Logistics lạnh chuyển mình

Mặc dù thị trường chuỗi cung ứng logistics lạnh tại Việt Nam bị đánh giá là nhỏ lẻ và manh mún, tuy nhiên thị trường này đã có dấu hiệu khởi sắc hơn vì nhu cầu sử dụng sản phẩm chất lượng tăng cao.

Người tiêu dùng đòi hỏi khâu bảo quản phải tốt để rau quả tươi ngon.

Còn nhiều khoảng trống

Ông David Appel - Chủ tịch Carrier Transicold & Refrigeration Systems chia sẻ: “Ngày nay, trên toàn thế giới, chỉ có 10% lượng thực phẩm – nông sản tươi sống được bảo quản lạnh mát. Tại Việt Nam, dự kiến thất thoát khoảng 5.75 triệu tấn thực phẩm mỗi năm, tương ứng cho 60% lượng chất thải rắn trên cả nước”.

Với nền tảng sản xuất nông nghiệp và mức tăng trưởng kinh tế nhanh, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức trong lãng phí thực phẩm, nông sản trên chuỗi cũng như khó khăn trong việc quản trị logistics cho chuỗi cung ứng lạnh-mát như các quốc gia đang phát triển khác.

Theo ông David Appel, thị trường logistics cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam khá phân mảnh, chủ yếu là các nhà cung cấp dịch vụ vừa và nhỏ phục vụ rời rạc cho một số điểm hay khu vực. Đặc biệt, thị trường logistics chưa thể cung cấp trọn gói cho toàn chuỗi thực phẩm. Hiện tượng “đứt đoạn” trong cung ứng lạnh-mát tại Việt Nam là khá phổ biến trong ngành bán lẻ, thực phẩm. Trong khi đó, kênh thương mại truyền thống chiếm 86% giá trị đóng góp cho bán lẻ tại Việt Nam như chợ, cửa hàng tạp hóa, chuỗi quán ăn – nhà hàng, hệ thống phân phối.

Viện Khoa học Nông nghiệp Việt Nam từng thông tin, tại Việt Nam hiện nay khâu bảo quản lạnh chỉ được chú trọng đối với mặt hàng thủy-hải sản do chủ yếu được xuất khẩu, còn các mặt hàng nông sản khác thì mức độ áp dụng rất thấp.

Nhận thức rõ yếu điểm của thị trường logistics cung ứng lạnh-mát cùng với sự phát triển của kinh tế, nhu cầu sử dụng thực phẩm có chất lượng của người tiêu dùng ngày càng gia tăng. Doanh nghiệp cung ứng thực phẩm bắt đầu có những đòi hỏi chặt chẽ hơn trong chất lượng dịch vụ logistics lạnh, ưu tiên ứng dụng hệ thống công nghệ thông tin trong quản lý hoạt động - giám sát, tuân thủ đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và chất lượng sản phẩm.

Ông Chad Ovel - Tổng giám đốc Mekong Capital, đơn vị đang đầu tư vào một doanh nghiệp vận hành chuỗi cung ứng lạnh cho hay, độ tuơi ngon của sản phẩm tại các nhà hàng và siêu thị bán lẻ, độ tươi ngon của thực phẩm là yếu tố quan trọng, quyết định lượng khách hàng đến và trở lại. Điều này thúc đẩy sự phát triển của thị trường trong thời gian tới và đó cũng là lý do họ quyết định đầu tư vào một doanh nghiệp cung ứng lạnh của Việt Nam.

Hoàn thiện để tăng trưởng

“Trong vòng 10 năm qua, năng lực phục vụ trong cung ứng lạnh – mát tại Việt Nam tăng 4 lần và các cơ sở hạ tầng trong cung ứng lạnh – mát thường hoạt động với công suất đạt trên 90%” - ông David Appel nhận định.

Hiện thị trường logistics cung ứng lạnh-mát Việt Nam ghi nhận sự có mặt của các nhà đầu tư nước ngoài chủ yếu phát triển hệ thống kho lạnh quy mô lớn như: CLK Cold Storage, FM Logistics, Emergent Cold... Hầu hết các doanh nghiệp trong nước nắm giữ thị trường vận chuyển hàng lạnh bao gồm Tân Bảo An, ABA Cooltrans...

Theo đại diện Công ty ABA Cooltrans, tốc độ phát triển và đô thị hóa, cũng như các hệ thống phân phối hiện đại sẽ là tiền đề cho phát triển các chuỗi giá trị, trong đó có đầu tư cung ứng lạnh trong chuỗi giá trị. Xuất phát từ đó, đơn vị này đã đầu tư mạnh cho chuỗi cung ứng logistics lạnh.

Thực tế cho thấy, thị trường logistics lạnh đang trong giai đoạn phát triển, có tiềm năng rất lớn, dự báo sẽ có thêm nhiều doanh nghiệp tham gia vào. Cơ hội để cắt giảm lãng phí thực phẩm và cải thiện việc phân phối thực phẩm sẽ hiệu quả hơn thông qua ứng dụng công nghệ bảo quản lạnh-mát trên chuỗi. Tuy nhiên, để có thể ứng dụng thành công và hiệu quả nhất phải hiểu nhu cầu thực tế tại từng địa phương, thị trường.

Nghĩa là các nhà cung cấp dịch vụ chuỗi cung ứng của Việt Nam cần phải hiểu được khách hàng của mình mong muốn điều gì. Doanh nghiệp phải nắm chắc điều này mới có thể đưa ra được các giải pháp tối ưu cho chuỗi cung ứng. Từ đó nâng cao quy trình thu mua. Song song đó, để có thể cạnh tranh, tạo được niềm tin cho khách hàng sử dụng dịch vụ, doanh nghiệp sẽ cần nhiều đột phá hơn về chất lượng, nhiệt độ hàng hóa phải được đảm bảo và duy trì chuỗi lạnh không bị “gãy” trong suốt quá trình vận hành.

Theo các chuyên gia nước ngoài, ngành logistics và chuỗi cung ứng ở Việt Nam cần phải đầu tư chuyên môn sâu vào yếu tố con người, tập trung vào công tác nghiên cứu và phát triển để tạo ra các giải pháp tối ưu cho chuỗi cung ứng. Đồng thời, không nên dựa dẫm vào việc chuyển giao công nghệ cũng như giải pháp tối ưu chuỗi cung ứng của các tập đoàn đa quốc gia. Bởi vì, làm như vậy, Việt Nam khó cạnh tranh với các công ty cung cấp chuỗi cung ứng lớn trên thế giới.

Thanh Giang

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/thi-truong/logistics-lanh-chuyen-minh-tintuc426165