Kỳ 3: Những cuộc đời lừng lẫy trên lưng voi

SGTT - Bản Đôn (theo cách gọi của người Lào) nằm cách thành phố Buôn Ma Thuột 40km. Người M’nông, Ê Đê gọi là Buôn Đôn, có nghĩa làng Đảo, nay thuộc xã Krông ANa huyện Buôn Đôn. Tên gọi này xuất hiện thời sơ khai, người đi lập làng sinh sống trên những hòn đảo nhỏ nằm giữa sông Serepôk khu vực buôn Ndrếch xã Ea Huar ngày nay.

SEREPÔK – DÒNG SÔNG HOANG DÃ Mộ huyền thoại vua săn voi Y Thu K’nul (hình vuông) bên cạnh mộ dũng sĩ săn voi R’leo K’nul (hình chóp) tại nghĩa địa dũng sĩ săn voi ở buôn Yang Lành (Bản Đôn). Năm 1904, đơn vị hành chính Dăk Lăk ra đời lập thủ phủ ở Buôn Ma Thuột thay cho Bản Đôn. Trong quá khứ, thủ phủ Bản Đôn nằm bên bờ sông Serepôk sầm uất không kém gì Hội An, Phố Hiến hay Cù Lao Phố ở miền xuôi. Ngoài nghề săn bắt voi rừng nổi tiếng Đông Dương với vị vua săn voi Y Thu K’nul, Bản Đôn một thời là chợ voi tập hợp thương nhân mua bán voi đã thuần dưỡng và ngà voi các nước Lào, Miên, Xiêm La… Vinh danh trên bia mộ Thời đại của vị tù trưởng tài ba Y Thu K’nul từng được vua Xiêm phong tặng tước hiệu khunsanop. Họ ngồi lừng lững trên lưng voi đi vào rừng hàng tuần, hàng tháng trời sau đó trở về với năm, bảy con voi con bắt được. Họ tiến vào làng trong tiếng tù và vang lừng trước ánh mắt ngưỡng mộ của các cô gái cùng dân làng. Đây là hình ảnh tráng lệ của vua săn voi được nhà báo Pháp H. Le Grauclaude mô tả vào năm 1933: “Cả xứ Dăk Lăk, các quản tượng được lệnh của lão ta đều lục tục cho voi lên đường. Người ta đưa voi đến rất nhiều, đến nỗi lối vào Buôn Ma Thuột có tới một trăm sáu mươi hai con voi đứng sắp hàng để nghênh giá, tiếng voi rống thay cho tiếng kèn đồng. Kẻ viết bài này từng đi du lịch khắp Ấn Độ, mà chưa từng thấy có nhiều voi cùng một lúc như thế bao giờ. Trên bãi đất, Khundjunnob trông giống như một vị đế vương Ấn Độ…” Theo dòng Serepôk hùng vĩ, chúng tôi đến Bản Đôn một buổi chiều mưa. Khu nghĩa địa dành cho các gru (dũng sĩ săn voi) trong khu rừng ma tại buôn Yang Lành cây cỏ phủ um tùm. Những ngôi nhà mồ hoang lạnh lu lấp trong cỏ dại. Mộ khunsanop Y Thu K’nul một khối hình vuông bí hiểm bên cạnh mộ của R’leo K’nul hình chóp kiểu kiến trúc Campuchia, đươc kể lại là do Bảo Đại xây để trả ơn việc xây dựng đội tượng binh cũng như con voi trắng tặng nhà vua. Nơi an nghỉ của hai cuộc đời hoành tráng nhất không có một dòng chữ nào trên bia. Chiến tích lừng lẫy một thời của các gru chỉ còn lại ở đây, trên những tấm bia của các gru đời sau. “Y Wớt K’nul sinh năm 1915, mất năm 1995. Bắt thuần dưỡng 38 con voi rừng. Săn thú rừng, đi ngựa đâm 32 con bò rừng, 18 con min”. Một ngôi mộ gru vô danh khác chỉ ghi: “Khai hoang 5ha ruộng, đâm 36 con bò rừng và min, thuần dưỡng 28 con voi”… Quá khứ ngoài cửa sổ nhà sàn Dũng sĩ săn voi Y Prông Êban (Ama Kông). Buổi hoàng hôn của nghề săn bắt voi rừng độc nhất vô nhị ở Bản Đôn khép lại với hình ảnh huyền thoại cuối cùng Y Prông Êban (thường gọi là Ama Kông) nằm liệt trong buồng ngôi nhà sàn cổ của khunsanop Y Thu K’nul. Nửa năm trước, Ama Kông bị bà vợ thứ tư say rượu chém vào bàn tay, ông về sống với con gái của vợ thứ hai trong ngôi nhà sàn cổ gần cầu treo ở buôn Trí A. Chúng tôi phải năn nỉ, người con gái mới cho dìu ông từ buồng ngủ ra ngoài sàn nhà, nơi có treo tấm da voi dùng cho các gru trưởng thành ngủ trong rừng lúc đi săn. Năm nay 95 tuổi, sức khỏe của huyền thoại sống trong nghề săn bắt voi rừng ở Bản Đôn đã giảm sút hẳn nhưng