Mốc son mới cho phim hoạt hình Việt

Bộ phim hoạt hình dài đầu tiên của Việt Nam Wolfoo và hòn đảo kỳ bí chính thức ra rạp khai thác thương mại, được ví như mốc son mới của hoạt hình 'make in Việt Nam'.

Phim hoạt hình Wolfoo và hòn đảo kỳ bí.

Đây chính là dấu ấn quan trọng khẳng định việc đưa hoạt hình Việt Nam “chinh chiến” tại phòng vé không chỉ là ước mơ, khát vọng mà còn là cơ hội.

Phá thế độc tôn hoạt hình ngoại

Phim hoạt hình ở nhiều nước được xem là “mỏ vàng” khi không chỉ chiếu trên truyền hình mà còn làm khuynh đảo các cụm rạp, thu hút sự quan tâm của đông đảo công chúng mọi lứa tuổi. Theo báo cáo của Yahoo Finance, thị trường phim hoạt hình toàn cầu ước đạt 391,19 tỷ USD năm 2022, dự kiến lên tới 587,1 tỷ USD vào năm 2030, với tỷ lệ tăng trưởng hàng năm 5,2%.

Những năm trước, các phim hoạt hình ngoại như: Vua Sư tử, Kỷ Băng hà, Kungfu Panda, Đi tìm Dory, Sherk… nối tiếp nhau ra đời đến 3, 4 phần mà vẫn hấp dẫn và đạt doanh thu khủng trên toàn thế giới. Nhiều nền điện ảnh lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… tại thời điểm này mảng hoạt hình cũng đang chiếm tỷ trọng lớn.

Tại Việt Nam, ngành hoạt hình có lịch sử hình thành và phát triển hơn 60 năm, nhưng bộ phim hoạt hình để khai thác thương mại có lẽ là lần đầu tiên. Trước đó, phim Người con của Rồng của đạo diễn Phạm Minh Trí (2010) cũng từng được chiếu rạp, tuy nhiên chỉ là những suất miễn phí nhằm mục đích phục vụ cộng đồng. Chính bởi vậy, sự xuất hiện của một phim hoạt hình chiếu rạp do người Việt sản xuất tại thời điểm này được nhiều chuyên gia nhận định đã phá thế độc tôn phòng chiếu của hoạt hình ngoại.

Từ nhiều năm nay, đội ngũ sản xuất hoạt hình Việt Nam đã âm thầm gia công cho nhiều hãng phim quốc tế. Nhiều xưởng hoạt hình Việt Nam đã góp mặt trong đội ngũ sản xuất những bộ phim hoạt hình nổi tiếng như Armada TMT Studio (Oggy và những chú gián tinh nghịch), Nam Hải Art (Đại chiến Titan, Đảo Hải tặc, Đứa con của thời tiết)...

Tuy nhiên, để có được một phim hoạt hình dài chiếu trên màn ảnh rộng là một thách thức không nhỏ. Ê kíp sản xuất chia sẻ, từ ý tưởng cho đến việc đưa sói con Wolfoo từ màn ảnh nhỏ sang màn ảnh lớn không hề dễ dàng mặc dù trước đó nhân vật sói Wolfoo đã gây “mưa gió” trên không gian mạng. Khó khăn đầu tiên phải kể đến là về mặt tài chính. Trên thị trường, chi phí sản xuất một bộ phim hoạt hình chiếu rạp cơ bản có thể dao động từ 1-10 triệu USD. Đối với một số phim hoạt hình đòi hỏi công nghệ cao và kỹ thuật phức tạp, con số này có thể lên đến cả trăm triệu USD.

Đây thực sự là con số khổng lồ đối với nhiều studio có quy mô nhỏ và vừa tại thị trường Việt Nam. Bên cạnh đó, khả năng thu hồi vốn cũng là nguyên nhân khiến các nhà làm phim hoạt hình e ngại.

