Kosovo: Tan nát ván cờ Mỹ-phương Tây

Tác động tiêu cực từ chuyển động chính trị ở Kosovo cho thấy, hơn 20 năm sau khi 'gieo ký ức buồn' cho Nga, Mỹ-phương đang nhận lại hậu quả...

Cuối cùng những chiêu trò của ở Pristine, chủ yếu là những cựu binh Quân đội Giải phóng Kosovo nhằm dẹp bỏ Phòng Chuyên gia Kosovo - Định chế pháp lý xét xử tội ác chiến tranh ở Kosovo - đã thất bại khi Tổng thống Hashim Thaci phải từ chức.

"Ngày 5/11, cựu lãnh đạo chính trị KLA Hashim Thaci từ chức tổng thống Kosovo trước khi bay đến The Hague để đối mặt với cáo buộc phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người", theo Balkan Insight.

Các gia đình nạn nhân của cuộc xung đột ở Kosovo cho biết họ hy vọng rằng phiên tòa xét xử tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người đối với Hashim Thaci và các đồng phạm cuối cùng sẽ đưa ra công lý mà họ đã chờ đợi suốt từ năm 1999.

Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Kosmet, Natasa Scepanovic, cho hay: “Mặc dù đến nay vẫn chưa có công lý cho các nạn nhân, nhưng trong sâu thẳm tâm hồn, chúng tôi tin rằng công lý diễn ra chậm nhưng có thể đạt được".

Tổng thống Kosovo Hashim Thaci phải ra tòa, làm tan nát ván cờ của Mỹ-phương Tây

Bà Scepanovic, khẳng định: "Chúng tôi sẽ không từ bỏ tranh đấu cho đến khi những kẻ chịu trách nhiệm về các vi phạm nhân quyền nghiêm trọng dưới mọi hình thức ở Kosovo phải bị trừng phạt, trong số đó quan trọng nhất là các thành viên của KLA".

Như vậy, sau hơn 20 năm cho bom đạn cày xới Nam Tư, sắp đặt một bàn cờ chính trị tại Kosovo, Mỹ-NATO đã phải sửa lại kịch bản. Chưa biết việc này có mang lại công lý cho các nạn nhân hay không, nhưng rõ ràng đây là thất bại của Mỹ-NATO.

Thứ nhất, chiêu trò chính trị hóa tội phạm của Washington và các đồng minh trong việc sắp đặt bàn cờ chính trị cho Kosovo đã thất bại, khi những kẻ phạm tội không thể tiếp tục làm chính trị theo kịch bản của Mỹ-phương Tây.

Xin nhắc lại, ngày 24/6, Phòng Chuyên gia Kosovo công bố bản cáo trạng buộc tội Tổng thống Thaci, chính trị gia cấp cao của Kosovo Kadri Veseli và nhiều cựu binh khác của KLA về phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người.

Trong bản cáo trạng của Cơ quan Công tố đặc biệt Kosovo đối với Hashim Thaci, Kadri Veseli, Rexhep Selimi và Jakup Krasniqi, cựu thủ lĩnh KLA và các đồng phạm bị cáo buộc đã phạm tội rất nghiêm trọng, chiếu theo luật pháp quốc tế.

Cụ thể, năm 1998-1999, KLA phạm tội tra tấn và giết người ở Orahovac/Rehovec, ở Pristina, Gnjilane/Gjilan, Novo Brdo/Novoberde, Malisevo/Malisheve và các trại giam ở Jablanica/Jabllanice, Lapusnik/Llapushnik, Drenovacushnik/Drenoc, Prizren.

Theo bà Natasa Scepanovic, Chủ tịch Hiệp hội Nạn nhân Kosmet, “dù thời gian đã trôi qua lâu, nhưng những bằng chứng hợp lệ đã được thu thập và những nhân chứng phù hợp" đã chứng minh cho những sự thật về tội ác không thể chối cãi của KLA.

Như vậy, KLA chẳng khác nào một tổ chức tội phạm, những thành viên KLA là các phần tử phạm tội ác chống lại loài người, ngay trước khi bom đạn của NATO được ném xuống Nam Tư cũ.

Khi NATO ném bom xuống quê hương thì họ“chiến đấu cùng với anh hùng dân tộc - người sáng lập KLA, Adem Jashari và kết thúc với Tư lệnh tối cao NATO Wesley Clark", như lời cựu thành viên KLA Rexhep Selimi. Họ phạm tội ác chiến tranh.

Thế nhưng nhờ bom đạn của Mỹ-NATO, nhờ truyền thông của Mỹ-phương Tây và nhờ kịch bản của các tác giả "xóa độc tài-gieo dân chủ" cho Nam Tư cũ, những kẻ tội phạm đã trở thành những quân cờ trong ván cờ chính trị Kosovo.

Rõ ràng, hơn 20 năm qua, kể từ khi Liên bang Nam Tư tan rã, Mỹ-NATO đã thực hiện chiêu trò chính trị hóa tội phạm ở Kosovo. Điều đó cho thấy, chính Washington và các đồng minh đã che giấu tội phạm cho KLA.

Tuy nhiên, không may cho Mỹ và các đồng minh là ván cờ Kosovo không thể khép lại, bàn cờ chính trị Kosovo không thể hoàn tất, mà chiêu trò chính trị hóa tội phạm của Mỹ-phương Tây là một trong những nguyên do quan trọng nhất.

Trong tình thế không còn lựa chọn nào khác để có thể khép lại ván cờ Kosovo, các tác giả buộc phải sửa kịch bản, mà việc thành lập Phòng chuyên gia Kosovo để đưa các phần tử KLA phạm tội ác ra ánh sáng là một bước ngoặt.

