Lộ thông số bí mật của máy bay ném bom chiến lược Mỹ B-21 Raider

Dựa trên tấm ảnh về hầm trú ẩn, các chuyên gia máy bay quân sự nhanh chóng tính toán kích thước tương ứng của máy bay ném bom tàng hình B-21 Raider.

B-21 và B-2 có nhiều điểm giống và khác biệt nhau; Nguồn: theaviationist.com

Không quân Mỹ vừa công bố bức ảnh về nơi trú ẩn tạm thời của nguyên mẫu máy bay ném bom chiến lược B-21 Raider mới. Theo đó, các mái hiên của hầm trú ẩn được dựng lên nhanh chóng bên ngoài các căn cứ không quân của nước này.

Dựa trên kích thước của các tấm bê tông của sân bay và kích cỡ những chiếc xe hơi đứng cạnh nó, các chuyên gia máy bay quân sự nhanh chóng tính toán chiều dài và chiều rộng của hầm trú ẩn, sau đó là kích thước tương ứng của máy bay ném bom mới này.

Theo các chuyên gia, chiếc B-21 Raider có thân dài khoảng 15 m và sải cánh rộng tầm 42 m. Thông số này nhỏ hơn đáng kể so với kích thước của chiếc B-2 Spirit, với chiều dài thân là 21m và sải cánh rộng 52 m.

Theo kế hoạch, B-21 sẽ chính thức gia nhập lực lượng Mỹ vào năm 2026. Đây là dòng máy bay ném bom được thiết kế cho các sứ mệnh tầm xa, mang theo số lượng lớn vũ khí, bao gồm vũ khí thông thường lẫn hạt nhân.

Lầu Năm Góc đã hạch toán ngân sách cho ít nhất 100 chiếc B-21, với chi phí ước tính 80 tỉ USD.

Tạp chí Air Force dẫn lời ông Randall Walden, giám đốc Văn phòng năng lực phản ứng thần tốc của USAF, cho hay chiếc B-21 đầu tiên “thực sự đã có dáng dấp của oanh tạc cơ”. Chiếc nguyên mẫu đang trong quá trình chế tạo ở nhà máy của hãng Northrop Grumman ở Palmdale, bang California.

Như công bố trước đó, việc lắp ráp cuối cùng B-21 sẽ diễn ra tại Nhà máy Không quân 42 gần Palmdale (California) và với nổ lực của 8 nhà thầu tên tuổi, nó sẽ được thử nghiệm bay lần đầu vào 12/2021, tại căn cứ không quân Edwards của Không đoàn số 420 - nơi chuyên đào tạo các kíp phi công B-2 Spirit.

B-21 sử dụng bốn động cơ Pratt & Whitney PW9000, trọng lượng cất cánh 100 tấn, tốc độ bay cận âm; nhỏ hơn B-2 Spirit, nhưng vẫn giữ được khả năng về tải trọng. Về lý thuyết, B-21 sẽ có khả năng bất ngờ xâm nhập lãnh thổ đối phương, tấn công bằng vũ khí thông thường và vũ khí hạt nhân rồi rời đi trước khi đối phương kịp nhận ra sự xuất hiện của nó.

B-21 sử dụng cơ cấu khí động học cánh bay, tương tự như B-2 Spirit. Tuy nhiên, cũng có những khác biệt - động cơ của B-21 nằm khoảng gần thân hơn nơi nối cánh và thân máy, còn động cơ kép của B-2 được bố trí chủ yếu nằm ở phần cánh; cửa hút khí của động cơ B-21 không có vành khuyết răng cưa; phần khí thải sau động cơ được bảo vệ tốt hơn nên không ảnh hưởng nhiều đến khả năng tàng hình trong dải sóng hồng ngoại.

Thiết kế kiểu module của B-21 được tối ưu hóa, tạo điều kiện để hiện đại hóa dễ dàng và với chi phí thấp. Có nhận xét cho rằng, thiết kế của B-21 có nhiều điểm vay mượn từ nguyên mẫu máy bay ném bom Horten Ho 229 V3 được Đức Quốc xã phát triển trong những năm 1940.

Dự kiến, B-21 Raider được trang bị vũ khí hạt nhân và thông thường, gồm bom đâm xuyên nặng 14 tấn, chỉ B-2 có thể mang theo. Theo Tư lệnh Không quân Thái Bình Dương (Mỹ), B-21 sẽ có thể độc lập tác chiến mà không cần đến sự bảo vệ của tiêm kích như tất cả các oanh tạc cơ hiện nay. Nhằm mục đính này, hiện chưa rõ Mỹ sẽ phát triển loại tên lửa mới hay dùng vũ khí không chiến sẵn có để tích hợp cho máy bay tàng hình thế hệ mới này.

Mộc Miên (T/h)

Nguồn ĐS&PL: https://doisongphapluat.com/tin-the-gioi/lo-thong-so-bi-mat-cua-may-bay-nem-bom-chien-luoc-my-b-21-raider-a358267.html