Nhìn chung, đại đa số khán giả Việt vẫn chưa có nhiều thiện cảm với phim hoạt hình nội địa, cộng thêm sự cạnh tranh gay gắt của các sản phẩm hoạt hình chất lượng cao đến từ các cường quốc về hoạt hình như Mỹ, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Với thách thức lớn như vậy nhiều studio sẽ lựa chọn thực hiện các dự án series hoạt hình ngắn chiếu trên các nền tảng trực tuyến hoặc các dự án hoạt hình quảng cáo, thay vì mạo hiểm dồn toàn bộ nguồn lực cho một bộ phim chiếu rạp - điều mà họ chưa chắc chắn về tỷ lệ thành công…

“Hành trình 8 tháng để mang bộ phim hoạt hình thương hiệu Việt lên điện ảnh có rất nhiều khó khăn nhưng cũng là cơ hội để ekip làm phim trải nghiệm những điều mới, đảm nhiệm những cương vị mới. Trong quá trình làm phim, nhiều bạn trong ekip đã phải kiêm nhiều vị trí để đảm bảo tiến độ công việc” - Trưởng nhóm sản xuất Thơ Phan chia sẻ. Song với quyết tâm vượt qua vòng an toàn ấy, việc đội ngũ Sconect đầu tư sản xuất và đưa Wolfoo và hòn đảo kỳ bí ra màn ảnh rộng đã mở ra nhiều cơ hội ghi dấu ấn của Việt Nam trên bản đồ hoạt hình thế giới.

Kỳ vọng cất cánh

Có thể nói Wolfoo và hòn đảo kỳ bí là một sản phẩm đặc biệt “từ youtube bước ra rạp chiếu”. Giờ đây Wolfoo là minh chứng cho thấy một bộ phim “make in Vietnam” 100% đã chinh phục khán giả thế giới một cách ngoạn mục. Trên youtube, tính đến nay, bộ phim Wolfoo đã sản xuất lên tới 3.700 tập, dịch ra 20 ngôn ngữ và được phát sóng trên các nền tảng mạng xã hội, truyền hình, OTT/IPTV tại nhiều quốc gia.

Wolfoo có hơn 100 triệu khán giả theo dõi thường xuyên và đạt bình quân hơn 3 tỷ lượt xem mỗi tháng, trong đó lượng khán giả đông đảo nhất đến từ Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ… Có nhiều “trợ lực” nhưng không khó để nhận thấy Wolfoo và hòn đảo kỳ bí mặc dù nỗ lực sáng tạo riêng nhưng chưa thoát khỏi dáng dấp một số “bom tấn” hoạt hình quốc tế khác. Một số chuyển cảnh chưa thực sự mượt mà, cách kể chuyện còn khá ngô nghê và khó “ghi điểm” với trẻ em trên 10 tuổi…

Cùng với việc ra mắt của phim hoạt hình chiếu rạp thì sự kiện ra mắt của dự án phim hoạt hình 3D, Trạng Quỳnh thời nhí nhố dự kiến lên tới 450 tập cũng đã đem tới cho nhiều sinh khí mới cho người yêu hoạt hình. Đạo diễn Trịnh Lâm Tùng của Alpha Animation Studio chia sẻ, series hoạt hình 3D này mang niềm tin dùng trí tuệ và sức mạnh tập thể để đưa hoạt hình Việt hòa nhập vào nền công nghiệp hoạt hình thế giới.

Một trong những “lão tướng” của nền hoạt hình Việt Nam - NSND Phạm Minh Trí khi ấy nhận định, dự án hoạt hình dài tập này như cánh buồm căng lên đón gió, chờ cơ hội vươn xa. Cùng chung niềm vui này, Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam PGS.TS Đỗ Lệnh Hùng Tú cũng ghi nhận khát vọng vươn tầm của phim hoạt hình Việt Nam trên bản đồ hoạt hình thế giới.

Tất nhiên, để mở rộng ra toàn cầu, phim hoạt hình Việt vẫn cần một cú hích đủ mạnh, có được sự chung tay, hỗ trợ đủ lớn để có thể bứt phá. Ông Tạ Mạnh Hoàng, CEO Sconnect Việt Nam cho biết: “Hiện nay đã có Quỹ đầu tư phim hoạt hình nhằm mục đích ủng hộ và hỗ trợ các nhà làm phim. Hỗ trợ các bạn trẻ theo đuổi đam mê, nhiệt huyết mang lại nhiều trải nghiệm giá trị. Bệ phóng cho các tài năng đã sẵn sàng, hội tụ đầy đủ năng lực sản xuất và phát hành, hứa hẹn năm sau sẽ là một năm bùng nổ hơn nữa của ngành hoạt hình Việt Nam".

MAI AN

Nguồn SGĐT: https://dttc.sggp.org.vn/moc-son-moi-cho-phim-hoat-hinh-viet-post109335.html