Lạng Sơn: Tạm giữ 70 bao hàng hóa gồm nhiều ví, túi xách giả do Trung Quốc sản xuất

Thực hiện ý kiến chỉ đạo của lãnh đạo Cục Quản lý thị trường tỉnh Lạng Sơn về việc kiểm tra các điểm tập kết hàng hóa nhập lậu được vận chuyển từ các tuyến biên giới về dịp cuối năm 2019.

Theo thông tin từ Cục Quản lý thị trường, ngày 12/11/2019 Đội QLTT số 2 đã phối hợp với Đội 389 tỉnh Lạng Sơn và UBND thị trấn Đồng Đăng tiến hành khám đối với kho tiếp nhận hàng hóa gửi chuyển phát nhanh của Bưu cục Viettel, địa chỉ số 08, Trung tâm thương mại Đồng Đăng, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn.

Tại đây, đoàn kiểm tra phát hiện trong kho có 71 bao tải dứa màu xanh, được buộc kín miệng bao có dấu hiệu chứa hàng hóa vi phạm pháp luật. Tại thời điểm khám ông Đặng Duy Khánh, Trưởng Bưu cục đã xuất trình cho Đoàn kiểm tra 05 tờ hóa đơn bán hàng (Liên 2 - Giao người mua) có cùng mẫu số 02GTTT3/001, ký hiệu 49AB/19P: số 0014922 lập ngày 08/11/2019 đều do ông Nguyễn Văn Thành, MST 8525336163, địa chỉ địa điểm kinh doanh: Số 12, ngõ 12, khu Dây Thép, thị trấn Đồng Đăng, huyện Cao Lộc, tỉnh Lạng Sơn xuất bán cho bà Trần Thị Thanh Hiền, địa chỉ: Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh; số 0014927 lập ngày 08/11/2019 xuất bàn cho ông lê Quang Nhẫn, địa chỉ: Thủ Dầu 1, tỉnh Bình Dương; số 0014962 lập ngày 10/11/2019 xuất bán cho bà Trần Thị Thanh Hiền, địa chỉ: Phường 13, Quận 6, Thành phố Hồ Chí Minh; số 0014963 lập ngày 10/11/2019 xuất bán cho ông Nguyễn Minh Vương, địa chỉ: Phường 12, Quận Gò Vấp, Thành phố Hồ Chí Minh; số 0014985 lập ngày 11/11/2019 xuất bán cho ong Lê Văn Nghĩa, địa chỉ: 128B, Lương Đắc Bằng, tỉnh Thanh Hóa, hàng hóa trên 05 tờ hóa đơn trên có tổng trị giá là: 19.000.000, đồng.

70 bao hàng hóa bị thu giữ để điều tra.

Qua quá trình kiểm đếm phân loại hàng hóa trong 71 bao tải dứa nói trên đồng thời đối chiếu với 05 tờ hóa đơn bán hàng do ông Khánh xuất trình, Đoàn kiểm tra nhận thấy có 06 loại hàng hóa gồm: Ví nữ giả da cầm tay, ví nam cầm tay, túi xách nữ... do Trung Quốc sản xuất trùng khớp về số lượng, chủng loại tên hàng hóa. Ngoài ra còn 37 loại hàng hóa khác không có hóa đơn, chứng từ gì kèm theo như: ba lô học sinh, giầy thể thao nữ, túi xách nữ giả da, ví nữ cầm tay..., có nhiều hàng hóa có dấu hiệu là hàng hóa giả mạo nhãn hiệu đã được bảo hộ tại Việt Nam như: Hermes, Louis Vuitton, Chanel, Gucci..., ước tính trị giá của toàn bộ lô hàng khoảng gần 300.000.000, đồng.

Hiện nay, Đội Quản lý thị trường số 2 đang tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên cùng 05 tờ hóa đơn bán hàng kèm theo để xác minh, làm rõ chủ sở hữu, nguồn gốc xuất xứ, đồng thời phối hợp với đại diện chủ sở hữu quyền các nhãn hiệu đang được bảo hộ tại Việt Nam xác định, kết luận về hàng hóa giả mạo nhãn hiệu làm căn cứ xử lý vụ việc theo đúng quy định của pháp luật.

M.Trang

Nguồn Pháp Luật Plus: https://www.phapluatplus.vn/doanh-nghiep-doanh-nhan/lang-son-tam-giu-70-bao-hang-hoa-gom-nhieu-vi-tui-xach-gia-do-trung-quoc-san-xuat-d111253.html