Washington đã không thành công trong việc chính trị hóa tội phạm Juan Guaido

Cay đắng hơn là sau sự kiện này, Mỹ-phương Tây đã không thể thực hiện tiếp chiêu trò của mình, mà chuyện Washington và các đồng minh phải bó tay trước Tổng thống Putin trong việc làm sống lại "xác chết chính trị" Alexey Navalny đã thể hiện điều đó.

Hay việc Washington phải sửa sai trong ván cờ Venezuela, khi phải tìm cách thay đổi vị thế của Juan Guaido - một kẻ bị chính quyền Caracas kết tội - cũng là minh chứng cho thất bại của Mỹ-phương Tây trong chiêu trò chính trị hóa tội phạm.

Thứ hai, chiêu trò tội phạm hóa chính trị bằng cách dùng sức mạnh của bom đạn và quyền lực cùng truyền thông để biến các thực thể chính trị đối nghịch thành tội phạm, rồi từ đó thực hiện việc nhổ bỏ tận gốc, cũng không tránh khỏi thất bại.

Khi can thiệp vào Nam Tư, Mỹ-NATO thực hiện 2 chiêu trò trái ngược nhau. Nếu sắp đặt bàn cờ chính trị Kosovo, chiêu trò chính trị hóa tội phạm được áp dụng, thì khi xóa bỏ bàn cờ chính trị Nam Tư, chiêu trò tội phạm hóa chính trị được thực thi.

NATO ném bom Nam Tư xuất phát từ việc Mỹ-phương Tây cáo buộc Tổng thống Slobodan Milosevic và các cộng sự là tập đoàn tội phạm - những ngưởi bị cho là "chỉ mang lại cái ác cho đất nước, như giết người, sỉ nhục và thanh lọc sắc tộc”.

Trong bối cảnh đánh giá về tình hình Nam Tư những năm cuối thế kỷ 20 vẫn còn rất nhiều tranh cãi, thì NATO đã ném bom xuống đất nước này. Hành động đó đã xâm phạm chủ quyền quốc gia, xâm hại lợi ích dân tộc của Nam Tư.

Không khó giải thích việc Mỹ-NATO bỏ qua Liên Hợp Quốc, ném bom xuống Nam Tư là xuất phát từ việc muốn nhổ gai Slobodan Milosevic và tội phạm hóa chính trị là chiêu thức đã được Washington và các đồng minh áp dụng trong trường hợp này.

Và việc cho thành lập Tòa án Hình sự Quốc tế về Nam Tư cũ để xét xử Tổng thống Slobodan Milosevic cùng các cộng sự không thể có giải thích nào hợp lý hơn là Mỹ-phương Tây muốn nhổ tận gốc nhằm tránh mầm họa cho ván cờ của mình.

Tuy nhiên, khi cựu thủ lĩnh KLA và các cộng sự bị truy tố phạm tội ác chiến tranh và tội ác chống lại loài người, thì không những chiêu trò chính trị hóa tội phạm thất bại, mà chiêu trò tội phạm hóa chính trị cũng không còn đắc dụng.

Có thể cố Tổng thống Slobodan Milosevic cùng các cộng sự không được xóa án, nhưng những sự kiện tương tự sẽ khó lặp lại trong đời sống chính trị thế giới. Điều đó thể hiện rõ qua thất bại của Mỹ ở các ván cờ Syria, Venezuela, Bolivia hay Belarus...

Mỹ-phương Tây đã tìm cách biến Tổng thống Syria Bashar Al-Assad, Tổng thống Venezuela Nicolas Maduro, cựu Tổng thống Bolivia Evo Morales hay Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko thành tội phạm hay gắn liền với hành vi phạm tội.

Song tất cả những ván cờ chính trị tại các quốc gia này đã không diễn ra theo ý đồ của Washington và các đồng minh, khi Mỹ và các đồng minh chỉ được đóng vai phụ diễn hay phải chấp nhận lấp ló bên cánh gà.

Nếu như tại Syria hay Belarus, Washington và đồng minh thất bại vì gặp phải "bàn tay sắt" của Tổng thống Putin, thì tại Venezuela hay Bolivia, chiêu trò tội phạm hóa chính trị không thể thực hiện được lại có lý do từ ngay đồng minh của Mỹ.

Việc Thổ Nhĩ Kỳ "làm đôi bạn cùng tiến" với chính quyền của Tổng thống Venezuela Nicolas Maruro hay Mexico bảo đảm sinh mệnh chính trị cho cựu Tổng thống Tổng thống Bolivia Evo Morales, chứng tỏ Mỹ không muốn bày trò gì cũng được.

Có thể thấy, nếu việc tạo điều kiện cho ra đời Cộng hòa Kosovo trái nguyên lý trở thành tiền lệ pháp nguy hiểm với nền dân chủ truyền thống phương Tây, thì việc thực hiện chiêu trò bẩn trong các nước cờ chính trị đã đưa Mỹ và đồng minh vào thế kẹt.

Với tác động tiêu cực từ chuyển động chính trị ở Kosovo cho thấy, hơn 20 năm sau khi "gieo ký ức buồn" cho Nga, giờ đây Mỹ-phương Tây đang phải chứng kiến một ván cờ tan nát và hiệu ứng của nó còn tệ hại hơn gấp nhiều lần "ký ức buồn" của Nga.

Ngọc Việt

Nguồn Đất Việt: http://baodatviet.vn/the-gioi/quan-he-quoc-te/kosovo-tan-nat-van-co-my-phuong-tay-3424223/