Liên hoan phim Quốc tế Hà Nội chưa xứng tầm quốc tế?

Là một liên hoan phim non trẻ tại Việt Nam, nhưng lại được đầu tư bậc nhất nên sau mỗi kỳ HANIFF, khán giả cũng như các nhà làm phim đều có những ấn tượng nhất định.

Nhiều hoạt động hơn dành cho số đông khán giả

Có thể nói, 2016 là năm mà Ban tổ chức Liên hoan phim quốc tế Hà Nội lựa chọn nhiều phim để công chiếu phục vụ khán giả nhất trong suốt những mùa đã qua. Ngoài những cụm rạp quen thuộc như CGV, Trung tâm chiếu phim Quốc gia,… Ban tổ chức còn tổ chức 3 buổi chiếu phim ngoài trời tại Nhà hát lớn, kèm theo đó là biểu diễn thời trang, phục vụ rất nhiều khán giả Hà Nội.

Hình ảnh trong buổi chiếu phim ngoài trời phục vụ khán giả

Sự kiện thảm đỏ năm nay cũng được mở cửa rộng rãi cho khán giả đều có thể vào và chiêm ngưỡng những diễn viên cũng như những nhà làm phim họ mến mộ. Đây có thể coi là một bước tiến mới của Ban tổ chức trong việc tiếp cận và quảng bá hình ảnh LHP tới khán giả.

Nhiều khách mời vắng mặt

Đây có lẽ chính là hạt sạn lớn nhất trong HANIFF 2016 và để lại ấn tượng không đẹp nhất, bởi hầu hết những khách mời nổi tiếng thế giới mà họ mong đợi, lại không xuất hiện.

Trường hợp khách mời vắng mặt đáng tiếc nhất phải kể tới nam tài tử Hàn Quốc Song Seung Hun và con gái huyền thoại Charlie Chaplin, nữ minh tinh Geraldine Chaplin.

Nữ minh tinh Geraldine Chaplin, một trong những thành viên ban giám khảo…

…Và nam tài tử Song Seung Hun là những cái tên vắng mặt gây tiếc nuối

Là một Liên hoan phim mang tầm cỡ quốc tế, điều hiển nhiên là mọi thông tin về khách mời đều được truyền thông trong nước cũng như quốc tế săn đón kỹ càng. Vậy nên khi những vị khách đã được xướng tên lại không xuất hiện, báo chí sẽ đặt dấu hỏi lớn và khán giả thì rơi vào trạng thái thất vọng.

Chưa kể tới việc trong buổi lễ trao giải và bế mạc, hầu hết những người chiến thắng được xướng tên lại đều…không có mặt, và phải có người đại diện lên phát biểu. Điều này vô hình chung đã làm buổi lễ trở nên tẻ nhạt, hời hợt và có phần thiếu long trọng.

Sự rắc rối trong cơ cấu giải thưởng

Chưa bao giờ khán giả lại cảm thấy “bối rối” với các hạng mục giải thưởng của Liên hoan phim như vậy. Chỉ riêng với thể loại phim dài, ta đã có thể liệt ra 4 hạng mục khác nhau, cùng gọi là “Phim xuất sắc nhât”, bao gồm “Phim xuất sắc nhất do khán giả bình chọn”, “Phim Việt Nam xuất sắc nhất do khán giả bình chọn”, “Phim xuất sắc nhất do ban giám khảo bình chọn”, và cuối cùng là “Phim dài xuất sắc nhất”.

Khán giả bắt đầu thấy “hoang mang”, bởi sự nhập nhằng trong tiêu chí chấm giải. Rõ ràng LHP có hẳn một ban giám khảo gồm toàn những nhà làm phim uy tín, vậy thì cần gì tới khán giả bình chọn, và sự thật là chưa từng ai thấy họ bình chọn ở đâu, qua phương tiện nào.

Victor Vũ và Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh là một trong “những phim xuất sắc nhất”

Trong khi có rất nhiều những hạng mục bị khuyết so với các Liên hoan phim khác trên thế giới như giải thưởng cho kịch bản, cho quay phim, cho âm nhạc…, thì BTC lại quyết định “bôi” ra từng ấy giải thưởng, để rồi cuối cùng ai cũng băn khoăn: Vậy đâu mới là phim xuất sắc nhất?

Thiết nghĩ, cơ cấu giải thưởng cũng là một yếu tố góp phần làm nên sự hấp dẫn của một LHP, mong rằng trong những mùa HANIFF sắp tới, BTC sẽ có sự sắp xếp cho thật khoa học.

Vẫn sa đà “diễn văn” dài dòng

Có thể thấy, với hàng loạt sự kiện lớn nhỏ, LHP HANIFF đang rất cố gắng xây dựng hình ảnh một LHP chuyên nghiệp, sánh tầm với những lễ trao giải lớn trên thế giới dành cho điện ảnh. Tuy nhiên, kết cấu các chương trình vẫn rất Việt Nam, đặc biệt là các phần phát biểu, diễn văn vẫn quá dài dòng, MC dành quá nhiều thời gian nói lan man, khiến chương trình đi vào lối mòn, nhàm chán.

Tất nhiên, với một sự kiện tầm cỡ quốc tế, không thể thiếu đi những ý kiến phát biểu của các vị lãnh đạo cao cấp. Nhưng dù vậy, mong BTC vẫn nên có sự tiết chế và đổi mới trong kết cấu chương trình, để tăng tính hấp dẫn và thu hút được nhiều người theo dõi hơn.

Chênh lệch về chất lượng giữa phim nước ngoài và phim nội địa

Trong danh sách phim tranh giải năm nay có sự góp mặt của hai phim truyện dài đến từ Việt Nam: Trúng sốTôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh. Dù là hai phim được đánh giá cao nhất trong hai năm qua, nhưng nếu để so sánh với những phim đến từ các cường quốc điện ảnh như Canada, Anh, Hàn Quốc, thì vẫn là quá khập khiễng.

Đạo diễn trẻ Đinh Tuấn Vũ với Taxi, em tên gì? liệu có được coi là vé vớt?

Vô hình chung, vấn đề này đã dẫn tới việc khán giả cảm thấy giải thưởng phim được bình chọn hay là phim hay nhất thuộc về những phim Việt Nam là những giải mang tính “vé vớt”, bởi dẫu gì Việt Nam vẫn là quốc gia đăng cai.

Tạm kết

Một kỳ HANIFF qua đi để lại cho những người tổ chức nhiều kinh nghiệm hơn, rút ra từ thiếu sót của họ. Với một sự kiện rất thuận lợi cho quảng bá hình ảnh tới khách quốc tế, thiết nghĩ nếu có sự đầu tư chuyên nghiệp hơn thì cũng sẽ thu hút được nhiều mạnh thường quân tài trợ hơn. Rất mong rằng 2 năm tới khi gặp lại HANIFF, khán giả sẽ thấy một sự kiện thực sự mang tầm quốc tế.

Nguồn Dân Việt: http://danviet.vn/giai-tri/lien-hoan-phim-quoc-te-ha-noi-chua-xung-tam-quoc-te-721417.html