Làm CCCD và đăng ký tài khoản định danh điện tử đơn giản, nhanh chóng

Trình tự, thủ tục làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và đăng ký tài khoản (TK) định danh điện tử (ĐDĐT) hiện rất nhanh chóng, đơn giản, chỉ thực hiện trong thời gian ngắn...

Công an TPHCM cho biết, trình tự, thủ tục làm căn cước công dân (CCCD) gắn chíp và đăng ký tài khoản (TK) định danh điện tử (ĐDĐT) hiện rất nhanh chóng, đơn giản, chỉ thực hiện trong thời gian ngắn, do vậy những công dân (CD) hiện vẫn chưa làm CCCD gắn chíp nên khẩn trương đến cơ quan công an (CA) để thực hiện. Đối với việc đăng ký tài khoản ĐDĐT, người dân cần mang theo các giấy tờ (bản chính) để yêu cầu tích hợp như: giấy phép lái xe (GPLX), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm xã hội (BHXH), đăng ký xe (ĐKX)...

TÍCH HỢP NHIỀU LOẠI GIẤY TỜ “TRONG MỘT”

Người dân cần nắm quy trình về đăng ký, xử lý, cấp tài khoản ĐDĐT, đó là trước tiên CD cần có CCCD gắn chíp, sau đó đến Công an TPHCM, CA các quận huyện, TP.Thủ Đức yêu cầu đăng ký tài khoản ĐDĐT. Lúc này, CD cần xuất trình thẻ CCCD gắn chíp để cán bộ chiến sĩ (CBCS) CA kiểm tra đồng thời trình các loại giấy tờ yêu cầu tích hợp thông tin, như: GPLX, mã số thuế cá nhân, số BHYT, BHXH, ĐKX (chính chủ)... vào tài khoản ĐDĐT.

Trong thời gian rất ngắn, CBCS công an kiểm tra bản chính với đầy đủ thông tin mà CD yêu cầu tích hợp vào tài khoản ĐDĐT, sau đó hoàn thiện hồ sơ và in phiếu đăng ký tài khoản ĐDĐT để CD kiểm tra lại thông tin mình tích hợp có chính xác không. Bên cạnh đó, CBCS cũng hướng dẫn CD tải ứng dụng VneID hoặc truy cập vào trang thông tin vneid.gov.vn để kích hoạt tài khoản ĐDĐT khi có tin nhắn gửi về số điện thoại mà CD đã dùng để đăng ký.

Như vậy, CD cần chuẩn bị thẻ CCCD gắn chíp còn hiệu lực để đăng ký tài khoản ĐDĐT nhằm hưởng nhiều tiện ích, bởi định danh và xác thực điện tử trên nền tảng Cơ sở dữ liệu (CSDL) quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và CSDL quốc gia về xuất nhập cảnh, tài khoản ĐDĐT là tập hợp gồm tên đăng nhập (chính là mã số định danh cá nhân của CD), mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân) hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi hệ thống định danh và xác thực điện tử của Bộ CA.

Tài khoản này được quản lý, xác thực trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia, do Bộ CA phát triển. Người dân sử dụng tài khoản ĐDĐT sẽ có những lợi ích như tiết kiệm được thời gian, chi phí, vì không phải kê khai các loại biểu mẫu, giảm nhiều thủ tục khi thực hiện các giao dịch hành chính công. Công dân có thể thay thế CCCD và các loại giấy tờ mà họ đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng ĐDĐT quốc gia như: GPLX, ĐKX, BHYT...

Như vậy, khi người dân giao dịch hành chính sẽ giảm tối đa các giấy tờ phải mang theo. Công dân cũng có thể sử dụng tài khoản ĐDĐT để thực hiện các giao dịch tài chính như thanh toán hóa đơn điện - nước, đóng BHXH, BHYT, chuyển tiền... Công an TPHCM khẳng định: “Khi sử dụng tài khoản ĐDĐT, người dân sẽ được bảo mật thông tin, tránh bị giả mạo, giúp các giao dịch an toàn, thuận lợi”.

THẺ KHÔNG BỊ THEO DÕI NGẦM HOẶC ĐỌC TRỘM

Có thể khẳng định về các ưu điểm nổi bật của thẻ CCCD gắn chíp so với các loại giấy tờ tùy thân hiện nay, đó là thẻ CCCD gắn chíp giúp bảo vệ quyền riêng tư, an toàn dữ liệu và bảo vệ danh tính CD. Thẻ CCCD gắn chíp điện tử tích hợp đầy đủ thông tin, tránh được việc giả mạo các loại giấy tờ. Người dân đi giao dịch và làm các thủ tục chỉ cần dùng thẻ CCCD gắn chíp để thực hiện.

