Kỳ vọng vào một nhiệm kỳ đổi mới

Đây là tâm sự của đồng chí Nguyễn Thị Tuyến, Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, Ủy viên Ban Thường vụ Thành ủy, Chủ tịch LĐLĐ TP Hà Nội, đại diện cho tâm tư, tình cảm, nguyện vọng của Tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ Thủ đô hướng về Đại hội Công đoàn toàn quốc lần thứ XII (nhiệm kỳ 2018 - 2023) đang diễn ra tại Hà Nội. Mặc dù công việc rất bận, lại với trọng trách của một Ủy viên Đoàn Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, người đứng đầu tổ chức Công đoàn Thủ đô song Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến vẫn dành cho PV Lao động Thủ đô cuộc trò chuyện xoay quanh những nội dung nói trên.

PV: Đại hội XII Công đoàn Việt Nam (nhiệm kỳ 2018-2023) là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, ngày hội lớn của tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ. Tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô hướng về sự kiện này như thế nào, thưa Chủ tịch?

Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến: Đúng như vậy! Đại hội XII Công đoàn Việt Nam là sự kiện chính trị đặc biệt quan trọng, ngày hội lớn của tổ chức Công đoàn và đội ngũ CNVCLĐ. Hòa với các cấp công đoàn và CNVCLĐ cả nước, từ nhiều tháng qua, tổ chức Công đoàn và CNVCLĐ Thủ đô đã đón đợi, hướng về Đại hội với tất cả sự náo nức, phấn khởi, tin tưởng và kỳ vọng. Tình cảm, trách nhiệm của đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô hướng tổ chức Công đoàn, về ngày hội lớn của mình được thể hiện bằng những hoạt động hết sức thiết thực.

Chủ tịch LĐLĐ Thành phố Nguyễn Thị Tuyến trao đổi với đoàn đại biểu LĐLĐ thành phố Hà Nội bên lề Đại hội.

Đó là, ngay từ năm trước, thông qua Đại hội Công đoàn các cấp và các cơ quan ngôn luận của tổ chức Công đoàn, đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đã tích cực tham gia đóng góp ý kiến cho các văn kiện Đại hội, nhất là đóng góp sửa đổi Điều lệ Công đoàn Việt Nam đồng thời phát huy tinh thần dân chủ, trí tuệ, sáng suốt lựa chọn các đại biểu ưu tú, tham gia vào Ban Chấp hành, lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động Công đoàn các cấp trong nhiệm kỳ mới, cũng như lựa chọn các đại biểu ưu tú, xứng đáng, đại diện cho đoàn viên, CNVCLĐ các cấp của Thành phố đi dự Đại hội Công đoàn cấp trên. Đây là yếu tố đặc biệt quan trọng góp phần cho thành công của Đại hội Công đoàn các cấp và Đại hội XII Công đoàn Việt Nam.

Thiết thực hơn, CNVCLĐ Thủ đô đã hăng hái tham gia các phong trào thi đua, các đợt thi đua cao điểm do LĐLĐ Thành phố phát động, như thi đua lao động giỏi, phát huy sáng kiến sáng tạo, phấn đấu trở thành Công nhân giỏi v.v…Trong mỗi cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, ở mỗi vị trí công tác, lao động sản xuất; CNVCLĐ Thủ đô đều nỗ lực phát huy sáng kiến sáng tạo, làm việc với năng suất cao, chất lượng tốt, thực hiện nhiều công trình sản phẩm có giá trị để thiết thực lập thành tích chào mừng Đại hội.

Trong năm qua, CNVCLĐ Thủ đô đã phát huy 3.768 sáng kiến cấp cơ sở; 1.800 sáng kiến cấp trên cơ sở được áp dụng vào sản xuất và công tác, làm lợi hơn 800 tỷ đồng, có 3 CNLĐ được Tổng LĐLĐ Việt Nam tặng giải thưởng Nguyễn Đức Cảnh lần thứ III năm 2018; có 38.615 CNLĐ được công nhận danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở; 1.920 CNLĐ được công nhận “Công nhân giỏi” cấp quận, huyện, ngành, Tổng Công ty... 100 CNLĐ đạt danh hiệu “Công nhân giỏi Thủ đô”. Có 05 công trình, sản phẩm tiêu biểu của CNVCLĐ Thủ đô đã được LĐLĐ Thành phố khen thưởng, gắn biển chào mừng Đại hội XII Công đoàn Việt Nam với tổng trị giá đầu tư 254,8 tỷ đồng.

