Long An: Hàng chục nghìn héc-ta mía bán không ai mua

Cây mía là cây trồng giúp nhiều nông dân ở các huyện Bến Lức, Thủ Thừa…của tỉnh Long An nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống. Nhưng hiện nay, chính cây mía lại làm người nông dân lao đao vì bán không ai mua, hoặc mua với giá bèo bọt.

Thời điểm này, đến các vùng trồng mía như xã Lương Hòa, Bình Đức (huyện Bến Lức)…, chúng ta dễ dàng bắt gặp những cánh đồng mía già cỗi, cỏ mọc um tùm hay bị đốt bỏ. Nếu như trước đây, toàn tỉnh Long An có hơn 12.000 ha trồng mía thì niên vụ 2018 - 2019 chỉ còn lại khoảng 3.800 ha. Trong số đó, nhiều diện tích mía của nông dân từ niên vụ 2017 - 2018 đến nay vẫn còn nằm trên đồng vì bán không ai mua, hoặc mua với giá không đủ trả tiền nhân công thu hoạch. Nhiều hộ nông dân buộc phải đốt bỏ cây mía để chuyển sang trồng cây khác với hy vọng có thu nhập khá hơn. Theo nhiều hộ nông dân tại đây, nếu mía bán được thì cũng chỉ ở mức khoảng 300.000 đồng/tấn, sau khi trừ các loại chi phí, người trồng mía chỉ thu lại khoảng 50.000 - 70.000 đồng/tấn, tương đương mỗi ha chỉ thu được 5 - 7 triệu đồng.

Ông Huỳnh Văn Út, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An: Thời gian 3 năm nay trồng mía thu nhập không có cao nên bây giờ phá ra để trồng chanh. Trồng cả năm rồi bán có 1,8 triệu, kinh tế khó khăn lắm.

Ông Nguyễn Huệ, xã Lương Hòa, huyện Bến Lức, tỉnh Long An: Nông dân có người cho mà người ta còn không lấy, mía hiện nay còn lê thê trên ruộng. Nhiều người đốt bỏ… sống trước giờ bằng mía mà giờ chuyển sang cái khác thì không có vốn. Riêng bản thân tôi năm nay lỡ để vậy chứ sau cũng phá chuyển sang trồng cây khác.

Sở dĩ người nông dân ở Long An phải rơi vào tình cảnh trên là do trước đây, toàn bộ sản lượng mía trên địa bàn là phục vụ cho nhà máy đường Nivl. Tuy nhiên, những năm gần đây, công ty này làm ăn thua lỗ, và mới đây đã dừng hoạt động nên khiến người trồng mía ở Long An rơi vào cảnh lao đao.

Ông Nguyễn Chí Thiện - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Long An: Nhà máy Nivl đóng cửa, mía phải chuyển bán ở nhiều nhà máy khác nhau như Tây Ninh, Đồng Nai, Hậu Giang… chi phí đốn chặt, vận chuyển cao nên chẳng có lời. Đặc biệt nhiều vùng không bán được, nông dân phải đốt, chặt bỏ.

Trước tình hình này, các ngành chức năng của Long An đã nhiều lần làm việc với Công ty Thành Công ở Tây Ninh để doanh nghiệp này thu mua mía cho nông dân cũng như tiếp nhận lại công ty Nivl. Thế nhưng, việc này vẫn đang gặp khó khăn. Vì thế, thị trường mía tại Long vẫn đang đóng băng và người nông dân vẫn chưa biết xử lý ra sao với vườn mía của mình./.

Nguồn VNEWS: http://vnews.gov.vn/long-an-hang-chuc-nghin-hec-ta-mia-ban-khong-ai-mua