Mở lối đi riêng cho phim hình sự

'Hồ sơ cá sấu' đang trở thành từ khóa tìm kiếm của nhiều khán giả yêu phim Việt. Bộ phim hình sự đan xen yếu tố tâm lý gia đình được dàn dựng với phong cách kể chuyện mới lạ, kịch bản hấp dẫn.

“Mặt nạ” cuộc sống khắc họa trong phim

Sau 6 tập phát sóng nhưng nhiều câu hỏi khán giả đặt cho nhà đài chính là sự khó hiểu về cốt truyện, hệ thống nhân vật bí ẩn. Những đánh giá về bộ phim như: phim “hại não”, khó hiểu, lan man, phim đánh lừa thị giác, bởi quá nhiều cảnh hồi tưởng nhiều lúc cứ tưởng thật,… được khán giả nhắc tới. Đầu tiên phải kể đến chi tiết nhân vật chính Nguyệt (Kiều Anh đóng) chỉ xuất hiện tập đầu sau đó là 3 tập mất tích. Đến tập 5, đạo diễn đưa hình ảnh Nguyệt trở lại bằng đoạn hồi tưởng (flashback) với người yêu cũ Quyết (Ngọc Quỳnh đóng). Điểm mâu thuẫn thứ hai đến từ trang phục của Quyết khi sau 4 năm, Quyết vẫn mặc duy nhất bộ đồ ngủ từ phân cảnh hồi tưởng lúc chia tay Nguyệt và cảnh hiện tại. Chi tiết khó hiểu thứ ba chính là định màu sắc giữa phân cảnh hiện tại và quá khứ thiếu nhất quán, thậm chí có nhiều cảnh hồi tưởng có màu sắc giống cảnh hiện tại nên dễ gây nhầm lẫn cho khán giả.

Không phủ nhận, chính những thắc mắc trên là những “nút thắt” cho bộ phim tạo tâm ý tò mò với khán giả. Ngay từ khi giới thiệu, “Hồ sơ cá sấu” là phim hình sự tâm lý khắc họa những bí mật trong thế giới ngầm, đan xen cùng mối quan hệ phức tạp trong gia đình, vợ chồng, bạn bè, đặc biệt là những góc khuất của hệ thống nhân vật bí ẩn. Xuyên suốt bộ phim là hành trình tìm kiếm hạnh phúc của vợ chồng Nguyệt và Hải. Hải là kỹ sư xây dựng, bảo thủ và ghen tuông. Nguyệt là kiểu phụ nữ đa tình, bí ẩn. Nguyệt làm trong ngành truyền thông, tiếp xúc với nhiều người, đó cũng là lý do khiến mối quan hệ giữa Hải và Nguyệt rơi vào cảnh “cơm không lành, canh chẳng ngọt” sau gần 10 năm chung sống.

Bộ phim xoay quanh sự bí ẩn về ba mảnh ghép có tên “Hồ sơ cá sấu” chứa đựng thông tin mật về hành trình phạm pháp của một nhóm lợi ích, nằm trong tay của ba người máu mặt và Nguyệt là người nắm trong tay một bí mật nguy hiểm. Đó chính là lý do khiến Nguyệt đột ngột biến mất, cùng với cái chết của Khánh “ma” – sếp của Nguyệt. Không chỉ Nguyệt, xuyên suốt bộ phim tất cả mỗi nhân vật đều ẩn chứa một “mặt nạ” trong cuộc sống. Từ Nguyệt đến Thu (Huyền Lizzi đóng) là em gái Nguyệt, Lan đồng nghiệp của Nguyệt, Quyết, Trung, Tuấn “mỏ”. Mỗi người có một mặt nạ phía sau cuộc sống thường ngày. Phim hấp dẫn khi từng bước bóc trần những tấm mặt nạ đó trong hành trình truy tìm manh mối của Hải và Cường.

Các nhân vật trong phim được xây dựng không hoàn toàn lương thiện, đan xen giữa chính diện và phản diện. Nếu Nguyệt một “mafia” trong giới thì Thu ẩn sau vẻ trong sáng, ngây thơ lại ích kỷ, nhẫn tâm đẩy chị gái vào nguy hiểm. Tuấn “mỏ” một doanh nhân thành đạt ẩn sâu trong vỏ bọc thiện lương là người tàn nhẫn, thủ đoạn. Trung có vẻ ngoài chính trực nhưng lại sống vì lợi ích.

Một phân cảnh trong bộ phim “Hồ sơ cá sấu”. Ảnh: Đoàn làm phim

Phong cách kể chuyện mới

Bộ phim “Hồ sơ cá sấu” dự kiến có 30 tập, bởi vậy những tình tiết được hé mở trong những tập đầu của phim, có thể tạo cảm giác khó hiểu nhưng đó cũng là những “nút thắt” để những phân cảnh sau được hóa giải. Thông thường, bộ phim hình sự Việt trước đây đều phản ánh khá trực diện những vấn đề tiêu cực trong xã hội hiện đại với mảng màu phim dễ đoán như chính phải thắng tà. Bộ phim “Hồ sơ cá sấu” đã thành công khi xây dựng hệ thống nhân vật đa dạng, nhiều mảng màu, phản diện với chính diện không rõ ràng nên bộ phim tạo được thêm yếu tố kịch tính và khó đoán.

Gần đây, màn ảnh Việt có nhiều “xê dịch” khi các nhà làm phim tìm cách tiếp cận phong cách dàn dựng mới trong thể loại phim hình sự. Thành công từ “Người phán xử”, “Sinh tử”, “Mê cung”,... cho thấy được hình tượng CAND đấu tranh trước tội ác, bảo vệ bình yên cho nhân dân không còn cứng nhắc, khuôn mẫu, trái lại gần gũi với công chúng.

Tiếp tục gắn với dòng phim hình sự trong “Hồ sơ cá sấu”, đạo diễn Mai Hiền cho biết, cách kể chuyên trong bộ phim hình sự vô cùng quan trọng. Chính vì thế, nhiệm vụ của biên kịch là dẫn dắt câu chuyện sao cho chân thật và gần gũi với đời sống. Những chi tiết phim phải rất đời, rất thật, bên cạnh đó là không thể thiếu những yếu tố bất ngờ khiến khán giả khó đoán trong tính cách, số phận nhân vật, đó cũng là “gia vị” để bộ phim lôi cuốn với khán giả sau mỗi tập phát sóng.

Mộc Miên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/mo-loi-di-rieng-cho-phim-hinh-su-220124.html