dấu vết của thời vàng son vẫn còn lưu lại trên thân thể tráng kiện của con người này. Nghe hỏi chuyện săn voi, khuôn mặt u buồn của Ama Kông chợt linh hoạt hẳn lên. “Ồ! Campuchia họ còn mời bố qua đó bắt voi!” – sự tự hào không giấu được trong lời nói của ông. Nhưng tất cả chỉ là quá khứ. Chuyến đi săn voi cuối cùng trong đời vị gru nổi tiếng nhất còn sống diễn ra vào năm 1996. Một số bản làng ở Campuchia mời Ama Kông sang đó bắt voi. Chuyến đi này ông bắt được bảy con, nâng số voi được bắt trong đời người dũng sĩ này lên 297 con. Vua săn voi Y Thu K’nul có hai vợ nhưng không có con. Ông nhận cháu nuôi Y Prông Êban vào truyền nghề từ nhỏ. Y Prông Êban là người duy nhất trong số các gru cùng thời đại có được thiên chất chỉ huy săn bắt voi rừng. Các gru còn sống cũng phải thừa nhận rằng, phải có một yếu tố mơ hồ nào đó, tựa như uy dũng thiên bẩm và tố chất thông minh cộng với kinh nghiệm về rừng thì một gru mới trở thành chỉ huy giỏi. Năm 1943 Ama Kông cũng đã từng đi săn voi với vị vua thích voi nhất triều Nguyễn là Bảo Đại. Những năm cuối đời, ông sống nhờ vào bài thuốc “tráng dương” do ông tự tìm tòi pha chế từ cây rừng. Lúc chia tay với huyền thoại sống này, ông nhờ chúng tôi dìu ra cửa sổ nhà sàn ngồi ngó về phía rừng Yok Đôn. “Nhớ! Nhớ lắm! “ – đôi mắt u buồn của ông chợt sa xuống ngậm ngùi. Vua săn voi Y Thu K’nul Tên tuổi của Y Thu K’nul lừng danh khắp Đông Dương, gắn liền với nghề săn bắt voi rừng có một không hai ở Việt Nam. Y Thu là người M’nông sinh năm 1828, mất năm 1938, là người lập nên làng đảo Bản Đôn, cùng với các tù trưởng Ama Jhao, N’Trang Gưh tập họp dân làng Rhade’, M’nông chống lại người Pháp khi họ đổ quân lên cao nguyên vào năm 1893. Sau khi Ama Jhao và N’Trang Gưh bị giết, Y Thu đầu hàng và đi theo người Pháp. Trong cuộc đời săn voi của mình, Y Thu đã bắt được gần 400 con voi rừng, trong đó có hai con voi trắng. Những gru còn sống ở Bản Đôn ngày nay chỉ còn đếm trên đầu ngón tay. Y Nhang, Ma Năng, Ma Luliêng, Ma Deh trở lại nghề rừng nghề rẫy, Y Phoi Niê (Ma Bích) chuyển sang nghề lái voi. Ma Bích sang Kon Tum, Gia Lai, Dăk Nông lùng ở các bản làng, mua voi nhà về bán lại cho các khu du lịch ở Bản Đôn. Ma Bích là con rể của Ama Kông. Năm 1964 Ma Bích theo Ama Kông làm thợ phụ. Đó là quãng thời gian khổ nhất trong đời một gru. Gru phụ không được hút thuốc lá trên lưng voi, không được mặc áo, ăn cá lăng và cá da trơn… cho tới khi bắt được năm con voi. Gru 30 (bắt được 30 con voi) mới được ngủ trên tấm da trâu hoặc da voi mang theo làm chiếu và ngủ mùng… Ma Bích nói: “Tôi chưa từng được hưởng vinh dự dành cho gru chính thì nghề săn voi kết thúc”. Ngày 17.11.2006, quá nhớ nghề, Ma Bích liều mình tổ chức vào rừng Ea Súp săn voi và bắt được con Khăm Bun, bây giờ thuộc Liên đoàn xiếc Việt Nam. Trong buổi chiều mưa cuối cùng ở Bản Đôn, chúng tôi cũng chứng kiến cảnh Ma Bích ngồi nhìn qua cửa sổ nhà sàn y hệt dũng sĩ Ama Kông. Vị gru này kể với chúng tôi: “Các anh có biết không? Chỉ cần vào rừng nhìn thấy dấu chân voi là xúc động không tả nổi. Nghe ai đó hô “aban nhét, aban nhét” trước bữa cơm là muốn chảy nước mắt!”. Aban nhét là câu thần chú của các gru sau mỗi bữa cơm trong chuyến đi săn. Họ co chân phải lên nhảy vòng quanh hô nhiều lần “aban nhét” rồi mới được uống nước! bài và ảnh Nguyên Minh Sơn Kỳ sau: Xứ sở bò tót Ea Sô

Nguồn SGTT: http://www.sgtt.com.vn/detail24.aspx?columnid=24&fld=htmg/2009/1018/58297&newsid=58297