Mang cơ hội nghề nghiệp cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt

Cùng với các hoạt động bảo vệ, chăm sóc trẻ em, hoạt động đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn (ĐBKK) luôn được quan tâm chú trọng tại Quảng Ninh. Trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK đã được học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và gắn với tạo việc làm ổn định.

Lựa chọn nghề phù hợp

Giờ học làm đồ handmade của trẻ em khiếm thính tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.

Giờ học làm đồ handmade của trẻ em khiếm thính tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.

Chúng tôi đến Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh vào đúng lúc các em khiếm thính bắt đầu giờ học làm đồ handmade như móc chìa khóa, bình hoa, cây hoa từ chất liệu đất sét Nhật.

Đây là một trong những môn học nghề được các em khiếm thính tại Cơ sở rất yêu thích. Ánh mắt chăm chú, đôi tay các em khéo léo nhào nặn bột một cách nhuần nhuyễn. Nhìn những chậu hoa mai, hoa mua, những con vật sinh động đa sắc màu chúng tôi cứ ngỡ chúng được nhào nặn theo một mẫu có sẵn. Nhưng không phải vậy, tất cả đều được tạo nên từ suy nghĩ, cảm nhận, sự nỗ lực của những trẻ không nghe, không nói được cùng sự hỗ trợ hướng dẫn tận tình của các giáo viên, tình nguyện viên.

Em Nguyễn Hồng Sơn, 14 tuổi, chia sẻ: Em bị khiếm thính từ nhỏ. Được sự quan tâm của các cấp chính quyền em được chuyển vào học tập, sinh hoạt cùng các bạn ở Cơ sở. Ở đây, em không những được học văn hóa mà còn được các thầy cô dạy nghề. Em sẽ luôn cố gắng phấn đấu học tập, đạt kết quả tốt để có kiến thức, đủ năng lực làm việc nuôi sống bản thân trong tương lai.

Lớp học cắt tóc của trẻ em khiếm thính tại Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh.

Mỗi trẻ khiếm thính có hoàn cảnh, tính cách, sở thích riêng. Bởi vậy, Cơ sở đã lựa chọn các môn học nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh và gắn với tạo việc làm trong tương lai cho các em. Hiện nay, Cơ sở duy trì 3 lớp dạy nghề (1 lớp làm tranh giấy cuốn Nhật Bản; 1 lớp làm đồ lưu niệm bằng đất sét cho 25 trẻ khiếm thính; 1 lớp học cắt tóc cho 66 trẻ khiếm thính và mồ côi).

Tạo định hướng phát triển trong tương lai

Cơ sở còn phối hợp với các công ty du lịch cho trẻ khiếm thính vẽ tranh trên nón lá, bày tại quầy lưu niệm của công ty để bán cho khách nước ngoài. Tới đây, Cơ sở sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị trong việc hỗ trợ, đào tạo tin học văn phòng, nghề du lịch (buồng, bàn, bar); điện nước dân dụng cho trẻ. Cùng với đó, phối hợp với các sở, ngành đưa sản phẩm của các trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK tới cộng đồng thông qua hội chợ, các địa điểm du lịch, các nơi tổ chức sự kiện...

Không chỉ ở Cơ sở Bảo trợ, chăm sóc trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt tỉnh Quảng Ninh, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh đã và đang duy trì hiệu quả mô hình Hỗ trợ dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK.

Anh Trần Văn Hương, Trưởng Phòng Phát triển cộng đồng, Trung tâm Công tác xã hội tỉnh, cho biết: Trẻ khiếm thính, chậm phát triển nên giao tiếp đều thông qua cử chỉ, hành động, đặc biệt các em rất hiếu động, ít tập trung. Vì thế, đội ngũ giáo viên phải rất tỉ mỉ, ân cần, kiên nhẫn hướng dẫn các em thông qua ngôn ngữ kí hiệu để dần dần thu hút các em.

Trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt được Trung tâm Công tác xã hội hỗ trợ, kết nối đào tạo nghề sửa chữa xe máy. (Ảnh đơn vị cung cấp)

Từ năm 2016 đến nay, Trung tâm đã lập hồ sơ quản lý gần 100 trẻ để tham vấn, tư vấn với gần 300 lượt tư vấn chính thức và nhiều lượt qua điện thoại... đối với trẻ và gia đình về việc chọn nghề phù hợp với điều kiện, hoàn cảnh của từng trẻ, phù hợp với cơ sở dạy nghề gần nhất và phù hợp với yêu cầu tìm được việc làm sau khi học nghề tối ưu nhất.

Trung tâm đã kết nối các trẻ đến các cơ sở dạy nghề theo hình thức “cầm tay, chỉ việc” như: May, cắt tóc, gội đầu, cắm hoa, sửa điện tử, máy tính, sửa chữa điện lạnh, pha chế đồ uống và và phục vụ bàn, làm vàng mã, khắc bia đá, sửa chữa xe máy, chụp ảnh - photo shop, photo coppy - đánh máy vi tính, quảng cáo…

Sau thời gian học tập, hiện đã có trên 50 em làm việc tại chính cơ sở dạy nghề với mức thu nhập 50.000 đến 100.000 đồng/ngày. Hiện Trung tâm đã xây dựng được một “quỹ” trên 85 cơ sở trên địa bàn tỉnh sẵn sàng nhận dạy nghề đối với trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK nói riêng và đối tượng yếu thế nói chung.

Có thể thấy, hoạt động hỗ trợ, đào tạo nghề cho trẻ em có hoàn cảnh ĐBKK góp phần tăng sự khéo léo và hỗ trợ điều trị tâm lý cho các em, nhất là với trẻ khuyết tật, giúp các em có được kiến thức, tăng hiệu quả vận động. Đồng thời, giúp trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt ổn định cuộc sống, đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn tỉnh.

Trúc Linh

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202007/mang-co-hoi-nghe-nghiep-cho-tre-em-co-hoan-canh-dac-biet-2490138/