Với lực lượng CNVCLĐ là như vậy, còn tổ chức Công đoàn Thủ đô trong thời gian qua cũng đã tăng cường thực hiện tốt hơn vai trò đại diện, chăm lo đời sống bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, chú trọng nâng cao phúc lợi cho đoàn viên công đoàn; đẩy mạnh tuyên truyền cả bề nổi lẫn chiều sâu về Đại hội và quan tâm làm tốt công tác phát triển đoàn viên, thành lập CĐCS… Đó chính là những hoạt động thiết thực nhất của tổ chức Công đoàn, CNVCLĐ Thủ đô hướng về Đại hội.

PV: Thưa Chủ tịch, tại Đại hội lần này Đoàn đại biểu CNVCLĐ Thủ đô sẽ có những hoạt động gì để thực hiện tốt trọng trách của mình, đóng góp cho thành công của Đại hội và góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới?

Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến: Được đại diện mang những tâm tư, nguyện vọng của đội ngũ CNVCLĐ, đoàn viên công đoàn Thủ đô tới Đại hội là niềm vinh dự đối với mỗi đại biểu dự Đại hội nói chung và các đại biểu đoàn LĐLĐ thành phố Hà Nội nói riêng. Cùng đó, chúng tôi cũng ý thức được trọng trách của mình khi đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô đã thông qua mỗi đại biểu để gửi trọn tình cảm, niềm tin hướng về Đại hội.

Chính vì vậy, chúng tôi đã quán triệt tới mỗi thành viên trong đoàn sẽ phải tập trung trí tuệ với tất cả nhiệt tình, tâm huyết, làm việc với tinh thần trách nhiệm cao nhất để đưa được hơi thở cuộc sống cũng như những tâm tư, nguyện vọng trăn trở của đoàn viên công đoàn và người lao động đến với diễn đàn Đại hội, để Đại hội XII Công đoàn Việt Nam thật sự là Đại hội của “Đổi mới - Dân chủ - Đoàn kết - Trách nhiệm”.

Với vị trí là tổ chức đại diện CNVCLĐ Thủ đô, trái tim của cả nước, với bề dày truyền thống, kinh nghiệm hoạt động công đoàn, tham gia Đại hội, Đoàn Đại biểu của LĐLĐ thành phố Hà Nội sẽ tích cực đóng góp tham luận tại hội trường cũng như tích cực tham gia thảo luận tại các tổ thảo luận về nhiều vấn đề lớn của tổ chức công đoàn, qua đó góp phần nâng cao chất lượng hoạt động của tổ chức Công đoàn trong thời gian tới. Trong đó có một vấn đề mà chúng tôi trăn trở và sẽ tham luận tại Đại hội là “Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, kiến thức – kỹ năng nghề nghiệp và pháp luật cho công nhân, viên chức, lao động trong tình hình mới”.

Thực tế, trong nhiệm kỳ qua, công tác tuyên truyền giáo dục đã tạo được sức lan tỏa trong hệ thống tổ chức Công đoàn. Nhiều đề án, chương trình, kế hoạch tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật và kỹ năng nghề nghiệp đã được triển khai, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật, đảm bảo các quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người lao động.

Tuy nhiên, trong bối cảnh quá trình toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tiếp tục được đẩy mạnh, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 tác động sâu sắc đến sản xuất, đời sống, việc làm của người lao động... đang đặt ra những yêu cầu mới mạnh mẽ cho công tác tuyên truyền giáo dục đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam.

Bên cạnh việc chia sẻ kinh nghiệm từ thực tiễn hoạt động của Công đoàn Hà Nội, tại Đại hội chúng tôi cũng sẽ nêu những đề xuất xác đáng với Đảng, Chính phủ và Tổng LĐLĐ Việt Nam để làm tốt hơn nữa công tác này trong đó có việc đề xuất Tổng LĐLĐ Việt Nam cần có cơ chế tập trung về con người và nguồn lực cho công tác chỉ đạo và tuyên truyền trên internet và mạng xã hội; nghiên cứu, biên soạn các bộ tài liệu tuyên truyền, giáo dục về chính trị tư tưởng; tuyên truyền giáo dục về vai trò của giai cấp công nhân, tổ chức Công đoàn Việt Nam; tuyên truyền về chính sách pháp luật... ngắn gọn, phù hợp với từng đối tượng người lao động…

P.V: Với tư cách Chủ tịch LĐLĐTP Hà Nội, Chủ tịch kỳ vọng nhất điều gì trong nhiệm kỳ tới?

Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến: Tôi cho rằng, việc tiếp tục đổi mới nội dung, phương thức hoạt động với phương châm hướng về cơ sở, lấy cơ sở là địa bàn, lấy người lao động là mục tiêu hoạt động, từ đó thực hiện tốt hơn chức năng đại diện, chăm lo đời sống, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của người lao động… chính là điều mà đoàn viên, CNVCLĐ trông đợi nhất ở tổ chức Công đoàn.

Với đội ngũ đoàn viên, CNVCLĐ Thủ đô hiện nay, ngoài vấn đề tiền lương, thưởng hàng tháng thì điều kiện về cơ sở vật chất, nhà ở, nhà trẻ mẫu giáo cũng là những điều rất đáng quan tâm. Hiện đa số CNLĐ nhất là CNLĐ ngoại tỉnh làm việc trong các KCN&CX Hà Nội vẫn phải ở trong những căn phòng trọ chật chội, sập sệ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sinh hoạt và cuộc sống. Con nhỏ của CNLĐ ngoại tỉnh thường phải gửi về quê nhờ ông bà trông nom, hoặc gửi trong các nhóm trẻ tư thục, nhóm trẻ gia đình với chi phí cao mà không đảm bảo an toàn khiến công nhân không được yên tâm.

Tôi kỳ vọng, tại Đại hội lần này, mỗi đại biểu trong đoàn Hà Nội chúng ta nói riêng và toàn thể Đại hội nói chung sẽ tập trung bàn bạc đưa ra những quyết sách hữu hiệu cho những vấn đề thiết thực nói trên, để trong thời gian tới, CNLĐ sẽ không còn phải lo lắng về chỗ ở, nhà trẻ cho con em mình cũng như nhiều vấn đề khác trong đời sống”.

PV: Bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 đang mang tới những cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với tổ chức Công đoàn. Theo Chủ tịch, tổ chức Công đoàn Việt Nam cần làm gì để thích nghi với bối cảnh mới?

Chủ tịch Nguyễn Thị Tuyến: Đúng là trong nhiệm kỳ 2018-2023, bối cảnh hội nhập và cuộc cách mạng 4.0 sẽ mang tới nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức cho tổ chức công đoàn mà một trong số đó là thách thức trong công tác tổ chức vận động, thu hút, tập hợp người lao động vào tổ chức Công đoàn. Việc khó nhất, mấu chốt nhất của tổ chức Công đoàn trong việc tập hợp người lao động vào tổ chức của mình chính là xây dựng được niềm tin của người lao động với tổ chức công đoàn.

Chính vì vậy muốn vượt qua thách thức, thích nghi với bối cảnh mới, không cách nào khác là tổ chức Công đoàn phải đổi mới mạnh mẽ hơn về cả nội dung lẫn phương thức hoạt động, như tôi đã nói ở trên là hướng về cơ sở, sát người lao động, để đem lại lợi ích cao nhất, tốt nhất cho đoàn viên. Muốn vậy, trước tiên phải quan tâm tới đội ngũ cán bộ công đoàn, nhất là cán bộ CĐCS. Vì đây là những người sát nhất với người lao động, đoàn viên công đoàn và gần nhất với doanh nghiệp.

Đội ngũ cán bộ công đoàn cơ sở có vững về bản lĩnh, giỏi về nghiệp vụ, tâm huyết, nhiệt tình thì các hoạt động như ký kết Thỏa ước lao động tập thể, thương lượng về tiền lương, thưởng, thực hiện các chế độ phúc lợi cho đoàn viên mới đạt hiệu quả. Và khi công đoàn hoạt động thực chất, mang lại quyền lợi thiết thân nhất cho người lao động thì đó chính là cách tập hợp, thu hút người lao động vào tổ chức công đoàn hiệu quả nhất.

Xin trân trọng cảm ơn Chủ tịch!

Phạm Diệp

(thực hiện)

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/ky-vong-vao-mot-nhiem-ky-doi-moi-80488.html