Mất vị thế, vai trò chủ đạo của bệnh viện trung ương nếu chuyển về Hà Nội quản lý

Nhiều chuyên gia y tế, lãnh đạo bệnh viện đều cho rằng việc đưa các bệnh viện trung ương thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ khiến các đơn vị này bị bó hẹp, mất đi vai trò chủ đạo trong công tác khám chữa bệnh.

Dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đang nhận được sự quan tâm với nhiều nhóm chính sách lớn được đưa ra thảo luận, trong đó, có nội dung thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia, nhà quản lý các bệnh viện đó là theo khoản 1, Điều 26. Dự thảo có nội dung: "Chuyển giao các bệnh viện thuộc bộ, cơ quan nhà nước ở trung ương đóng trên địa bàn thủ đô về thành phố Hà Nội quản lý, trừ các bệnh viện thuộc Bộ Quốc phòng, Bộ Công an, bệnh viện thuộc các trường đại học."

Ngành y tế Hà Nội có "kham" nổi nếu quản lý bệnh viện trung ương?

Hà Nội hiện có 42 bệnh viện công, 7 bệnh viện bộ/ngành khác ngoài Bộ Y tế, 43 bệnh viện tư nhân, 579 trạm y tế và 3.895 phòng khám đa khoa - chuyên khoa và cơ sở y tế tư nhân. Đó là chưa kể quản lý hàng ngàn cơ sở sản xuất, kinh doanh dược, trang thiết bị các cơ sở y tế khối dự phòng, kiểm nghiệm. Thực tế cho thấy các cơ sở y tế của Hà Nội hầu như chưa thực sự phát triển như của trung ương hay các bệnh viện của TP Hồ Chí Minh.

Theo các chuyên gia, nếu chuyển các đơn vị về trực thuộc Hà Nội thì sẽ làm giảm đầu mối của Bộ Y tế nhưng lại làm tăng đầu mối của địa phương. Như vậy, số đơn vị đầu mối không thay đổi. Đó là chưa kể hiện Hà Nội đang đầu tư phát triển bệnh viện vùng, bệnh viện khu vực tại một số địa điểm. Vì thế, việc đưa các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về Hà Nội quản lý sẽ gây ra sự lãng phí chồng chéo.

Cùng đó, việc tiếp nhận thêm bệnh viện tuyến trung ương là quá sức, đặc biệt trong bối cảnh cán bộ Sở Y tế còn đang rất mỏng. Do vậy, cần cân nhắc tới năng lực quản lý và điều kiện phát triển của y tế Hà Nội. Con số 30 bệnh viện chuyên khoa, đầu ngành do Bộ Y tế quản lý rất ít so với tổng số 1.500 bệnh viện trên toàn quốc (Bộ Y tế chỉ quản lý 2% số bệnh viện trong cả nước).

PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương

Cũng về nội dung này, PGS.TS Vũ Xuân Phú - Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi Trung ương cho rằng, với mô hình hiện nay, tham mưu cho Bộ trưởng có các cục, vụ để quản lý ngành. Nếu chuyển các bệnh viện thuộc Bộ Y tế về để Hà Nội quản lý, thì Sở Y tế Hà Nội với quy mô tổ chức, biên chế như hiện nay khó có thể quản lý được số lượng và quy mô các bệnh viện lớn.

Lý do bởi Sở Y tế Hà Nội còn có nhiều nhiệm vụ quản lý nhà nước khác với y tế công và y tế tư nhân trên địa bàn. Do đó, nếu thêm nhiệm vụ quản lý các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn nữa thì sẽ không "kham" nổi.

Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng khó có thể lo được việc mua sắm đấu thầu tập trung cho các bệnh viện tuyến trung ương; lãnh đạo Sở Y tế Hà Nội cũng khó có thể phê duyệt được hết các đề tài, chương trình của các bệnh viện tuyến trung ương mà lãnh đạo các bệnh viện này hầu hết là các chuyên gia đầu ngành, có uy tín không chỉ trong nước mà cả quốc tế.

Ngoài ra, một vấn đề khác cũng được Phó Giám đốc Bệnh viện Phổi trung ương đề cập là, trong quy chế tổ chức và điều hành bệnh viện, các bệnh viện trung ương do Bộ Y tế phê duyệt, các bệnh viện tuyến tỉnh do UBND tỉnh phê duyệt. Nếu các bệnh viện trung ương do Hà Nội quản lý thì ngân sách hoạt động sẽ lấy từ ngân sách trung ương hay Hà Nội cũng là vấn đề cần xem lại.

Từ thực tiễn của công tác phòng chống dịch COVID-19 vừa qua, Bộ Y tế đã điều động hàng nghìn cán bộ y tế của các bệnh viện tuyến trung ương trên địa bàn Hà Nội để vào TP Hồ Chí Minh và phía Nam phòng chống dịch, PGS.TS Vũ Xuân Phú bày tỏ sự lo ngại "nếu các bệnh viện Trung ương thuộc Hà Nội sẽ khó có thể điều hành và huy động tổng lực để phòng, chống các dịch bệnh khẩn cấp, trên phạm vi rộng như khi đại dịch COVID-19 xảy ra".

