Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1.984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Lễ hội truyền thống kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là sự kiện trọng đại được quận Hai Bà Trưng tổ chức hằng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị và các vị tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà.

Hôm nay, 15/3 (tức mùng 6 tháng Hai năm Giáp Thìn 2024), tại di tích quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng, Quận ủy-HĐND-UBND-UB MTTQ Việt Nam quận Hai Bà Trưng tổ chức trọng thể Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1.984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (40-2024).

Đây là sự kiện đã thành truyền thống được quận tổ chức hằng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc là Trưng Trắc, Trưng Nhị và các vị tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà- những người đã viết nên những trang sử vàng chói lọi của dân tộc ta trong buổi đầu dựng nước, giữ nước.

Dự chương trình có: Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy, nguyên Trưởng đoàn ĐB Quốc hội TP Hà Nội Phạm Quang Nghị; Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Nguyễn Thị Tuyến; Phó Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam Nguyễn Thị Thu Hiền; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng; nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Bí thư Thành ủy, nguyên Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh.

Cùng dự có các Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội: Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam TP Nguyễn Lan Hương, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Phùng Thị Hồng Hà; lãnh đạo, nguyên lãnh đạo UBND TP; lãnh đạo các sở, ban, ngành TP; lãnh đạo quận Hai Bà Trưng qua các thời kỳ; lãnh đạo các địa phương; Nhân dân quận Hai Bà Trưng và du khách thập phương.

Lãnh đạo Trung ương, TP Hà Nội, quận Hai Bà Trưng, các đại biểu và đông đảo người dân dự tuyên đọc chúc văn, tại Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1.984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Tại đây, sau khi dự tuyên đọc chúc văn, các đại biểu đã tiến hành dâng hương tưởng nhớ Hai Bà Trưng và các vị tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt.

Thay mặt Ban tổ chức Lễ hội trình bày diễn văn kỷ niệm, Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền đã ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công Nguyên, khi Trưng Trắc cùng em là Trưng Nhị giương cao ngọn cờ tụ nghĩa, kêu gọi hào kiệt bốn phương, Nhân dân cả nước đứng lên, chấm dứt ách đô hộ hà khắc của nhà Đông Hán lên nước Việt Nam.

Ngày mùng 6 tháng Hai năm Quý Mão, tương truyền, sau khi quyết chiến với kẻ thù, quyết không để sa vào tay giặc, Hai Bà đã gieo mình xuống sông Hát tuẫn tiết. Khí phách của Hai Bà kết thành tượng đá, theo dòng nước trôi xuôi đến bãi Đồng Nhân, dân làng đã lấy vải đỏ làm lễ rước tượng vào bờ. Năm 1142, vua Lý Anh Tông truyền lập đền thờ Hai Bà Trưng ngay tại bờ sông. Năm 1819, do bến sông sạt lở, đền thờ được chuyển vào khu Võ Miếu, thôn Hương Viên, huyện Thọ Xương, nay là phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.

Khẳng định Cuộc khởi nghĩa đã đi vào lịch sử dân tộc Việt Nam, Hai Bà Trưng là biểu tượng của ý chí vươn lên và tinh thần quật khởi “giặc đến nhà đàn bà cũng đánh” của phụ nữ Việt Nam, Phó Chủ tịch UBND quận cho biết: Quần thể Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng là một quần thể di tích đặc sắc hiếm có tại trung tâm Thủ đô mà nổi bật là Đền Hai Bà Trưng với kiến trúc “nội công ngoại quốc", lưu giữ nhiều di vật quý.

Các đại biểu dâng hương tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng của dân tộc Trưng Trắc - Trưng Nhị và những tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà, tại Đền Hai Bà Trưng, quận Hai Bà Trưng

Với những ý nghĩa và giá trị lịch sử, năm 2019, di tích Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng vinh dự được Thủ tướng Chính phủ quyết định xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt. Cùng với di tích quốc gia Miếu thờ Hai Bà Trưng tại phường Bạch Đằng, di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Đền - Chùa - Đình Hai Bà Trưng tại phường Đồng Nhân là điểm tham quan thường xuyên của du khách gần xa, niềm vinh dự của Thủ đô nói chung và quận Hai Bà Trưng nói riêng.

Không chỉ lưu giữ những giá trị kiến trúc nghệ thuật đặc sắc, cụm di tích còn mang giá trị văn hóa phong phú là lễ hội Hai Bà Trưng- một lễ hội đặc biệt được tổ chức ở 3 địa phương trên địa bàn Hà Nội, thể hiện gắn kết chặt chẽ của cộng đồng dân cư, tôn kính Nhị vị Vua Bà.

Tự hào là con cháu Hai Bà Trưng, những năm qua, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân quận luôn đoàn kết, phấn đấu không ngừng để phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, chăm lo mọi mặt đời sống người dân.

Năm 2023, quận đã hoàn thành 21/21 chỉ tiêu được giao, trong đó 6 chỉ tiêu vượt mức. Năm 2024 là năm tăng tốc thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng các cấp, quận tiếp tục quyết tâm thực hiện toàn diện các nhiệm vụ phát triển KT-XH, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các chỉ tiêu Đại hội Đảng bộ quận lần thứ 26 đề ra.

Phó Chủ tịch UBND quận Hai Bà Trưng Nguyễn Thị Thu Hiền trình bày diễn văn kỷ niệm ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

"Ý nghĩa Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vô cùng vĩ đại, tiếng vang còn lưu mãi sử xanh. Quận Hai Bà Trưng sẽ vững bước tiến lên, mãi xứng đáng là quận được vinh dự mang tên hai vị nữ anh hùng của dân tộc"- bà Nguyễn Thị Thu Hiền khẳng định.

Tại lễ hội, các đại biểu, người dân địa phương và du khách đã được thưởng thức những tiết mục biểu diễn nghệ thuật truyền thống đặc sắc như: Múa lân, múa rồng, trống hội... và nhất là màn biểu diễn sử thi tái hiện không khí hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng.

Cùng với tiến hành dâng hương, đông đảo người dân địa phương và du khách cũng được thưởng thức nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao sôi nổi, như: Biểu diễn võ dân tộc, trò chơi dân gian, thư pháp, nặn tò he; 100 đoàn viên thanh niên quận tham gia trò chơi thăng bằng và nhảy bao bố...

Sau đây là một số hình ảnh đặc sắc ghi nhận tại Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1.984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng (phường Đồng Nhân, quận Hai Bà Trưng) sáng nay:

Màn biểu diễn trống hội mở đầu Lễ hội truyền thống kỷ niệm 1.984 năm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng

Màn biểu diễn sử thi tái hiện không khí hào hùng của Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng vào năm 40 sau Công Nguyên

Màn biểu diễn múa lân, múa rồng tại Lễ hội

Biểu diễn võ thuật tại Lễ hội

Lễ hội truyền thống kỷ niệm Cuộc khởi nghĩa Hai Bà Trưng là sự kiện trọng đại được quận Hai Bà Trưng tổ chức hằng năm nhằm tri ân, tưởng nhớ hai vị nữ anh hùng kiệt xuất của dân tộc và các tướng lĩnh tài ba, nghĩa binh trung liệt của Hai Bà

Linh Nguyễn

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/le-hoi-truyen-thong-ky-niem-1-984-nam-cuoc-khoi-nghia-hai-ba-trung.html