Lao Khô còn mãi ân tình

Nằm trong vùng biên giới Việt Nam – Lào, giữa một thung lũng còn khá nguyên sơ, xanh ngắt tán cây rừng tự nhiên, di tích lịch sử cách mạng Việt - Lào ở bản Lao Khô, xã Phiêng Khoài, Yên Châu, Sơn La hiện lên như một đóa hoa ban tròn vạnh, ân tình. Công trình này chính thức khánh thành vào năm 2017, đánh dấu tình hữu nghị Việt – Lào ở tầm cao mới.

Đại sứ Lào tại Việt Nam Thông-xa-vanh Phôm-vi-hản gặp gỡ ông Tráng Lao Lử (trái). Ảnh: Thụy Văn

Di tích bản Lao Khô và căn cứ cách mạng Việt - Lào là nơi khắc ghi dấu ấn sự bao bọc, ân tình của người dân Việt Nam đối với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản, người chỉ huy của Ban Xung phong Lào Bắc. Tên của bản Lao Khô được đặt theo tên của ông Tráng Lao Khô, người dân của Phiêng Sa ngày ấy đã nuôi, giấu các chiến sĩ của Ban Xung phong Lào Bắc trong quá trình Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản hoạt động cách mạng tại vùng biên giới Việt – Lào. Năm 1948, Ban Xung phong Lào Bắc gồm 14 cán bộ cách mạng được thành lập. Trên đường hành quân để tuyên truyền, mở rộng lực lượng, đơn vị đã dừng chân tại Phiêng Sa. Đồng chí Cay-xỏn Phôm-vi-hản được bố trí đến ở nhà ông Tráng Lao Khô, người dân tộc Mông. Ngay lúc đó, gia đình ông Tráng Lao Khô đã coi người chiến sĩ cách mạng như anh em ruột thịt, ăn ở sinh hoạt và hướng dẫn đường đi qua lại rừng núi, sông suối ở đó. Hàng ngày, ông Tráng Lao Khô còn nhận nhiệm vụ mang lương thực và thực phẩm vào hang Thẩm Mế, nơi được chọn để nuôi, giấu cán bộ của Ban Xung phong Lào Bắc, trong đó có Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản.

Tôi may mắn được đặt chân đến khu căn cứ địa cách mạng Việt Nam – Lào vào dịp khánh thành công trình di tích này, để chứng kiến niềm rưng rưng cảm động của người dân bản Lao Khô. Già, trẻ, trai, gái đều mặc trang phục đẹp của người Mông, đứng bên đường vẫy cờ của 2 nước Việt Nam và Lào chào đón khách quý. Trong di tích trưng bày ảnh, hiện vật được người dân chăm chú xem, hướng dẫn những người chưa biết và tiếp xúc vui vẻ với các phóng viên. Hơn 100 hộ dân của bản Lao Khô chính là những nhân vật chính, “đóng vai chủ nhà” tiếp đón khách quý từ khắp nơi đổ về, trong đó có những cán bộ lão thành cách mạng đến từ Lào.

Bên cạnh màu xanh của rừng già, cụm công trình này được xây dựng trên khu đất 3.500m2 gồm có nhà tưởng niệm, bia dẫn tích, nhà trưng bày. Đài biểu tượng hữu nghị Việt Nam – Lào được mô phỏng một bông hoa khổng lồ, cao 18m, có phần đế tạo hình sóng nước và cánh hoa sen, xen lẫn với hoa chăm-pa cách điệu, thể hiện đặc trưng văn hóa của 2 nước, đồng thời, hướng tới sự hòa trộn tình hữu nghị, giao lưu văn hóa của 2 dân tộc anh em. Ngày khánh thành cụm tượng đài, Đại sứ Lào tại Việt Nam, ông Thông-xa-vanh Phôm-vi-hản là người nhiều tâm sự và cũng vui mừng hơn cả. Ông tới thăm người dân bản Lao Khô, gia đình hậu duệ của ông Tráng Lao Khô và đặc biệt là con trai của ông Lao Khô là ông Tráng Lao Lử, năm nay đã ngoài 90 tuổi. Ân tình sâu nặng và nghĩa keo sơn thể hiện ở những cử chỉ thân tình như người thân, người nhà, không hề e ngại nguyên tắc ngoại giao cũng như lễ nghi.

Ngày 19-3-2010, nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào đã trao tặng Huân chương Tự do hạng III và Huân chương Hữu nghị cho người dân ở bản Lao Khô và gia đình ông Tráng Lao Khô. Năm 2012, di tích lịch sử cách mạng Việt Nam – Lào tại bản Lao Khô đã được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng Di tích cấp quốc gia. Lao Khô trở thành một di tích có vai trò quan trọng, gắn kết chặt chẽ với các giá trị văn hóa và truyền thống đoàn kết đặc biệt giữa hai dân tộc Việt Nam – Lào.

Vị đại sứ Lào mong muốn bản Lao Khô sẽ có nhiều người dân của Việt Nam và Lào được biết tới. Đây là hiện thân của tình hữu nghị và sẽ đóng vai trò thúc đẩy hơn nữa sự gắn bó và chia sẻ trên nhiều mặt giữa 2 quốc gia. Ông ngạc nhiên thú vị vì ông Tráng Lao Lử vẫn còn nhớ những câu chuyện mà cha mình kể lại về thời kì làm cách mạng “nằm gai nếm mật” đáng tự hào ở đây. Đặc biệt, khi ông Lao Lử 10 tuổi, được cha cho đi theo vào rừng gặp những người anh em của cha. Ông Lao Lử nói, những kỷ niệm của cha mình với Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản luôn được ông ghi nhớ, trân trọng. Đặc biệt là chuyện ông Tráng Lao Khô từng biếu người bạn Lào của mình bạc trắng để mua súng kháng chiến, khiến Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản ghi nhớ và coi là hành động đóng góp đầu tiên cho cách mạng Lào. Nhiều lần, ông Lao Khô che giấu, bảo vệ đội quân cách mạng Lào trước sự truy lùng gắt gao của quân Pháp. Chủ tịch Cay-xỏn Phôm-vi-hản và những cán bộ cách mạng Lào sau này đều coi ông Tráng Lao Khô ở Việt Nam và mảnh đất biên cương này là nơi nâng đỡ cách mạng Lào.

Hiện tại, khu di tích này đã trở thành nơi ghé thăm của lãnh đạo 2 quốc gia Lào và Việt Nam mỗi khi bày tỏ tình hữu nghị, ghi nhớ lịch sử cách mạng. Lao Khô với cảnh sắc tươi đẹp của miền Tây Bắc Việt Nam này cũng trở thành điểm du lịch thú vị ở nơi biên cương Việt – Lào.

Thụy Văn

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/lao-kho-con-mai-an-tinh/