Mắc giác mạc chóp, nam thanh niên suýt mù cả hai mắt

Cực kỳ nguy hiểm, có thể khiến bệnh nhân mù vĩnh viễn dù tuổi đời còn rất trẻ, tuy nhiên bệnh lý giác mạc chóp rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này khi đã giảm nhiều hoặc mất thị lực.

Bệnh giác mạc chóp thường gặp ở giới trẻ

Không có tiền sử chấn thương, không viêm nhiễm tại mắt, hai tháng trước khi đến viện, bên mắt phải của anh Nguyễn Văn D. (20 tuổi ở Hà Nội) có dấu hiệu giảm thị lực đột ngột. Nhưng do bị mờ một bên mắt nên anh D. không phát hiện ra, chỉ đến khi sửa đồ dùng trong nhà cần phải nheo một bên lại anh mới giật mình tá hỏa khi bên mắt phải dường như không thể nhìn thấy gì.

Đến viện, các bác sĩ tiến hành đo thị lực thì mắt phải của anh độ cận đã tăng lên một hàng chữ. Các bác sĩ chẩn đoán anh bị mắc chứng bệnh giác mạc hình chóp. Mặc dù các bác sĩ đã hướng dẫn anh cần thiết phải thực hiện điều trị và tái khám thường xuyên nhưng anh D bỏ qua. Chỉ 3 tháng sau, mắt phải từ nhìn mờ giờ thành mù hẳn, nguy hiểm hơn, không chỉ dừng ở mắt phải, mắt trái của anh cũng bắt đầu nhìn mờ, nhòe đi. Lúc này, bác sĩ cho biết bệnh lý giác mạc hình chóp của anh tiến triển quá nhanh cần được phẫu thuật kịp thời.

“Nếu bệnh nhân này không được điều trị thì mắt của bệnh nhân sẽ ngày càng giảm thị lực và dẫn đến mù vĩnh viễn. Ngay lập tức chúng tôi đã tiến hành điều trị cho bệnh nhân bằng phương pháp CrossLinking – kỹ thuật hỗ trợ làm bền vững giác mạc. Rất may bệnh nhân đã giữ được thị lực.”, ThS.BS Lê Thị Thu Hà, Phó trưởng khoa Khúc xạ,Bệnh viện mắt Quốc tế DND kể lại.

Ths. BS Lê Thị Thu Hà giải thích, bệnh giác mạc chóp là bệnh lí giác mạc gây biến đổi hình dạng giác mạc. Giác mạc bình thường có hình chỏm cầu (giống như quả bóng rổ cắt đôi) có các kinh tuyến đều như nhau tuy nhiên nếu chẳng may bạn bị mắc bệnh giác mạc chóp sẽ gây ra giãn phình giác mạc và các kinh tuyến không đều nhau.

“Bệnh lý giác mạc chóp có thể gặp ở nhiều độ tuổi, đa phần ở giới trẻ. Bệnh thường tiến triển ở cả 2 mắt nhưng sẽ có 1 mắt nặng hơn. Giai đoạn đầu thường không có biểu hiện gì. Bệnh tiến triển khiến bệnh nhân thấy mắt mờ đi, nhìn méo hình, có thể kèm theo cận thị làm mắt mờ nhanh, đo kính cho thấy độ loạn thị cao, thử kính thị lực không đạt tối đa. Đặc biệt, thị lực của người bệnh không cải thiện kể cả khi chỉnh kính, nặng hơn dẫn tới đục/sẹo giác mạc. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân chỉ có thể điều trị bằng phương pháp ghép giác mạc để lấy lại một phần thị lực. Bệnh có thể tiến triển gây mù trong vài năm nếu không được điều trị kịp thời”, BS Hà nhấn mạnh.

