Loại lá xưa làm hàng rào không ai ăn, giờ thành đặc sản mang vị lạ, muốn mua không dễ
Loại lá đặc sản này có thể dùng nấu canh cua hoặc xào tỏi...
Dâm bụt có tên khoa học là Hibiscus syriacu là loài cây bụi lá to và xanh có nguồn gốc từ Đông Nam Á thuộc họ cẩm quỳ. Chúng thường được trồng tại các vùng nhiệt đới và cận nhiệt đới.
Hoa dâm bụt có nhiều màu sắc đẹp như màu hồng, đỏ, vàng, tím, trắng bông lớn, hoa sai và nở liên tục giúp làm nổi bật không gian. Cây dễ trồng, không cầu kì trong việc chăm sóc nên rất được ưa chuộng trồng thành đường viền, lối đi, những nơi cảnh quan, vườn tường…
Tại Việt Nam, cây dâm bụt xưa rất nhiều, thường mọc dại ở hàng rào, ai đi qua cũng có thể dễ dàng chiêm ngưỡng và ngắt hoa. Nhưng xã hội phát triển, người dân bắt đầu chặt phá chúng và thay thế bằng tường bao bê tông. Từ đó cây dâm bụt dần ít đi, không còn xuất hiện nhiều tại các làng quê như xưa.
Chị Tường Vi (30 tuổi, Ninh Bình) cho biết, tuổi thơ của chị gắn liền với loại cây này bởi cứ bước ra đường là thấy hàng rào dâm bụt thẳng tăm tắp, được cắt tỉa đẹp mắt. Thậm chí khuôn viên nhà chị 4 xung quanh đều là hàng rào dâm bụt.
"Cứ đến mùa hoa nở, mình và đám bạn trong xóm lại rủ nhau đi ngắt hoa, mút phần nước chảy ra. Nó có vị ngọt ngọt, mát mát. Còn cánh hoa sẽ đem đi tạo thành hình con bướm kẹp trong quyển vở, khi khô được sản phẩm thủ công dán lên tường nhà để trang trí. Đặc biệt lá non được coi như loại rau đặc sản có thể bứt nấu canh ăn ngon vô cùng”, chị Tường Vi nói.
Sau đó kinh tế phát triển, người người nhà nhà ở quê chị Tường Vi dần phá hàng rào cây dâm bụt để xây dựng tường gạch vững chắc. Từ đó, chị
không còn thấy loại cây này nhiều như trước nhưng một số hộ vẫn trồng để lấy lá nấu canh.
"Ở quê mình, người ta dùng lá dâm bụt nấu canh chua thay mồng tơi, rau đay hoặc đơn giản là luộc chấm nước tương, xào tỏi... Nó mang hương vị thanh mát, là lạ mà không có loại rau đặc sản nào có được". Nhưng giờ ít nhà trồng nên muốn mua hay xin lá dâm bụt không phải dễ, người phụ nữ nói.
Cũng theo chị Tường vi, dâm bụt nấu canh phải là dâm bụt đỏ (cây dâm bụt ta) vì mùi vị mới là chuẩn nhất. Chọn lá vừa đủ độ non, không quá già và phải không bị sâu đục, khoét. Người ta có thể hái cả ngọn nhưng không nên dùng quá nhiều vì sẽ tạo nhiều nhớt.
"Lá dâm bụt mang về rửa sạch rồi thái nhỏ. Sau đó, dân quê mình sẽ nấu giống y hệt canh cua với mồng tơi. Canh chín có vị thơm lạ, thanh mát và ăn cùng với cà muối. Ngày hè ai được ăn bát canh dâm bụt sẽ cảm thấy sảng khoái con người", chị Tường Vi nói.
Được biết, không chỉ lạ miệng, lá dâm bụt còn có tác dụng với sức khỏe. Lá dâm bụt có tác dụng rất tốt cho tim, có thể chữa các bệnh mất ngủ do hồi hộp, bệnh kiết lỵ lâu ngày, chữa mẩn ngứa…