Lĩnh vực công nghiệp 'ngốn' hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp hiện chiếm hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng.

Các diễn giả trao đổi tại tọa đàm. Ảnh: Nguyễn Thanh

Phát biểu tại buổi Tọa đàm “Giải pháp năng lượng xanh cho tương lai” (hoạt động hưởng ứng nằm trong khuôn khổ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 do Bộ Công Thương chủ trì tổ chức) diễn ra chiều ngày 12/3, ông Trịnh Quốc Vũ – Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết: Tiêu thụ năng lượng trong sản xuất hiện chiếm tỷ trọng rất cao.

Theo thống kê của Bộ Công Thương, tiêu thụ năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp chiếm tới hơn 47% tổng tiêu thụ năng lượng. Dù vậy, ông Vũ cũng nhấn mạnh: “Tiềm năng kỹ thuật để có thể tiến hành tiết kiệm năng lượng trong lĩnh vực công nghiệp từ 20-30%, thậm chí có lĩnh vực có thể lên tới 40%. Nếu các doanh nghiệp có thể thực hiện các giải pháp tiết kiệm năng lượng sẽ góp phần quan trọng nâng cao hiệu quả sử dụng năng lượng quốc gia, từ đó nâng cao sức cạnh tranh cho nền kinh tế Việt Nam”.

Đứng ở góc độ doanh nghiệp, ông Lê Vĩnh Sơn-Chủ tịch Tập đoàn Sơn Hà, Đại sứ Chiến dịch Giờ Trái đất 2019 cho biết: Tập đoàn Sơn Hà không chỉ triển khai sản xuất và cung ứng ra thị trường các sản phẩm sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo như sản phẩm thiết bị nước nóng Thái Dương Năng (biến năng lượng mặt trời thành nhiệt năng), Biogas (sản xuất khí đốt từ chất thải gia đình và nông nghiệp)… mà còn áp dụng các biện pháp sản xuất tiết kiệm năng lượng... Cụ thể, những sáng kiến đã được doanh nghiệp chủ động áp như áp dụng những công nghệ mới ít tiêu hao năng lượng trong các công đoạn sản xuất; các công xưởng luân phiên sản xuất tránh căng thẳng về điện trong giờ cao điểm… Tập đoàn Sơn Hà đã tiết giảm đến 20% chi phí năng lượng cho sản xuất.

“Tập đoàn Sơn Hà có gần 10 nhà máy quy mô như Nhà máy Sơn Hà tại Bắc Ninh. Toàn bộ hệ thống đèn đường, đèn chiếu trong máy nhà đều dùng đèn led; đồng thời nhà máy cũng bố trí các thiết bị máy móc khoa học. Ban đầu nhà máy sử dụng máy công suất rất lớn, các thiết bị sử dụng nhiều điện. Chúng tôi đã thay các động cơ hiện đại hơn nhưng tiêu tốn điện năng ít hơn hoặc sử dụng giải pháp thay thế thiết bị sử dụng điện nhiều. Riêng với Nhà máy Sơn Hà tại Bắc Ninh, ban đầu chi phí điện khoảng gần 500 triệu đồng/tháng, đến nay chỉ còn khoảng 300 triệu đồng/tháng”, ông Sơn nói.

Tập đoàn Sơn Hà là đơn vị khá chủ động áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng trong nhà mảy sản xuất. Ảnh: Nguyễn Thanh

Xoay quanh câu chuyện, cơ quan quản lý đã và đang có giải pháp gì để khuyến khích các doanh nghiệp tiết kiệm năng lượng, ông Vũ thông tin thêm: Về khung pháp lý cho thúc đẩy sử dụng năng lượng tiết kiệm, hiệu quả, nhất là trong lĩnh vực công nghiệp, Việt Nam đã có Luật Sử dụng năng lương tiết kiệm hiệu quả, có hiệu lực từ năm 2011. Từ đó đến nay, Bộ Công Thương đã từng bước kiện toàn khung pháp lý liên quan.

Với các doanh nghiệp trọng điểm tiêu thụ nhiều năng lượng, Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư 09/2012/TT-BCT quy định về việc lập kế hoạch, báo cáo thực hiện kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả; thực hiện kiểm toán năng lượng. Những cơ sở này đều phải thực hiện trách nhiệm của mình, có hệ thống quản lý năng lượng, cán bộ chuyên trách về quản lý năng lượng… Hàng năm, các cơ sở này đều phải báo cáo thực trạng, kế hoạch cải thiện hiệu quả sử dụng năng lượng với Sở Công Thương địa phương.

“Toàn quốc hiện có 2.497 cơ sở trọng điểm sử dụng năng lượng trên toàn quốc. Chúng tôi đang đồng hành với các Sở Công Thương kiểm tra, đôn đốc, phổ biến giải pháp tiết kiệm năng lượng, cơ chế chính sách để tiết kiệm năng lượng”, ông Vũ nhấn mạnh.

Riêng với lĩnh vực công nghiệp, từ năm 2014, Bộ Công Thương đã bắt đầu xây dựng thông tư về định mức tiêu hao năng lượng trên một sản phẩm, điển hình như ngành bia, giấy, nhựa, thủy hải sản… “Năm 2018 và cả năm 2019, Bộ Công Thương sẽ tập trung kiểm tra, giám sát thanh tra việc thực hiện các thông tư về định mức sử dụng năng lượng”, ông Vũ nói.

Bên cạnh tiết kiệm năng lượng, để giảm áp lực cho nguồn cung điện, hầu hết các ý kiến tại tọa đàm đều nhấn mạnh tới việc đầu tư phát triển nguồn năng lượng tái tạo.

Nói như ông Nguyễn Anh Tuấn-Giám đốc Trung tâm năng lượng tái tạo (Viện Năng lượng-Bộ Công Thương): Tiềm năng năng lượng tái tạo ở Việt Nam về mặt lý thuyết tương đối lớn, trong đó đặc biệt là nguồn năng lượng mặt trời, gió… Tuy nhiên, về mặt điều kiện kỹ thuật hiện tại hay tiềm năng kinh tế thì lại thấp hơn so với xét về mặt lý thuyết.

“Năng lượng tái tạo phải phát triển, còn phát triển ở mức độ nào phải đi theo từng bước. Bước đầu là chuẩn bị, rồi lấy đà và cuối cùng là cất cánh. Việt Nam đang ở giai đoạn lấy đà, còn cất cánh sớm hay muộn phụ thuộc nhiều yếu tố như cơ chế hỗ trợ của Chính phủ, tiềm năng thực tế của Việt Nam phải tốt…”, ông Nguyễn Anh Tuấn nói.

Ông Nguyễn Anh Tuấn phân tích thêm: Nên phát triển thận trọng vì năng lượng tái tạo để phát điện là công nghệ đã được biết đến từ lâu nhưng chưa “chín muồi” về nhận thức, công nghệ cũng như yếu tố kinh tế. Nếu phát triển ồ ạt, khoảng 10 năm tới có thể gặp phải tình trạng công nghệ phát triển cao hơn, chi phí giá thành giảm hơn, dẫn tới rủi ro.

Thanh Nguyễn

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/linh-vuc-cong-nghiep-ngon-hon-47-tong-tieu-thu-nang-luong-100910.html