Hiện các nhà chuyên môn vẫn chưa xác định được chính xác nguyên nhân của bệnh giác mạc chóp nhưng người ta đã xác nhận các yếu tố liên quan trực tiếp khởi phát và tiến triển bệnh là yếu tố di truyền, nội tiết và môi trường. Theo đó, dù yếu tố di truyền chưa được chứng minh là nguyên nhân gây bệnh nhưng nhiều bằng chứng chỉ ra rằng giác mạc chóp được xác nhận xuất hiện ở cùng huyết thống họ hàng. Các nhà khoa học tin rằng thiếu hụt về mặt di truyền làm cho các sợi protein trở nên suy yếu không đảm bảo cho hình dạng ổn định của giác mạc. Ngoài ra, bênh thường xuất hiện ở lứa tuổi dậy thì nên người ta cho rằng nội tiết là yếu tố quan trọng trong khởi phát và tiến triển bệnh. Tình trạng này cũng gặp ở phụ nữa mang thai bệnh cũng trở nên nặng hơn.

Bệnh thường xuất hiện ở những bệnh nhân có cơ địa dị ứng như hen phế quản, viêm da cơ địa, dị ứng thức ăn, viêm mũi dị ứng… đặc biệt là nhưng bệnh nhân viêm kết giác mạc dị ứng. Một số bệnh nhân không kèm theo yếu tố dị ứng nhưng có điểm chung là hay dụi mắt. Ngưởi ta cho rằng dụi mắt gây tổn thương giác mạc tạo điều kiện cho bệnh khởi phát và tiến triển. Một trong nhũng quan điểm được ủng hộ về cơ chế gây bệnh là stress oxy hóa: Chất chống oxy hóa trong giác mạc suy giảm làm cho các sợi collagen trở nên suy yếu và giác mạc giãn phình ra. Stress oxy hóa gây ra bởi dụi mắt hay 1 số người tiếp xúc nhiều với tia cực tím.

Là bệnh lý nguy hiểm, nhưng ThS.BS Lê Thị Thu Hà lưu ý, bệnh lý giác mạc chóp rất khó phát hiện ở giai đoạn sớm. Đa số bệnh nhân được chẩn đoán mắc phải bệnh lý này khi đã giảm nhiều hoặc mất thị lực. Nguyên nhân vì trước đây, giác mạc chóp được chẩn đoán theo tiêu chuẩn chẩn đoán cũ trên máy chụp bản đồ giác mạc thế hệ cũ (Topography). Theo tiêu chuẩn này, máy chụp vùng trung tâm giác mạc với đường kính khảo sát nhỏ, nên chỉ có thể đánh giá được mặt trước của giác mạc. Vì vậy, giác mạc chóp được phát hiện ở giai đoạn muộn, khi đã có sự thay đổi rõ ràng về hình dạng giác mạc.

Đặc biệt, tại Việt Nam, từ trước đến nay, bệnh nhân giác mạc hình chóp chỉ có thể được theo dõi, cấp đơn kính kết hợp kính áp tròng để ổn định thị lực. Hầu như không có cách nào ngăn chặn bệnh tiến triển đến giai đoạn xấu. Khi bệnh tiến triển gây sẹo giác mạc thì phương án duy nhất là chỉ định ghép giác mạc để bảo tồn thị

Để phát hiện bệnh sớm, tránh để lại hậu quả đáng tiếc có thể xảy ra, BS Hà khuyến cáo bệnh nhân cần được khám định kỳ về khúc xạ. Trong trường hợp có biểu hiện nghi ngờ thì bác sĩ sẽ chỉ định sàng lọc bằng máy bản đồ giác mạc, giúp phát hiện sớm bênh. “Người dân tránh tuyệt đối dụi mắt, bệnh nhân có tiền sử viêm kết mạc dị ứng cần được điều trị và theo dõi chặt hơn”, BS Hà nhấn mạnh.

N. Huyền

Nguồn Infonet: http://infonet.vn/mac-giac-mac-chop-nam-thanh-nien-suyt-mu-ca-hai-mat-post283664.info