Lễ 'Gọi hồn' - phong tục chào đón năm mới độc đáo của người dân tộc Thái

'Gọi hồn' là nét văn hóa tín ngưỡng phổ biến của người dân tộc vùng cao thể hiện quan niệm về thế giới tấm linh của cộng đồng người dân tộc. Với người Thái ở Ngọc Lặc, Thanh Hóa, Tết có lễ 'Gọi hồn' khiến không khí thêm ấm áp, linh thiêng.

Nếu khách lạ đến huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa vào những ngày này hẳn sẽ rất ngạc nhiên vì thường thấy cảnh giữa gian chính của ngôi nhà sàn có mâm lễ vật gồm xôi, gà và rượu, thịt. Có vị thầy mo ngồi phía trước, con cháu và họ hàng thân thuộc ngồi vây quanh để làm lễ "Gọi hồn".

Lễ "Gọi hồn" thường diễn ra vào tối ngày 29 và 30 Tết, mỗi gia đình đều thịt 2 con gà, 1 con để cúng tổ tiên và 1 con để "gọi hồn" những người trong nhà. Thầy cúng sẽ lấy của mỗi người 1 chiếc áo rồi bó lại một đầu với nhau vắt lên vai, tay cầm một cây củi đang cháy đem ra đầu làng "gọi hồn", sau đó lại gọi một lần nữa ở chân cầu thang. Kết thúc buổi lễ là mỗi thành viên được thầy cúng buộc một sợi chỉ vào cổ tay để trừ tà, cầu mong may mắn. Sợi chỉ đó phải đợi tự đứt, nếu tự ý giật đứt thì chủ nhân dễ bị ốm đau.

Bà Tồng Thị Nhất, xã Mỹ Tân, huyện Ngọc Lặc cho biết: ""Gọi hồn" dịp trước Tết là phong tục ở đây rồi nên cứ Tết là nhà nào cũng làm mâm cơm nhờ thầy cúng đến "gọi hồn", cầu cho cả gia đình sống vui, sống khỏe, làm ăn gặp nhiều may mắn trong năm mới. Tết bận đến mấy thì ngày làm lễ "Gọi hồn" cũng về nhà trưởng tộc tề tựu đông đủ".

Nói là lễ "Gọi hồn" nghe có phần âm khí hơi cao nhưng thực chất với người dân tộc Thái thì đây là lễ ăn mừng. Có thầy mo và anh em họ hàng, con cháu tề tựu đông đủ để cầu may những điều tốt lành sẽ đến trong năm mới. Các thành viên đến dự lễ thường mang theo quà mừng như con gà, cân gạo nếp, bánh trái, ít tiền đến đặt lễ. Khi làm lễ xong, mọi người cùng ngồi lại ăn với nhau bữa cơm cũng là lộc của lễ cúng, chúc tụng nhau những điều tốt đẹp.

"Không ai biết phong tục này có từ bao giờ. Từ cụ cao niên cho đến trẻ nhỏ đều có chung câu trả lời là "có từ khi sinh ra". Đây là phong tục lâu đời của cha ông để lại nên chúng tôi và con cháu sau này phải có trách nhiệm gìn giữ", bà Nhất cho biết thêm.

Cụ Lò Văn Biên, xã Vân Âm, huyện Ngọc Lặc chia sẻ: "Lễ "Gọi hồn" mang ý nghĩa động viên tinh thần. Bởi quan niệm của người Thái, hồn vía cũng quan trọng như thể xác con người, có được chăm sóc, quan tâm chu đáo thì nó mới khỏe mạnh. Hồn vía khỏe mạnh, thể xác mới bình an được.

Các bộ phận trên cơ thể đều có một hồn vía, trong các cuộc mưu sinh phải di chuyển nhiều nơi, có thể một phần vía nào đó đang đi lạc. Lễ này nhằm gọi tất cả hồn vía trên cơ thể của mọi người trong nhà về cùng vui Tết. Nên không khí "gọi hồn" là vui vẻ, ấm cúng nhưng cũng rất linh thiêng, trang trọng.

Sau lễ "Gọi hồn" thì tất cả mọi người đến dự ở lại ăn cơm là những phần lễ đã được dâng lên cúng. Buổi "gọi hồn" kết thúc mọi người đều sẽ được thầy cúng buộc cho một sợi chỉ to cổ tay. Chỉ được buộc theo thứ tự từ người cao tuổi đến nhỏ tuổi với mong muốn mọi người luôn khỏe mạnh, gặp nhiều may mắn trong năm mới".

Bánh chưng đặc biệt của đồng bào Thái

Bánh chưng đặc biệt của đồng bào Thái

Cũng như dân tộc Kinh, để năm mới được may mắn và suôn sẻ, người Thái kiêng cãi nhau vào mùng 1 Tết, không nói to, không quét nhà,… Theo phong tục của ông cha để lại, họ hay đi ra suối lấy nước vào ngày mùng 1 Tết để tất cả mọi người gội đầu, gột trôi đi những xui xẻo, không may mắn của năm cũ để đón những điều tốt đẹp của năm mới.

Mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau uống rượu cần

Mọi thành viên trong gia đình quây quần bên nhau uống rượu cần

Anh Phạm Đình Cường, Phó trưởng Phòng Văn hóa - Thông tin huyện Ngọc Lặc chia sẻ: "Lễ "Gọi hồn" là nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của người dân tộc miền núi nói chung và người dân tộc Thái nói riêng. Lễ "Gọi hồn" vào dịp Tết khiến không khí những giáp Tết ấm áp, linh thiêng và trang trọng hơn. Sau lễ "Gọi hồn" ngoài trời, buổi lễ cúng được tổ chức trong nhà để mời hồn ăn cơm. Buổi làm hồn kết thúc bằng việc buộc chỉ cổ tay. Những sợi chỉ đen được buộc vào tay theo thứ tự các thành viên trong gia đình với mong muốn năm mới khỏe mạnh và gặp nhiều may mắn".

Chúng tôi rời huyện Ngọc Lặc, Thanh Hóa khi những cánh đào rừng đang độ thắm sắc, nhà nhà đang rộn ràng, hân hoan chào đón mùa xuân… Mong rằng nét đẹp trong văn hóa tín ngưỡng của nơi này sẽ được lưu giữ mãi để mỗi độ Tết đến xuân về, người dân tộc Thái lại bên nhau đoàn kết, gắn bó cầu mong cho mùa xuân mới lại đến với nhiều may mắn, tốt lành hơn.

Hà An – Kỳ Anh

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/xa-hoi/le-goi-hon-phong-tuc-chao-don-nam-moi-doc-dao-cua-nguoi-dan-toc-thai-20210205180228113.htm