Ngoài ra, nhiều bệnh viện chuyên khoa tuyến cuối còn nhiệm vụ điều hành các chương trình quốc gia. Đơn cử như Bệnh viện Phổi Trung ương phụ trách Chương trình Quốc gia phòng chống Lao; bệnh viện phải đủ vị thế, vai trò mới có thể điều hành kêu gọi và thực hiện các chương trình này...

Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế, công tác hợp tác quốc tế sẽ mang tầm quốc gia

TS Nguyễn Tiến Quang - Bí thư Đảng ủy Bệnh viện K cho biết, cùng với Bệnh viện Bạch Mai, thực hiện Nghị quyết số 20-NQ/TW về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe nhân dân trong tình hình mới về việc "Thí điểm hình thành chuỗi các bệnh viện", Bệnh viện K đang hướng tới thí điểm mô hình này. Dưới sự quản lý thống nhất của Bộ Y tế, Bệnh viện K cũng như các bệnh viện tuyến trung ương sẽ có điều kiện thuận lợi để triển khai mô hình chuỗi bệnh viện.

"Vậy chuyển chúng tôi về Hà Nội quản lý thì sẽ thực hiện mô hình này thế nào?" - TS Nguyễn Tiến Quang băn khoăn.

PGS.TS Nguyễn Tiến Quang - Bí thư Đảng ủy Bệnh viện K

Bệnh viện K đều là cơ sở khám chữa bệnh có lịch sử lâu đời, lên đến hàng trăm năm, là 'thương hiệu, bộ mặt' của ngành y một số chuyên khoa, chuyên ngành… trong hợp tác quốc tế. Riêng đối với chuyên ngành ung bướu, vai trò của bệnh viện đầu ngành, tuyến trung ương trong công tác hợp tác quốc tế thể hiện rõ rệt. Hiện Bệnh viện K đang hợp tác với nhiều viện/bệnh viện/trung tâm ung bướu lớn của thế giới, hàng năm chúng tôi đi báo cáo ở các hội nghị quốc tế; tổ chức hội nghị quốc tế với sự tham dự của hàng loạt chuyên gia ung bướu trên thế giới... nên nếu hợp tác theo tư cách trực thuộc Bộ Y tế thì sẽ có tầm hơn.

Cùng đó, hiện nay Bệnh viện K đang là bệnh viện hạt nhân của vài chục bệnh viện vệ tinh, rồi hàng loạt các bệnh viện trong hệ thống chỉ đạo tuyến. "Nếu thuộc Hà Nội quản lý thì những việc này sẽ tiếp tục triển khai thể nào?" - ông Quang bày tỏ.

Nhìn trên khía cạnh đào tạo nhân lực y tế, PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, vì các bệnh viện trung ương có mật độ chất xám cao, các giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ, các chuyên khoa đầu ngành nên thuận lợi trong đào tạo. Do đó, bên cạnh công tác khám, chữa bệnh và chỉ đạo tuyến, các bệnh viện tuyến trung ương còn có nhiệm vụ đào tạo gắn với các trường đại học - là cơ sở thực hành quan trọng của các trường; các chương trình đào tạo theo chỉ đạo của Bộ Y tế cho tuyến dưới như 1816, bệnh viện vệ tinh, rất nhiều chương trình lớn, nếu đưa về Hà Nội sẽ khó thực hiện được.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh - Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cùng đồng nghiệp trong một ca phẫu thuật.

"Nếu chỉ bó buộc trong Hà Nội sẽ khó, vì các tỉnh đều có các trường đại học ở địa phương, nên nếu đưa bệnh viện tuyến trung ương về Hà Nội, sẽ không phát huy được chất xám của đội ngũ thầy thuốc, các chuyên gia đầu ngành trong đào tạo từ sự phối hợp giữa các bệnh viện trung ương với các trường"- PGS. TS Nguyễn Mạnh Khánh nói.

Nói thêm về công tác hợp tác quốc tế, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, ví như Chính phủ Pháp hợp tác y tế với Việt Nam qua Chính phủ, dưới đó là Bộ Y tế và các bệnh viện trung ương, thì tiếng nói có trọng lượng hơn và mang tầm quốc gia, với đầu mối là các bệnh viện đầu ngành, rồi từ đó lan tỏa xuống các tuyến dưới. Còn nếu bệnh viện thuộc Hà Nội, thì Chính phủ các nước hay tổ chức quốc tế có giúp gì, cũng sẽ chỉ giúp trong địa bàn của Hà Nội.

Quan điểm thêm, ông Khánh cho hay, thực tế thống kê cho thấy, ở Bệnh viện Việt Đức, tỷ lệ bệnh nhân ở Hà Nội chỉ một phần, còn chủ yếu ở các tỉnh và đều là những ca khó, nặng. Ngay cả bệnh nhân nặng, khó ở chính các bệnh viện Hà Nội cũng chuyển đến đây. Do đó, khám, chữa bệnh nên giữ mô hình trực thuộc Bộ Y tế như hiện nay sẽ phát huy tốt hơn.

Thái Bình- Trần Minh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/mat-vi-the-vai-tro-cua-benh-vien-trung-uong-neu-chuyen-ve-ha-noi-quan-ly-169230805160658117.htm