Kỳ 2: Sự 'tiến hóa' của CEO trong công ty khởi nghiệp

Ở từng giai đoạn phát triển của doanh nghiệp, vai trò của giám đốc sáng lập cũng khác nhau. Có thể gọi đó là sự 'tiến hóa' của CEO trong các công ty khởi nghiệp.

Từ thấp đến cao

- Ở bước khởi sự: Trong giai đoạn này thì sự phát triển của một startup gắn liền với giám đốc sáng lập, người thường nằm ở vị trí trung tâm trong các quyết định, quyết sách và là sự kết tinh, tổng hợp tất cả các mảnh ghép của mô hình kinh doanh. Vị giám đốc này có thể hành động như một nhà độc tài theo cảm hứng nhất thời, tùy cơ ứng biến, điều hành doanh nghiệp mà chưa cần đến sức mạnh riêng có trong tương quan so sánh với ngành kinh doanh, cũng chưa cần một quy trình và cơ cấu tổ chức rõ ràng mạch lạc. Người đứng đầu này thường dựa vào trực cảm cá nhân để nhận thức về ngành/thị trường cũng như những kỳ vọng và cơ hội cho công ty. Hoạt động điều hành và các quyết định trong công ty thường linh hoạt, dễ thay đổi tùy theo giám đốc sáng lập nhận thấy sức ảnh hưởng từ bên ngoài lên công ty của mình như thế nào.

- Ở bước trung gian: Những dấu hiệu phát triển đầu tiên sẽ đòi hỏi một nhu cầu đoàn kết hòa hợp, điều phối và tổ chức chặt chẽ trong tổ chức vì các liên kết ngang giữa các chức năng hoạt động của công ty đã tăng lên. Các quy trình cũng như các tiêu chuẩn đo lường đánh giá hoạt động cũng cần được thiết lập. Ở thời điểm nhạy cảm này, vị giám đốc sáng lập cần phải cực kỳ cầu thị, khiêm cung để có thể tự hỏi và trả lời liệu mình có còn đủ tốt để lèo lái con tàu không, hay nên chuyển cho một người khác có bản lĩnh và kinh nghiệm hơn. Thông thường trong giai đoạn này ban quản trị hay tỏ thái độ rằng không phải tất cả mọi chuyện đều đang tốt đẹp và sẽ đặt vấn đề với vị giám đốc sáng lập về những thay đổi phải thực hiện đối với các hoạt động điều hành hoặc với những nhân sự chủ chốt của công ty. Nguyên nhân các vấn đề, những tồn tại của doanh nghiệp dường như bị ngầm quy cho chính giám đốc sáng lập.

- Ở bước trưởng thành vượt thoát: Khi công ty phát triển thì sản phẩm của nó sẽ dần mạnh lên, công nghệ cũng phát triển, doanh số tăng và bước tiếp theo của kế hoạch sẽ bắt đầu với sự tăng trưởng và mở rộng sang những dòng sản phẩm hoặc dịch vụ mới. Những điều này báo hiệu công ty đang sẵn sàng bước sang giai đoạn phát triển mới hoặc phá vỡ khuôn khổ hiện tại. Hơn lúc nào hết, lúc này công ty cần một giám đốc điều hành (CEO) phù hợp để tăng tốc với nguồn vốn đã có tổ chức hơn. Những quyết định về thuê mướn nguồn nhân lực cho công ty trong giai đoạn này cũng quan trọng không kém. Hoặc nói một cách đơn giản là đã tới lúc những người sáng lập nên để một công ty khác có tầm vóc và đẳng cấp hơn mua lại nhằm khai thác hiệu quả hơn những tiềm năng, cơ hội do công ty mình đã tạo ra.

Ở mọi giai đoạn trong quá trình phát triển của công ty startup, giám đốc sáng lập đều cần phải tự đặt ra những câu hỏi thẳng thắn để quyết định điều gì là tốt nhất cho công ty. Ban lãnh đạo phải giúp giám đốc nhìn ra quyết định tối ưu là những quyết định mang lại lợi ích cho mọi cổ đông chứ không chỉ là những nhà đầu tư chính, nhà quản lý lớn, càng không phải để thỏa mãn lòng tự tôn hoặc lối sống của cá nhân người sáng lập.

