Móng Cái - hành trình của thành phố kiến tạo hạnh phúc

Năm 2023 đánh dấu cột mốc phát triển đột phá của thành phố biên mậu Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Chưa có thành phố giáp biên nào có thể tuyên bố phát triển với 4 trụ cột: Trung tâm dịch vụ thương mại cửa khẩu logistics; trung tâm du lịch quốc tế; phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo và phát triển nông nghiệp công nghệ cao; xây dựng khu vực phòng thủ vững chắc gắn với phát triển kinh tế-xã hội.

Một góc thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Sáu Nguyễn

Trong hành trình tịnh tiến trên 4 trụ cột đó, thành phố Móng Cái mạnh mẽ tuyên bố sẽ đi đến mục tiêu nâng cao chất lượng đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần nhân dân theo các tiêu chí của “hạnh phúc”. Trải qua thời kỳ Covid-19 khốc liệt với vị trí điểm đầu trên tuyến đầu, Móng Cái nhạy cảm và hứng chịu sóng gió vào nền kinh tế và ảnh hưởng tinh thần nhân dân nhiều nhất cả nước. Khi dịch bệnh vãn hồi, Móng Cái cũng là thành phố tiên phong mở rộng cửa đón vận hội mới, tái phục hồi với những bước vững vàng hơn.

Bí thư Thành ủy Móng Cái Hoàng Bá Nam khẳng định: “Móng Cái dù phát triển trên hành trình nào cũng phải giữ được biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển”. Năm 2023 cũng là năm Móng Cái là thành phố thụ hưởng nhiều dự án đầu tư hạ tầng mang lại tiềm năng vượt trội. Thành phố trở thành địa phương sẵn sàng chuyển đổi số, dẫn đầu xu hướng trên nền tảng vốn văn hóa và đời sống không thể đầy đặn và giàu có như các địa phương giàu truyền thống khác.

Dự kiến, đến năm 2030, Móng Cái sẽ sáp nhập thêm một vài xã của huyện Hải Hà để có thể mở rộng vốn đất đai, nguồn lực, nối liền mạch với các điểm du lịch, đô thị và cảng biển thuận lợi mục tiêu chung. Như vậy, Móng Cái đã được chọn cho hành trình kiến tạo tương lai hướng đến niềm hạnh phúc của nhân dân, đồng thời cũng dẫn đầu hệ thống các đô thị có cửa ngõ quốc tế đường bộ nối Việt Nam với thế giới.

Cầu Ka Long - cây cầu biên giới xây bằng đá trở thành điểm du lịch ngắm sông Ka Long. Ảnh: Trương Thúy Hằng

Cuối năm 2023, một lần nữa, Móng Cái thực hiện mô hình du lịch mới là mở tuyến du lịch xe tự lái sang Trung Quốc và ngược lại qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Việt Nam) - Đông Hưng (Trung Quốc). Xuất phát từ nhu cầu khách du lịch nội địa khi đến tỉnh Quảng Ninh đều muốn ra Móng Cái và khách du lịch nước ngoài khi đến thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) cũng đều muốn sang Móng Cái. Khi đến với Móng Cái, du khách sẽ được lái xe qua biên giới là một nhu cầu cũng là trải nghiệm khó quên. Du lịch Móng Cái đặc sắc với "Hai quốc gia - một điểm đến" đã quyết tâm mở tuyến du lịch xe tự lái này, khách du lịch đến Móng Cái sẽ được sang Đông Hưng, còn khách du lịch từ nội địa Trung Quốc được sang Móng Cái.

Khách du lịch từ nội địa Trung Quốc sẽ được lái xe sang Móng Cái và đi sâu vào đến thành phố Hạ Long. Khách du lịch Việt Nam được lái xe sang Đông Hưng và đi sâu vào Nam Ninh (Trung Quốc). Trên hành trình du lịch này, sự giao lưu ẩm thực đặc sắc Việt - Trung trở nên rõ nét, du khách khi du lịch tại Móng Cái sẽ được thưởng thức ẩm thực Trung Quốc và ngược lại.

Bước vào thời kỳ mạng xã hội và văn hóa hòa nhập toàn cầu được phổ biến, du khách dần yêu thích hàng hóa chất lượng cao lưu hành tại khu vực biên giới hai quốc gia. Theo khảo sát thực địa, khách du lịch nội địa Trung Quốc và Việt Nam hiện đều quan tâm đến điều này. Thành phố Móng Cái phối hợp với một số nhà đầu tư lớn, tầm nhìn xa để hình thành trung tâm thương mại, đưa hàng chất lượng cao ra Móng Cái.

Lễ hội đình Trà Cổ - một trong những lễ hội truyền thống của tỉnh Quảng Ninh. Ảnh: Phương Thùy

Năm 2023, tổng thu ngân sách Nhà nước của thành phố Móng Cái đạt 4.880 tỷ đồng, trong đó, thu nội địa đạt 2.285 tỷ đồng, tăng 83,8% so với năm 2022. Đây là số thu cao nhất từ trước đến nay, đánh dấu việc Móng Cái trở lại ngoạn mục trên hành trình dẫn đầu.

Sẽ không còn một thành phố biên mậu theo lối cũ với hàng hóa ngập tràn, hàng lậu nghênh ngang, hình ảnh của Móng Cái mới sẽ là chất lượng sống nâng cao của thương nhân, nhà đầu tư cũng như toàn thể nhân dân. Hành trình ấy không chỉ là hệ thống kinh tế, xã hội đời sống đều được số hóa trên hành trình chuyển đổi số, hàng hóa vận hành bằng con đường logicstics (hệ thống trung gian vận tải quốc tế), mà là hành trình được tỉnh Quảng Ninh xác định cho chiến lược phát triển lâu dài, tầm nhìn đến năm 2035.

Quy hoạch chung của Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 được Chính phủ phê duyệt ngày 26/3/2021 có quy mô là Khu kinh tế cửa khẩu trọng điểm quốc gia, trung tâm phát triển kinh tế quan trọng vùng Bắc Bộ của vành đai kinh tế ven biển Bắc Bộ và hành lang kinh tế Côn Minh (Trung Quốc) - Hà Nội - Hải Phòng - Móng Cái - Phòng Thành (Trung Quốc). Theo đó, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái sẽ có diện tích tự nhiên khoảng 121.197ha, trong đó, diện tích đất tự nhiên là 69.399ha và diện tích mặt biển là 51.798ha.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/mong-cai-hanh-trinh-cua-thanh-pho-kien-tao-hanh-phuc-post472427.html