Kỳ 1: Những 'lá chắn thép' tiêu biểu nơi vùng biên

Các chốt DQTT biên giới phối hợp với các lực lượng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; phòng, chống các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật…

Trung tướng Nguyễn Trường Thắng- Tư lệnh Quân khu 7 thăm, tặng quà cán bộ, chiến sĩ chốt Bàu Sen (huyện Tân Châu).

Xây dựng chốt dân quân biên giới trên địa bàn tỉnh Tây Ninh là chủ trương đúng đắn, tạo nên “bức tường thép”, chỗ dựa tin cậy của cấp ủy, chính quyền và nhân dân địa phương, góp phần xây dựng khu vực phòng thủ tỉnh ngày càng vững chắc, đáp ứng yêu cầu xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới.

Tây Ninh có đường biên giới dài, nhiều đoạn thưa dân hoặc không có dân sinh sống, sản xuất. Từ nhiều năm qua, tỉnh đã vận động nhân dân định canh, định cư và hình thành 28 cụm dân cư với hơn 32.000 người sinh sống. Bộ CHQS tỉnh cũng đã xây dựng, thành lập 32 chốt chiến đấu dân quân thường trực (DQTT) trên tuyến biên giới.

Hầu hết các chốt đều xa khu vực dân cư, điều kiện ăn ở, sinh hoạt và sẵn sàng chiến đấu còn gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên được sự quan tâm chỉ đạo của Ban CHQS huyện, thị xã biên giới, cùng sự phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đơn vị liên quan, các chốt DQTT trên tuyến biên giới được đầu tư xây dựng và trang bị đầy đủ cơ sở vật chất. Từ đó, góp phần nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu và điều kiện sinh hoạt cho dân quân thường trực các chốt biên giới an tâm công tác.

Các chốt DQTT biên giới phối hợp với các lực lượng kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép; phòng, chống các hành vi lợi dụng dịch bệnh để vi phạm pháp luật… góp phần cùng Quân khu và các tỉnh ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh, từng bước phục hồi, phát triển kinh tế, ổn định đời sống nhân dân.

Trong đó, tiêu biểu là chốt DQTT ấp Tân Cường (còn gọi là chốt Bàu Sen, thuộc xã Tân Hà, huyện Tân Châu) và chốt DQTT ấp Hòa Lợi (còn gọi là chốt Cây Me, thuộc xã Hòa Hiệp, huyện Tân Biên). Đây là hai chốt dân quân vừa đoạt giải cao tại Hội thi chốt chiến đấu dân quân thường trực biên giới đất liền năm 2023 do Quân khu 7 tổ chức.

Để đạt được kết quả cao tại hội thi, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo Ban CHQS các huyện, thị xã biên giới tham mưu cho UBND cùng cấp xây dựng kế hoạch thực hiện đồng thời phối hợp chặt chẽ các ban, ngành, các tổ chức chính trị xã hội và cơ quan tổ chức triển khai xây dựng các công trình chiến đấu, công trình phổ thông, trang bị đầy đủ cơ sở vật chất cho các chốt chiến đấu DQTT để các cơ quan, đơn vị, địa phương tổ chức thực hiện theo chức năng, nhiệm vụ. Trong đó, Đảng ủy, Bộ CHQS tỉnh xác định chọn huyện Tân Châu, Tân Biên xây dựng mô hình điểm toàn diện về tổ chức lực lượng, huấn luyện và hoạt động của chốt chiến đấu DQTT.

Trung tá Nguyễn Thanh Bạo- Phó Chỉ huy trưởng Ban CHQS huyện Tân Châu cho biết, bên cạnh sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Huyện ủy, UBND huyện, Ban CHQS huyện tập trung thực hiện công tác xây dựng chốt cũng như nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ dân quân thường trực trên chốt.

Chuẩn bị cho hội thi, cơ quan quân sự huyện tổ chức tập huấn, huấn luyện, giáo dục chính trị theo phân cấp cho các đối tượng, luyện tập và phối hợp các đồn, trạm biên phòng luyện tập các phương án sẵn sàng chiến đấu bảo vệ biên giới; doanh trại được sơn mới, phòng họp, phòng nghỉ, phòng ăn của chiến sĩ được xây dựng căn cơ, sắp xếp gọn gàng, ngăn nắp, khoa học. Riêng hệ thống biển bảng được bố trí ngay hàng, thẳng lối tạo sự nền nếp, chính quy của chốt dân quân thường trực nơi biên giới.

Hệ thống biển bảng được bố trí ngay hàng, thẳng lối tạo sự nền nếp, chính quy tại chốt DQTT biên giới.

Bên cạnh việc tập trung đầu tư cơ sở vật chất, hạ tầng, công trình chiến đấu, chốt đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức chức trách, nhiệm vụ và ý thức chấp hành kỷ luật của lực lượng DQTT. Năm 2022, chốt Bàu Sen là đơn vị điển hình trong phong trào Thi đua quyết thắng của lực lượng vũ trang huyện. 100% cán bộ, chiến sĩ an tâm tư tưởng bước vào thực hiện tốt nhiệm vụ huấn luyện, tuần tra canh gác, sẵn sàng chiến đấu và công tác dân vận giúp dân, gắn kết với chốt và nhân dân xã giáp ranh của nước bạn Campuchia.

Anh Kim Ngọc An- Chỉ huy trưởng chốt Bàu Sen chia sẻ: “Xác định Hội thi chốt chiến đấu DQTT biên giới đất liền là một trong những nhiệm vụ trọng tâm, cán bộ, chiến sĩ ra sức học tập, rèn luyện, xây dựng cảnh quan doanh trại, đặc biệt đẩy mạnh tăng gia sản xuất tập trung, tuy mùa khô, nhưng khu tăng gia tập trung của chốt xanh tốt nhiều chủng loại cây ăn quả như mít, chuối, các loại rau củ quả…”.

Hiện nay, chốt Bàu Sen chăn nuôi được 12 con bò, 50 con dê, 200 con gà... đưa vào ăn thêm cho cán bộ, chiến sĩ 6.000 đồng/người/ngày, mỗi dân quân khi hoàn thành nhiệm vụ trở về địa phương sẽ được chốt tặng 1 con bò làm vốn ổn định cuộc sống.

“Dù vất vả nhưng anh em trên chốt luôn được sự ủng hộ giúp đỡ của Ban CHQS huyện, luôn quyết tâm cùng nhau chuẩn bị tốt để tham gia hội thi. Ngoài xây dựng cảnh quan, chúng tôi ôn luyện kiến thức, tăng cường huấn luyện. Bên cạnh trách nhiệm, hội thi cũng là dịp để chúng tôi học tập, nâng cao khả năng SSCĐ, thực hiện tốt nhiệm vụ của người dân quân góp phần giữ vững đường biên giới để bà con an tâm sản xuất, phát triển kinh tế.

Song song đó, chúng tôi chủ động khắc phục khó khăn hoàn thành tốt nhiệm vụ thường xuyên của chốt, góp phần cùng các lực lượng giữ gìn an ninh trật tự, an toàn xã hội trên địa bàn biên giới” - anh Kim Ngọc An cho biết thêm.

Huỳnh Ngoan - Phạm Hà (còn tiếp)

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/ky-1-nhung-la-chan-thep-tieu-bieu-noi-vung-bien-a163720.html