Lãi suất tiết kiệm bắt đầu đảo chiều, lãi cho vay sớm tăng trở lại

Theo giới phân tích, lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy và có thể đảo chiều tăng tới 1% vào cuối năm. Nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại khi lãi suất huy động rục rịch đi lên. Đó là những thông tin ngân hàng đáng chú ý tuần qua.

‘Lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy, đảo chiều tăng tới 1% vào cuối năm’

Ông Đinh Đức Quang, Giám đốc điều hành khối kinh doanh tiền tệ UOB Việt Nam, cho rằng lãi suất tiết kiệm của Việt Nam hiện nay đã chạm đáy và có thể tăng từ 0,5 – 1% vào cuối năm nay.

Báo cáo của UOB cho thấy VNĐ, và cả các đồng tiền khác, có khả năng tăng giá trở lại so với USD trong nửa sau 2024 khi lãi suất USD có thể được cắt giảm, trong khi lãi suất VNĐ sẽ hầu như không có khả năng giảm thêm và sẽ tăng trở lại.

>> Xem thêm: ‘Lãi suất tiết kiệm đã chạm đáy, đảo chiều tăng tới 1% vào cuối năm’

Lãi suất tiết kiệm đảo chiều đi lên: Lãi cho vay sớm tăng trở lại?

Sau đúng 1 năm chỉ giảm mà gần như không tăng, đưa lãi suất huy động xuống mức thấp kỷ lục, thời gian gần đây, một số nhà băng đã bắt đầu tăng lãi tiết kiệm trở lại ở cả kỳ hạn ngắn và dài.

Nhiều người lo ngại lãi suất cho vay sẽ sớm tăng trở lại khi lãi suất huy động rục rịch đi lên. Tuy nhiên, theo giới phân tích, lãi suất cho vay không bị tác động nhiều, bởi xu hướng giảm lãi suất tiền gửi vẫn là chủ đạo. Các chuyên gia khuyến cáo không thể để cho mặt bằng lãi suất tăng cao.

>> Xem thêm: Lãi suất tiết kiệm đảo chiều đi lên: Lãi cho vay sớm tăng trở lại?

Chính phủ yêu cầu khẩn trương sửa Nghị định 24, không để tình trạng 'vàng hóa'

Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 44/NQ-CP phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 3 năm 2024 và Hội nghị trực tuyến Chính phủ với địa phương.

Trong đó, Chính phủ yêu cầu Ngân hàng Nhà nước (NHNN) khẩn trương rà soát, xây dựng Nghị định sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế Nghị định số 24 về quản lý hoạt động thị trường vàng để phát triển thị trường vàng ổn định, lành mạnh, minh bạch, hiệu quả, bền vững, không để tình trạng vàng hóa nền kinh tế.

>> Xem thêm: Chính phủ yêu cầu khẩn trương sửa Nghị định 24, không để tình trạng 'vàng hóa'

Ngân hàng Nhà nước: Tăng cung vàng miếng, xử lý chênh lệch giá

Ngay sau chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, đại diện NHNN cho biết sẽ triển khai ngay giải pháp tăng cung với thị trường vàng miếng để xử lý tình trạng chênh lệch cao giữa giá vàng trong nước và thế giới.

Đối với Nghị định 24 về quản lý hoạt động kinh doanh vàng, NHNN đã có báo cáo tổng kết, đánh giá quá trình thực hiện và đã đề xuất một số phương hướng chỉnh sửa, bổ sung và triển khai trong thời gian tới.

>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước: Tăng cung vàng miếng, xử lý chênh lệch giá

Ngân hàng tư nhân "so găng" với Big 4 trong cuộc đua tăng vốn

Cuộc đua tăng vốn điều lệ ngành ngân hàng đang trở nên nóng khi một số ngân hàng tư nhân đã vươn lên vị trí Top đầu trong khi các nhà băng nhóm Big 4 có nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào.

Nếu việc phê duyệt tăng vốn của nhóm Big4 thuận lợi, vốn điều lệ của các ngân hàng này có thể ghi nhận đà tăng trưởng nhanh chóng nhờ nguồn vốn chủ sở hữu dồi dào. Nếu hoàn thành tất cả kế hoạch đã đều ra, những ngân hàng quốc doanh này sẽ lấy lại vị thế dẫn đầu về vốn điều lệ.

Trong khi đó, dư địa gia tăng vốn điều lệ của các ngân hàng cổ phần sẽ hạn chế hơn do đã chia cổ tức qua các năm và đa số có lợi nhuận kém hơn nhóm Big4.

>> Xem thêm: Ngân hàng tư nhân "so găng" với Big 4 trong cuộc đua tăng vốn

Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh, lên mức kỷ lục

Chỉ sau 1 năm, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế và dân cư vào ngân hàng đã đạt 13,37 triệu tỷ đồng, tăng 1,64 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ, cao nhất từ trước đến nay bất chấp lãi suất huy động liên tục giảm.

Trong đó, tính đến tháng 12/2023, lượng tiền gửi của các tổ chức kinh tế tăng vọt 1,14 triệu tỷ đồng so với cùng kỳ, đạt 6,84 triệu tỷ đồng. Còn lượng tiền gửi của dân cư đạt 6,53 triệu tỷ đồng, tăng 500.000 tỷ đồng so với cùng kỳ.

