Loạt kiến trúc gỗ trăm tuổi, nổi tiếng nhất Tây Nguyên

Gỗ là vật liệu xây dựng mang đậm bản sắc văn hóa Tây Nguyên. Trên vùng đất đại ngàn này vẫn còn lưu giữ được nhiều công trình kiến trúc bằng gỗ độc đáo, tuổi đời trên dưới một thế kỷ.

1. Nằm ở thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum, nhà thờ Chính tòa Kon Tum được khởi công năm 1913 và hoàn thành năm 1918, nổi tiếng cả nước với tên gọi nhà thờ Gỗ.

Đây là một công trình tôn giáo có kiến trúc rất đặc biệt, được xây dựng hoàn toàn bằng phương pháp thủ công với chất liệu chủ yếu là gỗ, trong đó nhiều nhất là gỗ cà chít.

Kiến trúc nhà thờ là sự kết hợp giữa phong cách châu Âu và nét văn hóa bản địa của vùng Tây Nguyên, cụ thể là sự kết hợp giữa kiến trúc nhà thờ Roman kết hợp với nhà sàn của người Ba Na.

Để xây dựng nhà thờ, các linh mục người Pháp đã huy động nhiều nghệ nhân người Kinh từ các làng nghề ở Bình Định, Quảng Nam và cả các tỉnh miền Bắc.

2. Nằm cách nhà thờ Gỗ không xa, Tòa Giám mục Kon Tum cũng là một công trình gỗ độc đáo trứ danh Kon Tum và Tây Nguyên. Được xây dựng vào năm 1935, tòa nhà là sự kết hợp hài hòa giữa lối kiến trúc phương Tây với lối kiến trúc dân tộc bản địa truyền thống.

Nét đặc biệt của Tòa Giám mục là trừ hàng trụ dưới sàn nhà làm bằng xi măng cốt thép, còn lại toàn bộ kết cấu công trình được xây dựng bằng các loại gỗ quý khai thác ở địa phương.

Các chi tiết nội thất bên trong Tòa Giám mục Kon Tum cũng làm bằng gỗ. Những khu vực đáng chú ý là phòng truyền thống - nơi trưng bày các hiện vật của đồng bào dân tộc Tây Nguyên gắn với quá trình truyền đạo từ năm 1848 đến nay, và một nhà nguyện có không gian rất đẹp.

Tòa Giám mục Kon Tum đóng cửa vào ngày thứ 3, các ngày còn lại trong tuần mở cửa đón khách tham quan. Du khách ghé thăm Tòa Giám mục cần giữ gìn sự yên lặng và tuân thủ các nội quy ở nơi đây.

3. Tọa lạc ở buôn Đôn (Đắk Lắk), mảnh đất huyền thoại của nghề săn bắt và thuần dưỡng voi ở Tây Nguyên, nhà sàn cổ của vua voi là nơi ở của vua voi Khun Yu Nốp (1828 - 1938) và cháu ngoại là vua voi Ama Kông (1910 - 2012) trong thời kỳ hoàng kim của nghề săn voi.

Theo thư tịch cổ, ngôi nhà sàn được khởi công vào năm 1883 dưới sự giám sát của nghệ nhân người Lào Khavivôngsao. Vừa trực tiếp chỉ huy thi công, vừa làm “tổng thầu”, ông đã đích thân chọn ra 14 thợ chính có tay nghề cao và hơn 10 thợ phụ để giúp việc.

Ngôi nhà sàn được xây 3 gian (nay chỉ còn 2 gian) có đầu hồi mái nhọn và cao vút mô phỏng theo kiểu tháp cổ bồng của người Lào. Công trình làm hoàn toàn bằng các loại gỗ ở địa phương. Đặc biệt, mái nhà cũng được lợp bằng hàng nghìn tấm ngói đẽo gọt từ gỗ cà chít.

Ngày nay, nhà sàn cổ ở buôn Đôn vẫn còn lưu giữ rất nhiều kỉ vật về cuộc đời và đồ nghề săn bắt voi của vị vua voi huyền thoại và những người kế tục.

4. Tọa lạc trên một quả đồi gần thác Cam Ly, nhà thờ Cam Ly hay nhà thờ Sơn Cước là nhà thờ có kiến trúc độc đáo nổi tiếng của Đà Lạt. Nhà thờ do linh mục người Pháp Boutary và nhà thầu Nguyễn Thanh Hồ đứng ra xây dựng, khởi công năm 1960, đến năm 1968 thì hoàn thành.

Phục vụ đối tượng là đồng bào dân tộc thiểu số, kiến trúc của nhà thờ Cam Ly mang một sắc thái rất độc đáo. Công trình được lấy cảm hứng từ mái nhà rông cổ truyền Tây Nguyên, đồng thời cũng mang những yếu tố của trường phái kiến trúc thô mộc phương Tây.

Mặt bằng nhà thờ hình chữ nhật, có diện tích 324 m2, tường xây bằng đá dày 40 cm, cao 2 mét, bên trên là hàng kính màu. Kết cấu đỡ mái là hệ giàn kèo bằng gỗ ghép vượt khẩu độ 12 mét trông rất ấn tượng. Đây chính là nét đặc sắc khiến nhà thờ Cam Ly còn được gọi là "nhà thờ gỗ".

Không gian bên trong thánh đường gây ấn tượng mạnh với cách xử lý ánh sáng đầy vẻ huyền ảo bằng các ô cửa sổ kính màu theo hình hoa văn bản địa. Quanh nhà thờ Cam Ly là khu vườn cảnh xanh tốt với nhiều loài hoa khoe sắc, tôn thêm vẻ đẹp cho công trình kiến trúc độc đáo này.

Mời quý độc giả xem video: Choáng ngợp tuyệt tác kiến trúc bằng tăm giang của nghệ nhân Việt | VTV TSTC.

Quốc Lê

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/kho-tri-thuc/loat-kien-truc-go-tram-tuoi-noi-tieng-nhat-tay-nguyen-1921933.html