Miền quê cổ tích

Vào một chiều nhạt nhòa bóng nắng, tôi tìm về xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Lưu, tỉnh Nghệ An mà lòng bâng khuâng như được về thăm quê cũ.

Nghe bạn kể về mảnh đất này có nhiều cây thị và giếng nước cổ, tôi bất chợt nhớ lại câu chuyện cổ tích “Tấm Cám” từ thuở bé thơ.

Ngôi đền Cửa Gan đã trải bao nắng mưa đượm màu cổ kính, thoảng đâu đây mùi trầm hương nhè nhẹ. Cánh cửa gỗ khẽ mở, bà cụ Thuận trông đền bước ra, vòng về phía cây thị lão. Tôi khẽ reo lên như ngỡ gặp lại người muôn năm cũ. Hình ảnh bà cụ lẩn thẩn dưới gốc thị già cứ vấn vương đâu đây như nhuốm màu huyền thoại. Nước thời gian vô tình làm cho cảnh vật và con người ngày thêm phôi pha. Cây thị to, gốc xù xì, tỏa bóng xanh mát một vùng. Mỗi năm khi có quả, bà cụ Thuận lại nhờ cháu con hái xuống để dâng lên lễ Tứ vị Thánh Nương và các vị thần trong đền. Bóng bà cụ thấp thoáng bên cây thị già khiến người ta liên tưởng đến bà cụ tốt bụng trong câu chuyện “Tấm Cám”. Chao ôi! Cổ tích xa xưa và hiện tại cứ thế đan xen trong tâm trí. Cụ bà Thuận nói với tôi rằng: “Đây là vùng đất cổ, xưa Quỳnh Hoa có tên là Phù Hoa. Năm 1803, triều vua Gia Long khi đắp đường quan mới thấy đây là vùng đất giàu, đẹp nên gọi là Phú Mỹ. Từ năm 1954 đến nay, mảnh đất này mới mang tên Quỳnh Hoa. Cái tên xã đẹp như người con gái gắn với bao câu chuyện cổ”.

Người dân Quỳnh Hoa tự hào kể về cây thị cổ.

Khi tôi về xóm 9, đứng dưới tán lá xanh mát, ông Lê Đình Hòe mới hỏi: “Cậu có biết vì sao ở đây có nhiều thị và giếng cổ không? Ấy là có tích cả đấy”. Chuyện xưa kể rằng, vua Quang Trung định rời đô về Phù Hoa, lúc ấy ở đây đã có 100 cái giếng và 99 cây thị to. Một hôm có 100 con chim phượng hoàng bay đến sà xuống 100 cái giếng để tắm. Sau đó phượng hoàng bay lên đậu trên 99 ngọn cây thị, chỉ còn một con tìm mãi mà không thấy cây nào để đậu nên đã vỗ cánh bay đi. Thấy vậy, cả đàn liền cất cánh bay về đất Phượng Hoàng Trung Đô (nay là thành phố Vinh). Đất Phù Hoa thiếu mất một cây thị, phượng hoàng bay đi nên đã không được chọn xây kinh đô.

Câu chuyện đượm sắc màu cổ tích ấy được truyền mãi trong dân gian để rồi mỗi khi hỏi đến giếng cổ và thị lão thì ai cũng biết. Hiện tại trong xã Quỳnh Hoa vẫn còn hai cây thị cổ thụ, gốc to phải bốn, năm người ôm mới xuể. Hằng năm, cây vẫn ra những quả thị vàng ươm, tỏa hương thơm cả một vùng. Ngoài ra, người dân cũng trồng rất nhiều cây thị khác trong vườn nhà.

Cùng với những cây thị cổ thụ là những giếng nươc cổ vẫn còn hiện hữu trong từng con ngõ nhỏ. Ông Vũ Đức Trọng, Trưởng ban Văn hóa xã Quỳnh Hoa, giới thiệu với tôi: “Hệ thống các giếng cổ được người xưa xây dựng thành hàng chạy song song cắt ngang trục đường chính. Các giếng chỉ sâu khoảng 3-4m, ở lớp dưới cùng là khung gỗ tốt, ngâm nước không mục nát, tiếp đến là lớp đá tự nhiên kè thành vòng tròn cao lên trên mặt đất. Nước ở đây lúc nào cũng ngọt mát, đầy ăm ắp, ngay cả những năm đại hạn nước giếng cũng không bao giờ cạn, thậm chí có giếng nước còn cao hơn mặt ruộng. Hiện tại, xã Quỳnh Hoa còn 13 chiếc giếng vẫn được người dân sử dụng. Địa phương cũng đã có nhiều biện pháp tôn tạo, giữ gìn những giếng cổ này.

Thời gian có thể làm thay đổi tất cả, những gốc thị lão ngày một già nua cỗi cằn, những chiếc giếng cổ ngày thêm rêu phong. Sẽ chẳng ai có thể níu giữ được thời gian nhưng tôi thầm mong ước rằng, con cháu sinh sống trên mảnh đất này luôn gắng sức gìn giữ những giá trị cổ để lưu truyền lại cho muôn đời sau. Rời Quỳnh Hoa khi bóng hoàng hôn dần buông trên đỉnh rú Cấm, lòng lại bâng khuâng như mới bước ra từ miền cổ tích vời vợi nhớ thương.

Bài và ảnh: NGUYỄN VŨ - VÕ ĐÔNG

Nguồn QĐND: http://www.qdnd.vn/van-hoa-giao-duc/doi-song-van-hoa/mien-que-co-tich-559455