Lực cộng hưởng thu hút vốn FDI vào TP. Hồ Chí Minh
Một trong lĩnh vực đang được nhà đầu tư quan tâm là công cuộc sắp xếp lại đơn vị hành chính không chỉ là cải cách hành chính đơn thuần, mà còn hướng đến mục tiêu tạo ra những đơn vị hành chính có quy mô đủ lớn, đủ tầm phát triển và kết nối. Đối với TP. Hồ Chí Minh, đây chính là cơ sở để thành phố trở thành mảnh đất màu mỡ cho vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Một góc trung tâm TP. Hồ Chí Minh.
Tăng trưởng khả quan
6 tháng đầu năm, GRDP TP. Hồ Chí Minh cũ tăng trưởng 7,82%, còn tính chung sau sáp nhập với Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu đạt 6,56%. Tốc độ tăng trưởng 7,82% của TP. Hồ Chí Minh cũ nửa đầu năm cao hơn kết quả cùng kỳ năm ngoái (ở mức 6,46%) và cao nhất kể từ Covid-19.
Khu vực dịch vụ góp lớn nhất vào mức tăng GRDP, tăng 8,58%. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 6 tháng ước đạt 654.279 tỷ đồng, tăng 15,8%. Du lịch phục hồi mạnh mẽ, tổng thu tăng 27,3%. Kim ngạch xuất và nhập khẩu đều cao hơn cùng kỳ năm ngoái, lần lượt đạt 31,6 tỷ USD và 24,9 tỷ USD.
Động lực quan trọng khác thúc đẩy kinh tế thành phố tăng trưởng khá nửa đầu năm là giải ngân đầu tư công hơn 31.716 tỷ đồng, đạt tỷ lệ 37,1% tổng kế hoạch, cao hơn cùng kỳ cả về giá trị tuyệt đối và tỷ lệ, đồng thời vượt 10% so với kế hoạch đã đề ra. Vốn FDI cũng cải thiện mạnh, đạt gần 2,7 tỷ USD, tăng hơn 123%.
Khu vực công nghiệp và xây dựng tiếp tục mở rộng, tăng 6,7%. Riêng ngành sản xuất bắt đầu tăng tốc từ tháng 3, khi sản lượng và số lượng đơn đặt hàng mới tăng lần đầu kể từ đầu năm. Tính chung 6 tháng, chỉ số sản xuất công nghệ (IIP) tăng 8,6%, cao hơn mức cùng kỳ (5,6%).
Nếu tính GRDP của TP. Hồ Chí Minh sau sáp nhập với Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu, tăng trưởng ước đạt 6,56% (tính dầu thô) và 7,49% (nếu không tính dầu thô). Trong đó, tăng trưởng tỉnh Bình Dương cũ đạt 8,3%, Bà Rịa - Vũng Tàu cũ là 2,61% (nếu tính dầu thô thì tăng trưởng âm 2,24%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ của TP. Hồ Chí Minh mới tăng 16,2%, thu hút FDI đạt hơn 5,2 tỷ USD, giải ngân vốn đầu tư công đạt 32% kế hoạch Thủ tướng giao.
Lực cộng hưởng thu hút FDI
Trước khi sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh đang đứng đầu cả nước về thu hút FDI, với hơn 59,7 tỷ USD vốn đăng ký. Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu (lần lượt thu hút được gần 42,9 tỷ USD và gần 38,2 tỷ USD) cũng có mặt trong tốp 10 địa phương đầu bảng về thu hút FDI.
Dự báo trong “bảng tổng sắp” mới, TP. Hồ Chí Minh chắc chắn vẫn ở ngôi đầu với lũy kế hơn 140 tỷ USD, chiếm 28% tổng vốn FDI đăng ký còn hiệu lực của cả nước.
Sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh trở thành một “siêu đô thị” với quy mô dân số khoảng 14 triệu người, tổng diện tích gần 6.800km² và khoảng cách giữa hai điểm xa nhất trên địa bàn ước khoảng 200km theo đường bộ (tính theo trục Bắc - Nam).
Theo phân tích của các chuyên gia, TP. Hồ Chí Minh trước sáp nhập đã là trung tâm tài chính, thương mại, đổi mới - sáng tạo lớn nhất cả nước, giờ đây, với sự bổ sung của gần 40 khu công nghiệp (KCN) từ Bình Dương (cũ), TP. Hồ Chí Minh có tới gần 60 KCN, kể cả KCN với ngành nghề “truyền thống” lẫn KCN kinh tế số, đổi mới - sáng tạo.