>> Xem thêm: Tiền gửi vào ngân hàng tăng mạnh, lên mức kỷ lục

Áp lực tăng mạnh, đẩy tỷ giá USD lên mức cao kỷ lục

Áp lực đồng đôla mạnh liên đẩy tỷ giá USD trong nước đồng loạt tăng cao. Giá USD tại các ngân hàng thương mại lập kỷ lục mới, còn giá USD tự do tăng tới 165 đồng trong phiên 11/4.

Cùng với đó, áp lực đáo hạn tín phiếu cũng ảnh hưởng sức mạnh đồng nội tệ. Từ 8/4, sẽ có một lượng tín phiếu NHNN đều đặn đáo hạn.

Giới phân tích cho rằng, các áp lực đối với tỷ giá vẫn thường trực và khả năng đồng VND giảm giá vẫn sẽ hiện hữu.

>> Xem thêm: Áp lực tăng mạnh, đẩy tỷ giá USD lên mức cao kỷ lục

Ngân hàng SCB đóng cửa gần 50 phòng giao dịch

Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) vừa tiếp tục chấm dứt hoạt động đối với một phòng giao dịch. Kể từ khi bị kiểm soát đặc biệt đến nay, SCB đã đóng cửa, dừng hoạt động 47 điểm giao dịch tại 9 tỉnh, thành. Hiện SCB chỉ còn 87 điểm giao dịch trên cả nước.

Ngân hàng Nhà nước đang nghiên cứu đề nghị tham gia cơ cấu lại SCB của một số nhà đầu tư để sớm trình Chính phủ phương án cơ cấu lại ngân hàng này theo quy định.

>> Xem thêm: Ngân hàng SCB đóng cửa gần 50 phòng giao dịch

Xem xét giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

NHNN đang dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 30/2019/TT-NHNN quy định về thực hiện dự trữ bắt buộc của các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Trong đó, Dự thảo sẽ sửa đổi, bổ sung 4 điều trong Thông tư 30 là Điều 3, Điều 7, Điều 13 và Điều 16.

Đáng chú ý, tại Điều 7, quy định về trường hợp giảm tỷ lệ dự trữ bắt buộc, dự thảo sẽ bổ sung trường hợp giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với TCTD là bên nhận chuyển giao ngân hàng thương mại được kiểm soát đặc biệt để thống nhất với điểm p khoản 1 Điều 185 Luật TCTD 2024 quy định quyền của bên nhận chuyển giao: Được giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc.

>> Xem thêm: Xem xét giảm 50% tỷ lệ dự trữ bắt buộc cho ngân hàng nhận chuyển giao TCTD yếu kém

Ngân hàng khởi động bán vốn cho nước ngoài

Ngay từ đầu năm, hoạt động chào bán cổ phiếu cho nhà đầu tư nước ngoài đã được nhiều ngân hàng đẩy mạnh. Một số ngân hàng cho biết sẽ hoàn tất phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho nhà đầu tư nước ngoài ngay trong năm nay.

Trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam vẫn còn đối mặt với nhiều thách thức, quyết định trở thành nhà đầu tư chiến lược cho thấy niềm tin rất lớn của nhà đầu tư nước ngoài vào triển vọng của ngân hàng Việt. Lãnh đạo một số ngân hàng thương mại cho biết, mức độ quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài đến ngân hàng trong nước là rất lớn.

>> Xem thêm: Bán vốn cho nước ngoài: Ngân hàng khởi động chu kỳ mới

Cổ đông ngân hàng: Vui buồn cổ tức mùa đại hội

Cổ tức luôn là vấn đề thu hút sự quan tâm đặc biệt của các cổ đông tại mỗi mùa đại hội đồng cổ đông (ĐHCĐ) ngành ngân hàng. Mùa ĐHCĐ của các ngân hàng năm 2024 sẽ được tập trung trong tháng 4 này.

Cổ đông nhiều ngân hàng đang rất háo hức và vui mừng vì năm nay được chia cổ tức xông xênh, dù bằng cổ phiếu hay tiền mặt. Nhưng có những cổ đông của một số ngân hàng ngậm ngùi vì không được chia cổ tức.

>> Xem thêm: Cổ đông ngân hàng: Vui buồn cổ tức mùa đại hội

Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm trả hệ thống một lượng tiền lớn

Từ 8/4, các lô tín phiếu đầu tiên được NHNN phát hành bắt đầu đáo hạn, đồng nghĩa với việc nhà điều hành sẽ bơm trả hệ thống một lượng tiền tương ứng. Lô tín phiếu đầu tiên đáo hạn vào ngày 8/4 trả lại 15.000 tỷ đồng thanh khoản cho thị trường.

Theo giới phân tích, với việc các lô tín phiếu đầu tiên bắt đầu đáo hạn và tỷ giá vẫn đang "nóng", NHNN có thể vẫn sẽ duy trì kênh phát hành tín phiếu trong thời gian tới nhằm kiểm soát mặt bằng lãi suất liên ngân hàng nhằm hỗ trợ tỷ giá.

>> Xem thêm: Ngân hàng Nhà nước bắt đầu bơm trả hệ thống một lượng tiền lớn

Minh Anh

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/lai-suat-tiet-kiem-bat-dau-dao-chieu-lai-cho-vay-som-tang-tro-lai-20180504224297568.htm