Liên kết sản xuất lúa giống, nông dân Quảng Nam thu lãi cao

Nhờ liên kết sản xuất lúa giống, nông dân thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam thu lãi cao, cuộc sống được ổn định.

Liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm theo chuỗi giá trị có vai trò rất quan trọng trong tái cơ cấu, phát triển bền vững ngành nông nghiệp. Hiện nay, tại tỉnh Quảng Nam, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, Hợp tác xã nông nghiệp đã thực hiện tốt hoạt động dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên, góp phần phát triển sản xuất nông nghiệp của tỉnh Quảng Nam. Nhờ đó, nhiều hộ dân đã yên tâm sản xuất ổn định cuộc sống.

Liên kết sản xuất lúa giống nông dân hưởng lợi cao.

Vụ đông xuân này, bà Nguyễn Thị Ly, ở xã Điện Thọ, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam sản xuất hơn 1ha lúa giống HT1 cho hiệu quả kinh tế cao. Theo bà Ly, trước đây trồng lúa, năng suất đạt thấp, nay gia đình bà được Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Điện Bàn hỗ trợ liên kết sản xuất lúa giống, năng suất đạt từ 60 - 70 tạ/ha. Bà Ly tính toán diện tích sản xuất hơn 1 ha, trừ chi phí xong lãi chừng 40 triệu đồng.

“Trước đây tôi làm lúa thường năng suất thấp từ khi mà chuyển qua làm lúa hữu cơ năng suất cao, không lo đầu ra. Công ty hỗ trợ tất cả về giống, phân bao tiêu sản phẩm. Giá cả cao hơn giá ngoài thị trường”, bà Ly nói.

Hiện nay, hầu hết người nông dân ở thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam khi tham gia mô hình sản xuất lúa giống theo chuỗi giá trị, lợi nhuận tăng hơn 20-30% so với sản xuất lúa thường. Người nông dân tham gia mô hình này được Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Điện Bàn hỗ trợ cây giống, phân bón.

Ông Nguyễn Văn Kiệt, Phó Giám Công ty Cổ phần giống Nông nghiệp Điện Bàn cho biết, thời gian qua, đơn vị đã đưa các loại giống mới vào sản xuất, mỗi năm đơn vị lãi khoảng 5 tỷ đồng.

“Công ty đầu tư toàn bộ chi phí sản xuất đến khi thu mua, thì thu mua trở lại với tỷ lệ quy đổi hợp lý. Trước đây, người dân sản xuất lúa thường thì hiệu quả kinh tế không cao, sau khi sản xuất lúa hữu cơ, hiệu quả kinh tế cao hơn, nên bà con yên tâm liên kết. Có nhiều người thuê đất để sản xuất vẫn có lợi nhuận”, ông Kiệt cho biết thêm.

Ngành chức năng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Trần Úc, Chủ tịch UBND thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam, hiện nhiều doanh nghiệp, Hợp tác xã đã tổ chức sản xuất liên kết theo chuỗi giá trị và mang lại hiệu quả kinh tế rõ rệt.

“Một số doanh nghiệp đã chủ động làm tốt việc này người ta làm lúa giống và liên kết. Các doanh nghiệp cam kết chuẩn mực rõ ràng cũng tạo ra động lực rất lớn cho thu nhập của nông dân. Một vài doanh nghiệp sản xuất theo chuỗi, như vùng Điện Thọ có sản phẩm giá trị cao trên thị trường”, ông Trần Úc cho hay.

“Chúng tôi cũng tài trợ cho các địa phương trong hình thức đăng ký nhãn hiệu hàng hóa, tiếp cận quảng bá, hỗ trợ hội chợ đưa sản phẩm của mình đến gần thị trường và tạo ra một thương hiệu”, ông Trần Úc nói.

Thời gian gần đây, các ngành chức năng tỉnh Quảng Nam hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp xây dựng thương hiệu, nhãn hàng hóa cho sản phẩm nông nghiệp.

Theo ông Mai Đình Lợi, Chi Cục trưởng, Chi Cục phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam, sản xuất theo liên kết như vậy thì doanh nghiệp cùng thành viên có lợi. Họ đã liên kết sản xuất các loại giống lúa lai thu mua của dân. Nói chung chuỗi liên kết 3 nhà, doanh nghiệp, Hợp tác xã và người nông dân, tỉnh đang khuyến khích mạnh.

“Hiện, tỉnh đang hỗ trợ liên kết chuỗi giá trị sản xuất và thu mua nông sản cho nông dân có tác dụng rất tích cực, góp phần cho các doanh nghiệp và hợp tác xã thực hiện chuỗi liên kết, đặc biệt bao tiêu sản phẩm cho người dân”, ông Lợi nói./.

Tuyết Lê/VOV-Miền Trung

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/lien-ket-san-xuat-lua-giong-nong-dan-quang-nam-thu-lai-cao-1008693.vov