Kỳ vọng trồng cây gỗ lớn để xóa nghèo bền vững

Trồng rừng gỗ lớn mang lại lợi ích kép, không chỉ giúp các gia đình phát triển kinh tế, mà còn hạn chế xói mòn, góp phần bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Nhận thức được điều này, cấp ủy Đảng, chính quyền các huyện miền núi Thanh Hóa đã triển khai quyết liệt công tác trồng rừng gỗ lớn và bước đầu đạt được những kết quả rất đáng ghi nhận.

Mô hình trồng rừng gỗ lớn của gia đình ông Quách Văn Minh. Ảnh: Xuân Anh

Có kinh nghiệm trồng rừng hơn 20 năm, nhưng gia đình ông Quách Văn Minh, ở thôn An Tâm, xã Cẩm Tâm, huyện Cẩm Thủy, tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa đạt được kết quả như mong muốn, bởi lẽ lâu nay, gia đình ông trồng cây keo nhưng khai thác “non”. Những năm gần đây, được sự chỉ đạo của cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy, gia đình ông đã chuyển sang trồng cây lấy gỗ lớn, hiện, rừng của gia đình ông đang sinh trưởng tốt. Để lấy ngắn nuôi dài, ông Minh đã tỉa thưa cây trồng để bán, tăng thu nhập cho gia đình.

Ông Quách Văn Minh chia sẻ: “Được sự hướng dẫn của cơ quan chức năng, gia đình tôi quyết tâm chuyển 1,2ha trồng cây gỗ nhỏ sang trồng cây gỗ lớn. Được cơ quan chức năng hỗ trợ 6 tạ phân NPK, gia đình tiến hành bón phân và chăm sóc bước đầu đạt được những kết quả khả quan. Để có thu nhập, hằng năm, gia đình tiến hành tỉa thưa các cây keo để bán, trung bình mỗi năm cũng được 12 triệu đồng. 1ha keo trong một chu kỳ sẽ có 10 lần tỉa thưa. Như vậy, hiệu quả của việc trồng cây gỗ lớn cho thu nhập cao gấp 3 lần trồng cây gỗ nhỏ”.

Ông Nguyễn Quốc Hưng, Chủ tịch UBND xã Cẩm Tâm cho biết: “Hiện tại, xã đã trồng được 18ha cây gỗ lớn và đang sinh trưởng tốt. Việc trồng cây gỗ lớn mang lại hiệu quả kinh tế cao, nên địa phương tích cực chỉ đạo cán bộ chuyên môn vận động, tuyên truyền đến các hộ dân, để từ đó, họ tham gia thực hiện nhằm nâng cao thu nhập cho gia đình. Tuy nhiên, mong chính quyền địa phương nâng cao mức hỗ trợ người dân để bà con có động lực tập trung chăm sóc cây trồng”.

Trao đổi với chúng tôi về vấn đề này, ông Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Cẩm Thủy cho biết: “Trong những năm qua, công tác trồng rừng của huyện đã đạt được những kết quả khả quan. Tuy nhiên, chất lượng rừng trồng chưa cao, hiệu quả kinh tế từ việc khai thác rừng trồng còn thấp, nhân dân chủ yếu trồng keo chu kỳ kinh doanh ngắn phục vụ nguyên liệu giấy và băm dăm, sản phẩm thu hoạch chưa có tính cạnh tranh, giá trị kinh tế thấp, chưa tương xứng với tiềm năng thế mạnh của huyện. Trong khi đó, nhu cầu nguyên liệu gỗ và sản phẩm gỗ vẫn tiếp tục gia tăng, nhưng nguồn cung cấp gỗ từ rừng tự nhiên trong huyện ngày càng bị khan hiếm. Việc cung cấp gỗ hiện tại chưa đáp ứng được nhu cầu tiêu dùng. Vì vậy, việc xây dựng đề án trồng rừng gỗ lớn nhằm cung cấp cho chế biến, nâng cao chất lượng, hiệu quả và năng lực cạnh tranh là hết sức cần thiết. Thời gian qua, huyện đã và đang tích cực chỉ đạo các xã có tiềm năng thực hiện trồng cây gỗ lớn và chuyển đổi diện tích rừng trồng cây gỗ nhỏ sang sang lớn. Đến nay, toàn huyện đã trồng, chuyển đổi được gần 200ha”.

Tại huyện Như Thanh, việc trồng và chuyển đổi sang cây gỗ lớn đã thu được những kết quả rất đáng ghi nhận. Đến nay, huyện đã trồng được gần 1.200ha rừng gỗ lớn và trong năm 2019, phấn đấu trồng thêm 500ha. Để đạt được kết quả này, địa phương đã quy hoạch các vùng có tiềm năng, chỉ đạo các xã vận động các gia đình có diện tích đất lâm nghiệp chuyển sang trồng cây gỗ lớn. Bên cạnh đó, huyện cũng tích cực phối hợp với các địa phương chuyển đất nghèo kiệt sang trồng cây gỗ lớn.

Theo các chuyên gia nông, lâm nghiệp, lợi nhuận từ rừng gỗ lớn cao hơn nhiều so với rừng gỗ nhỏ. Đơn cử như đối với cây trồng phổ biến hiện nay là cây keo, với chu kỳ khai thác đến năm thứ 6 thì giá trị chỉ đạt khoảng 80-90 triệu đồng/ha. Trong khi đó, nếu để 10-14 năm mới khai thác, đường kính cây trung bình đạt trên 18cm sẽ bán theo giá gỗ xẻ, gỗ chế biến, cộng với tỉa thưa cây hàng năm, giá trị nâng lên khoảng 250 triệu đồng/ha. Lợi ích của trồng rừng gỗ lớn không chỉ là giá trị kinh tế cao, mà còn góp phần quan trọng để tăng khả năng giữ nước, giảm xói mòn, rửa trôi đất, rừng có khả năng sinh thủy đảm bảo mực nước an toàn cho các hồ, đập và góp phần bảo vệ môi trường.

Trong thời gian qua, để phát huy tiềm năng thế mạnh của địa phương trong phát triển kinh tế lâm nghiệp, Thanh Hóa đã thiết lập vùng kinh doanh gỗ lớn tập trung đến năm 2020 với quy mô 55.932ha, gắn với các nhà máy chế biến lâm sản nhằm nâng cao sản lượng và giá trị rừng trên một đơn vị diện tích; tạo đột phá trong phát triển lâm nghiệp cả về năng suất, sản lượng, chất lượng, hiệu quả kinh tế, góp phần quan trọng trong công cuộc xóa nghèo nhanh và bền vững tại các huyện miền núi như Như Thanh, Thạch Thành, Như Xuân, Cẩm Thủy...

Tuy nhiên, để dự án trồng cây gỗ lớn thực hiện có hiệu quả, rất cần các cơ chế chính sách của tỉnh Thanh Hóa để khuyến khích các hộ dân tham gia. Bên cạnh đó, bản thân người trồng rừng cũng cần có sự linh hoạt trong sản xuất để tạo thu nhập cho gia đình mình ngay trên diện tích rừng trồng cây gỗ lớn.

Xuân Anh

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/ky-vong-trong-cay-go-lon-de-xoa-ngheo-ben-vung/