Thẻ CCCD gắn chíp điện tử bảo mật về công nghệ, giúp bảo vệ quyền riêng tư của CD. Chíp trên thẻ CCCD không tích điện và hoàn toàn không có chức năng định vị, theo dõi để xác định vị trí của CD vì không có điện. Chíp chỉ hoạt động khi tiếp xúc trực tiếp hoặc tiếp xúc gần với các thiết bị đầu đọc trong phạm vi 10cm. Công nghệ triển khai trên thẻ CCCD gắn chíp tuân thủ tiêu chuẩn bảo mật của thế giới (tiêu chuẩn ICAO) và của Việt Nam (tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ) đảm bảo thẻ không thể bị theo dõi ngầm, không bị đọc trộm thông tin nếu CD không tự xuất trình thẻ CCCD để tiếp xúc với đầu đọc. Quá trình trao đổi dữ liệu giữa đầu đọc và chíp của thẻ CCCD, mọi thông tin đều được mã hóa nhằm chống lại việc nghe lén, lấy trộm thông tin của CD.

Dữ liệu CD bên trong chíp khó thể làm giả và thay đổi được sau khi phát hành thẻ với các thuật toán mật mã tuân thủ tiêu chuẩn của Ban Cơ yếu Chính phủ cũng như tiêu chuẩn bảo mật quốc tế ICAO. Công nghệ phần cứng của chíp cũng như các công nghệ phần mềm được triển khai trên thẻ CCCD đảm bảo chống lại việc làm giả thẻ cũng như làm giả dữ liệu của CD.

Không những vậy, thẻ CCCD gắn chíp còn có chức năng đối chứng, so sánh vân tay, khuôn mặt của CD với vân tay và khuôn mặt lưu trong chíp, cho phép xác thực, đảm bảo chính xác chủ thẻ, vì thế việc lấy trộm thẻ CCCD để sử dụng vào mục đích bất hợp pháp là không thể thực hiện. Ví dụ với thẻ CCCD gắn chíp, khi đi rút tiền tại ngân hàng, CD phải quét vân tay trực tiếp để so sánh với vân tay lưu trong thẻ CCCD, cũng như hình ảnh khuôn mặt, nếu vân tay và khuôn mặt trùng khớp mới rút tiền được. Như vậy, người khác (không phải chủ thẻ CCCD gắn chíp) không thể dùng thẻ nhặt được để rút tiền của CD.

Lực lượng Công an đến tận nhà thu nhận hồ sơ làm CCCD gắn chíp cho người dân

Lực lượng Công an đến tận nhà thu nhận hồ sơ làm CCCD gắn chíp cho người dân

Luật Cư trú sửa đổi chính thức có hiệu lực từ ngày 01-7-2021, theo đó thẻ CCCD gắn chíp đang từng bước thay thế sổ hộ khẩu (SHK), sổ tạm trú (STT) bằng giấy (hết hiệu lực vào 01-01-2023). Mọi thủ tục, giấy tờ hành chính liên quan đến SHK giấy sẽ dần được dỡ bỏ. Việc quản lý cư trú của CD sẽ được chuyển từ thủ công, truyền thống thông qua SHK, STT giấy sang quản lý bằng số hóa, thông qua CSDL quốc gia về dân cư, về cư trú và số định danh cá nhân. Số chứng minh nhân dân cũ lưu trong chíp cũng như trên mã QR in trên bề mặt thẻ CCCD mới, do đó người dân sử dụng thẻ CCCD mới không cần phải có giấy xác nhận của CA về tất cả hồ sơ giấy tờ có liên hệ với số CMND cũ như trước. Bên cạnh đó, CD cũng không tốn thời gian, chi phí công chứng, chứng thực giấy tờ như trước đây do thẻ có thể được sử dụng và kết nối rộng rãi cho các dịch vụ công lẫn tư.

Căn cước công dân gắn chíp có in mã QR ở mặt trước thẻ, chứa một số thông tin cần thiết của CD, nên khi cần khai báo thông tin, CD chỉ cần quét mã QR bằng điện thoại di động thay vì phải nhập tay. Thẻ CCCD gắn chíp giao tiếp không tiếp xúc, khi đi giao dịch, người dân chỉ cần đưa thẻ lại gần đầu đọc giúp rút ngắn thời gian giao dịch. Khi các cơ quan, doanh nghiệp triển khai hệ thống đồng bộ, chỉ với CCCD gắn chíp, người dân có thể thực hiện các giao dịch hành chính, giao dịch tài chính ngân hàng, giao dịch viễn thông, giao dịch BHXH, BHYT... từ xa thông qua máy tính hoặc điện thoại di động có kết nối internet, không cần phải đến trực tiếp.

Danh tính, quyền lợi của mỗi CD được đảm bảo an toàn, khi việc làm giả thẻ CCCD cũng như trộm thẻ CCCD để thực hiện các mục đích bất hợp pháp là rất khó khăn. Việc này vừa đảm bảo an toàn cho người dân vừa giúp Chính phủ tránh được các vấn đề về gian lận và lạm dụng danh tính.

Như vậy, thẻ CCCD gắn chíp giúp CD thực hiện các giao dịch hành chính đơn giản, tiện lợi hơn, đồng thời phục vụ đắc lực công tác quản lý nhà nước, có ý nghĩa rất quan trọng trong cải cách hành chính, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, đẩy nhanh tiến trình xây dựng chính phủ điện tử, chính phủ số theo chủ trương của Đảng, Nhà nước.

Nhóm PV

Nguồn CA TP.HCM: http://congan.com.vn/tin-chinh/lam-cccd-va-dang-ky-tai-khoan-dinh-danh-dien-tu-don-gian-nhanh-chong_136958.html