Lý giải vì sao lễ cưới của người Việt không thể thiếu trầu cau

'Miếng trầu là đầu câu chuyện', lễ cưới hỏi của người Việt không bao giờ thiếu lễ vật này.

Trầu cau được dùng trong nhiều nghi lễ và là thứ không thể thiếu trong lễ cưới hỏi của người Việt. Theo sách "Đi tìm điển tích thành ngữ", tục cưới hỏi của người Việt xưa đều phải có trầu cau. Khi nhà gái nhận trầu cau của nhà trai nghĩa là đã đính hôn, người con gái trở thành con dâu của nhà chồng. Thành ngữ "Miếng trầu là đầu câu chuyện" bắt nguồn từ đây. Theo nghĩa bóng, thành ngữ này có nghĩa là mời nhau xơi trầu cau để mở đầu cho câu chuyện gặp gỡ, thăm hỏi.

Theo sách “Đi tìm điển tích thành ngữ”, sự tích trầu cau bắt nguồn từ mối quan hệ giữa em chồng, chị dâu. Hai anh em sinh đôi, giống nhau như 2 giọt nước. Một hôm, chị dâu vì nhầm lẫn, nhận nhầm em là chồng, dẫn đến hiểu nhầm giữa ba người. Cuối cùng, họ lần lượt bỏ nhà đi, biến thành cây cau, cây trầu, tảng đá vôi, khởi nguồn cho trầu cau sau này. Đây là cách giải thích thông minh của người Việt về tục ăn trầu ở nước ta.

Cau còn có tên gọi khác là Tân lang hoặc Nhân lang. Cây cau được trồng nhiều tại khu vực nhiệt đới châu Á, Đông Phi. Đây là loại cây thân gỗ trung bình, cao tới 20 m, đường kính thân cây có thể tới 20-30 cm. Các lá dài 1,5-2 m, hình lông chim với nhiều lá chét mọc dày dặc. Chi cau có khoảng 50 loài tất cả.

Với người Việt, cau mang lại những giá trị to lớn. Quả cau dùng để ăn, thân cây để dựng nhà cửa, mo dùng làm quạt. Nổi tiếng nhất là nhân vật Thằng Bờm với chiếc quạt mo đã trở thành hình tượng của văn học Việt Nam.

Theo World Atlas, hòn đảo Penang ở Malaysia được đặt tên theo từ Pinang, tên gọi địa phương của cau. Hòn đảo này có diện tích 1.048 km2, dân số khoảng 1,5 triệu người.

Đi liền với cau là lá trầu không trong văn hóa của người Việt. Theo sách "1.900 loài cây có ích ở Việt Nam", trầu không là loài cây gia vị, cây thuốc, lá có các tính chất dược học. Đây là loài cây thường xanh, loại dây leo và sống lâu năm, với các lá hình trái tim có mặt bóng. Cây trầu không có nguồn gốc ở Đông Nam Á, được trồng ở nhiều quốc gia như Ấn Độ, Indonesia, Sri Lanka, Việt Nam, Malaysia… Ở Việt Nam, hai loại trầu chính là trầu mỡ và trầu quế. Lá trầu quế có vị cay, nhỏ, được ưa chuộng hơn trong tục ăn trầu.

Ăn trầu là văn hóa của người Việt và nhiều nước khác trong khu vực Đông Nam Á, châu Á. Theo các nhà khảo cổ học, ngay từ thời tiền sử (1.700 đến 3.000 năm trước), các nhà khảo cổ học đã khai quật được những dụng cụ của người Việt sử dụng để ăn trầu. Tục ăn trầu là nét văn hóa đẹp, đi vào ca dao, tục ngữ nước ta.

Theo Nguyễn Thanh Điệp/ Zing

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/giai-ma/ly-giai-vi-sao-le-cuoi-cua-nguoi-viet-khong-the-thieu-trau-cau-1490774.html