúc/ Không thể sống xa hoa cùng bom đạn/ Dù có lỡ hẹn tình năm trước/ Thì ta sẽ được cả đất nước/ Hành quân xa vang vọng lời ca/ Nhắc lòng ta trận tuyến xông pha...".

Bà Lưu Liên từng chia sẻ, khi cho xuất bản những tư liệu về liệt sĩ Trần Minh Tiến, bà đã suy nghĩ rất nhiều. Nhưng rồi bà nhận ra, đó là những tài sản vô giá, rất có ích cho đời sau nên cần phải được lưu giữ và lan tỏa. Được xuất bản lần đầu năm 2005, do NXB Hội Nhà văn ấn hành, “Trở về trong giấc mơ” đã được NXB Công an nhân dân tái bản lần đầu năm 2010 và vừa được NXB Chính trị Quốc gia Sự thật tái bản lần thứ hai (tháng 6-2024). Gần 20 năm qua, “Trở về trong giấc mơ” đã được nhiều thế hệ bạn đọc đón nhận, không chỉ bởi nội dung trung thực của thể loại nhật ký thời chiến mà còn cảm động bởi mối tình đặc biệt của đôi trai tài gái sắc.

Bà Lưu Liên trao 500 cuốn “Trở về trong giấc mơ” tặng chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" đến các thư viện, trường học trên toàn quốc. Ảnh: THỦY TIÊN

Bà Lưu Liên trao 500 cuốn “Trở về trong giấc mơ” tặng chương trình "Tủ sách Đặng Thùy Trâm" đến các thư viện, trường học trên toàn quốc. Ảnh: THỦY TIÊN

Điều đặc biệt là trong lần tái bản năm 2024 này, NXB Chính trị Quốc gia Sự thật đã làm mới “Trở về trong giấc mơ” bằng cách kết hợp sách giấy và sách điện tử, với nhiều trang có in các mã QR. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên được NXB ứng dụng chuyển đổi số phục vụ bạn đọc. Ngoài phần nhật ký, sách còn cung cấp thêm cho độc giả nội dung đầy đủ 109 bức thư của liệt sĩ Trần Minh Tiến gửi cho người yêu là Vũ Lưu Liên. Đó cũng chính là nội dung tác phẩm "Những lá thư tình đi qua chiến tranh" đã được NXB Thông tin và Truyền thông ấn hành năm 2021.

 Ngoài nội dung nhật ký, bạn đọc có thể quét mã QR in kèm nội dung sách để được đọc những lá thư Trần Minh Tiến viết cho người yêu từ chiến trường.

Ngoài nội dung nhật ký, bạn đọc có thể quét mã QR in kèm nội dung sách để được đọc những lá thư Trần Minh Tiến viết cho người yêu từ chiến trường.

Như vậy, nếu có cuốn sách “Trở về trong giấc mơ” trên tay, ngoài nội dung nhật ký, bạn đọc còn có thể quét mã QR in kèm nội dung sách để được đọc cả “Những lá thư tình đi qua chiến tranh” và cảm nhận những tâm tư, tình cảm, suy nghĩ sâu sắc đầy yêu thương và trách nhiệm đối với người yêu, đối với cuộc đời, đối với Tổ quốc của người lính trẻ Trần Minh Tiến.

Vượt lên trên những cảm xúc riêng tư của tình yêu đôi lứa, “Trở về trong giấc mơ” sẽ khơi nguồn cảm hứng giúp thế hệ trẻ hiểu hơn về cuộc kháng chiến trường kỳ, nhiều hy sinh, mất mát nhưng rất đỗi tự hào của dân tộc cũng như hoài bão, khát vọng cống hiến cho đất nước của thế hệ cha anh, để vững vàng bước tiếp trên chặng đường xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hôm nay.

AN AN - ĐẶNG VƯƠNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/phong-su-dieu-tra/phong-su/mot-chuyen-tinh-thoi-chien-cam-dong-786432