Đặc biệt, nay có thêm Bà Rịa - Vũng Tàu (cũ) góp mặt với các mỏ dầu khí lớn và cơ sở hạ tầng phục vụ thăm dò, khai thác và chế biến dầu khí, “sức mạnh dầu khí” của TP. Hồ Chí Minh được cộng hưởng cùng với hàng loạt công ty dầu khí vốn đã đứng chân trên địa bàn, như: VietsoPetro, PV Oil, GAS, PVEP (lĩnh vực thăm dò và khai thác), PTSC (dịch vụ kỹ thuật), PVD (khoan và dịch vụ dầu khí), PSV (dịch vụ tổng hợp dầu khí), PV Trans (vận tải dầu khí)…

Cảng biển Vũng Tàu - TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh họa.
Về giao thông, cụm cảng hàng không Tân Sơn Nhất với các nhà ga T1, T2, T3, sân bay Long Thành (dù ở Đồng Nai nhưng khoảng cách đến trung tâm TP. Hồ Chí Minh chỉ hơn 40km) cùng các cảng biển như Cát Lái (cảng lớn nhất Việt Nam); Cái Mép - Thị Vải (cảng nước sâu lớn nhất Việt Nam); Cần Giờ, Tân Cảng (bao gồm các khu vực Phú Hữu, Hiệp Phước); cảng container quốc tế Tân Thuận…,
TP. Hồ Chí Minh còn là trung tâm logistics quốc tế tầm cỡ, đủ sức cạnh tranh ngang ngửa với các trung tâm logistics lớn nhất trong khu vực. Bên cạnh đó, TP. Hồ Chí Minh còn được bổ sung thế mạnh về du lịch biển đảo với các bãi biển Vũng Tàu, Hồ Tràm, Long Hải, Bình Châu, Cần Giờ và Côn Đảo.
Biến cơ hội thành hiện thực
Chủ tịch UBND TP. Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Được khẳng định: Với vai trò đầu tàu kinh tế, thành phố định hướng tiếp tục tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân thực sự thành một động lực quan trọng nhất của nền kinh tế. Đồng thời, thành phố sẽ tăng cường kết nối giữa các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp nhà nước và FDI, thúc đẩy hình thành các chuỗi cung ứng khu vực, toàn cầu.
Ông Được cũng cho biết, ngay sau sáp nhập, TP. Hồ Chí Minh sẽ rà soát, hoàn thiện danh mục dự án thu hút đầu tư của 3 địa phương trước sáp nhập để thúc đẩy và kêu gọi đầu tư vào các ngành, nghề ưu tiên như: cảng trung chuyển quốc tế, trung tâm đổi mới sáng tạo, trung tâm nghiên cứu và phát triển (R&D), công nghệ vật liệu mới, năng lượng sạch, công nghiệp mạch tích hợp bán dẫn, công nghệ thiết kế, chế tạo linh kiện, vi mạch điện tử tích hợp (IC), điện tử linh hoạt (PE), chip, pin công nghệ mới.

Doanh nghiệp FDI tại TP. Hồ Chí Minh. Ảnh: Minh họa
Theo ông Được, để biến những tiềm năng to lớn kể trên thành tăng trưởng nói chung và hiệu quả thu hút FDI nói riêng, TP. Hồ Chí Minh đã làm nhiều việc, nhưng cũng còn rất nhiều việc phải làm.
Theo đó, để đẩy nhanh việc thu hút các nhà đầu tư lớn tham gia vào lĩnh vực khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo, có giá trị gia tăng cao, TP. Hồ Chí Minh đang hoàn thiện các quy định liên quan đến danh mục ngành nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược.
Thành phố đã cam kết giảm mạnh thời gian xử lý hồ sơ đầu tư. Chẳng hạn, thời gian cấp mới giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; hồ sơ góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp vào tổ chức kinh tế giảm từ 15 ngày xuống còn 7 ngày làm việc; cấp đổi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư từ 3 ngày còn 1 ngày làm việc.
TP. Hồ Chí Minh chủ trương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý đầu tư, đồng thời kiến nghị sửa đổi hệ thống thông tin quốc gia về đầu tư nước ngoài để có thể triển khai giải quyết thủ tục hành chính toàn trình với hồ sơ dự án của nhà đầu tư nước ngoài.