Lấy chậu nước xác định dư chấn: Chủ đầu tư mãn nguyện, người dân bức xúc

Việc chủ đầu tư lấy chậu nước để làm căn cứ xác định dư chấn do khoan cọc nhồi thi công công trình cầu dân sinh khiến người dân bức xúc, không đồng thuận.

Việc giải quyết không dứt điểm khiến tiến độ thi công cây cầu dân sinh tại thôn Vông Vàng 2 đang chậm tiến độ nghiêm trọng. Ảnh: Đào Thanh.

Như Báo Nông nghiệp Việt Nam đã thông tin trong bài viết: “Nhà dân bị nứt do xây dựng cầu dân sinh, Chủ đầu tư cãi cùn!”. Công trình cầu dân sinh thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn (Tuyên Quang) được triển khai xây dựng từ tháng 11/2020. Chủ đầu tư công trình là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang. Đơn vị thi công là công ty TNHH 27/7.

Theo thiết kế hồ sơ xây dựng cây cầu dân sinh được phê duyệt, mố cầu có 2 cọc khoan nhồi đường kính 1m, chiều sâu cọc tại mố M1 là 12m, mố M2 là 10m; mố M1 cách nhà ông Đặng Văn Chung, thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn là 17m. Ngày 20, 21/11/2020, khi Công ty TNHH 27/7 tiến hành khoan cọc thì ông Đặng Văn Chung yêu cầu dừng khoan từ ngày 21/11/2020. Vì ông Chung cho rằng việc khoan nhồi khiến tường nhà của gia đình ông bị nứt.

Để chứng minh quá trình thi công không ảnh hưởng đến việc nứt tường, trần nhà của gia đình ông Chung, thay vì sử dụng các thiết bị đo dư chấn, hay mời đại diện bên thứ 3 có đủ chuyên môn kỹ thuật cũng như tư cách pháp nhân để kiểm tra thì chủ đầu tư và đơn vị thi công đã sử dụng chậu nước để chứng minh.

Cụ thể, tại biên bản số 309, ngày 24/5/2021 của Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang có nêu: Tại buổi làm việc ngày 16/12/2020, các bên đặt chậu nước gần tường nhà ông Chung và tiến hành khoan, qua quan sát mặt nước trong chậu không có hiện tượng gợn sóng do chấn động gây ra. Cả đơn vị thi công và chủ đầu tư coi đây là cơ sở quan trọng để khẳng định việc khoan cọc nhồi thi công cây cầu dân sinh là không ảnh hưởng đến việc nứt nhà của gia đình ông Chung.

Việc trần nhà xuất hiện ngày càng nhiều hơn các vết nứt khiến gia đình ông Đặng Văn Chung rất bức xúc. Ảnh: Đào Thanh.

Trước cách làm này của chủ đầu tư và đơn vị thi công, gia đình ông Chung không đồng thuận. Bởi ông cho rằng, nó không đủ căn cứ để khẳng định được việc khoan nhồi cọc có gây ảnh hướng đến việc nứt nhà của gia đình ông hay không. Ông Chung mong muốn các cơ quan liên quan cần thuê bên thứ 3 kiểm tra, đánh giá sự việc một cách khoa học, đúng bản chất. Ông Chung đồng ý trả các khoản chi phí phát sinh nếu gia đình sai.

Tuy nhiên phía đơn vị thi công là Công ty TNHH 27/7 không đồng ý. Công ty này cho rằng, nếu ông Chung có nhu cầu giám định thì ông Chung tự thuê người về thực hiện bên Công ty TNHH 27/7 không có trách nhiệm đi thuê người về kiểm tra.

Các cơ quan chức năng của tỉnh Tuyên Quang cần sớm vào cuộc giải quyết dứt điểm để công trình sớm được hoàn thiện đi vào sử dụng đáp ứng nhu cầu thông thương phát triển kinh tế xã hội của người dân địa phương. Ảnh: Đào Thanh.

Phía chủ đầu tư là Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang cũng không đồng ý với ý kiến của ông Chung với lý do, nếu khi có kết quả, ông Chung sai thì Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Tuyên Quang sẽ mất tiền vì sợ ông Chung không trả.

Với sự quanh co, giải quyết không dứt điểm, thiếu thuyết phục giữa các bên khiến tiến độ thi công xây dựng công trình cầu dân sinh đang ngày càng kéo dài và không biết đến khi nào người dân thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang mới được đi trên cây cầu mơ ước bao năm nay để phát triển kinh tế - xã hội.

Cây cầu dân sinh thôn Vông Vàng 2, xã Xuân Vân, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang là cây cầu sử dụng nguồn vốn vay của Ngân hàng thế giới. Theo tiến độ được duyệt thì cây cầu sẽ được hoàn thành vào tháng 7/2021. Hiện nay, việc thi công cây cầu đang chậm tiến độ nghiêm trọng.

Việc xây dựng cây cầu là nguyện vọng và nhu cầu cần thiết của các hộ dân thôn Vông Vàng 2 nói riêng, xã Xuân Vân nói chung. Khi triển khai xây dựng cây cầu, người dân trong thôn đồng thuận cao, trong đó có gia đình ông Đặng Văn Chung.

Để thuận lợi cho việc thi công, gia đình ông Đặng Văn Chung đã hiến 1 phần diện tích đất, di chuyển 2 cây sưa khoảng 10 năm tuổi của gia đình để giải phóng mặt bằng phục vụ việc thi công cây cầu dân sinh.

Đào Thanh

Nguồn Nông Nghiệp: https://nongnghiep.vn/lay-chau-nuoc-xac-dinh-du-chan-chu-dau-tu-man-nguyen-nguoi-dan-buc-xuc-d293598.html