Người giám đốc sáng lập cần phải dũng cảm đánh giá bản thân một cách lý trí và thận trọng để quyết định xem mình có đúng là ứng viên thích hợp nhất để dẫn dắt công ty sang một giai đoạn mới hay không. Nếu các bằng chứng và dấu hiệu cho thấy công ty cần một CEO mới thì người giám đốc sáng lập phải quyết định mình sẽ giữ mối quan hệ ra sao với chính công ty startup của mình: đảm nhận một cương vị khác trong công ty hoặc nếu muốn ra đi thì phải mạnh dạn và cởi mở thảo luận về các điều khoản liên quan với ban quản trị công ty.

Tìm một CEO phù hợp

Trước hết, vị giám đốc sáng lập phải cộng tác chặt chẽ với ban quản trị công ty để tìm ra CEO thích hợp thay thế mình lãnh đạo doanh nghiệp.

CEO mới phù hợp phải là người có kinh nghiệm quản lý và lèo lái công ty đạt được những mục tiêu chiến lược mà giám đốc sáng lập và ban quản trị công ty đề ra. Mục đích của việc bổ nhiệm CEO mới là để bù đắp những khoảng trống về kỹ năng và kinh nghiệm của đội ngũ điều hành hiện tại nhằm đưa công ty sang một giai đoạn phát triển mới.

Chọn CEO phải dựa vào bản lĩnh lãnh đạo, các kỹ năng phối hợp nhân sự và có năng khiếu tạo văn hóa hợp tác trong công việc. CEO mới phải đóng vai trò cầu nối trong việc thiết kế một “hệ sinh thái” cho công ty. Một CEO lý tưởng sẽ phải đối diện với những cán bộ cấp chiến lược và thực hiện những chỉnh lý về chiến thuật để dựng lên những thử thách làm đòn bẩy cho startup mạnh hơn và có sự phát triển bền vững. Thuê được một CEO có khả năng làm tăng giá trị cho công ty thông qua việc đánh giá cấp độ trưởng thành, thành tích đạt được trong thực tế là yếu tố quan trọng bảo đảm lợi nhuận cho công ty startup.

Chọn CEO là một việc quan trọng, thú vị nhưng cũng đầy rủi ro. Thực tế đáng buồn là tỷ lệ thất bại của các vị CEO mới cũng ngang bằng với tỷ lệ thành công, tuy nhiên xin đừng vì điều này mà các vị giám đốc sáng lập trở nên e dè và dính vào ghế chặt hơn thay vì đi thuê CEO chuyên nghiệp.

(Kỳ 3: Chuyển giao để tiến hóa)

5 yếu tố cơ bản của CEO

Dù các công ty startup khác nhau về nhiều điểm nhưng một CEO chuyên nghiệp thì luôn hội đủ năm yếu tố cơ bản dưới đây.

- Có tầm nhìn: CEO phải có khả năng hoạch định thành công để chiếm lĩnh được giá trị thị trường cao hơn so với sản phẩm của các đối thủ hiện tại.

- Nhanh nhạy với thay đổi thực tế của thị trường: CEO cần liên tục cập nhật thông tin về các khuynh hướng kinh tế và thị trường và đủ linh hoạt để phản ứng kịp thời với những thay đổi này.

- Xây dựng được đội ngũ cam kết mạnh với tầm nhìn của mình: Trách nhiệm của CEO là bảo đảm được đội ngũ có đủ kinh nghiệm cần thiết để cùng đóng góp vào việc thực hiện tầm nhìn của công ty.

- Có hiểu biết về tài chính: Điều quan trọng là CEO phải có sự sắc sảo về tài chính, hiểu rõ về việc kinh doanh của doanh nghiệp để bảo đảm cho doanh nghiệp luôn sinh lời qua những giai đoạn làm ăn trồi sụt.

- Có khả năng kêu gọi vốn: CEO thành công là người có thể bán ý tưởng của công ty startup một cách hiệu quả và đầy cảm xúc cho những nhà đầu tư tiềm năng và gọi đủ vốn để đưa doanh nghiệp vào con đường hiện thực hóa ý tưởng.

Tạ Túc

Nguồn Saigon Times: http://www.thesaigontimes.vn/265969/ky-2-su-tien-hoa-cua-ceo-trong-cong-ty-khoi-nghiep.html