Kinh tế cửa khẩu - đòn bẩy quan trọng để phát triển kinh tế Quảng Ninh

Năm 2021, Quảng Ninh tiếp tục phát huy hiệu quả lợi thế tự nhiên, đưa kinh tế cửa khẩu thành đòn bẩy quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Người và phương tiện vận chuyển hàng hóa tại cửa khẩu Hoành Mô được kiểm soát, phòng dịch Covid-19 chặt chẽ. (Nguồn: BQN)

Với những nỗ lực trong triển khai nhiệm vụ của các ngành liên quan, hoạt động thương mại tại một số cửa khẩu của Quảng Ninh đã sôi động trở lại, qua đó góp phần thu hút các doanh nghiệp thực hiện thủ tục thông quan, thúc đẩy phát triển sản xuất, phấn đấu hoàn thành tốt kế hoạch của các ngành và địa phương trong năm 2021.

Hoạt động thương mại tại cửa khẩu sôi động trở lại

Trong bối cảnh vừa phòng chống đại dịch Covid-19, vừa đảm bảo hoạt động xuất, nhập khẩu, từ đầu năm tới nay, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô đã tăng cường công tác kiểm tra, giám sát quản lý nhà nước về hải quan, quản lý tốt hàng hóa xuất nhập khẩu. Đồng thời thực hiện linh hoạt các giải pháp trao đổi thông tin từ doanh nghiệp để chủ động triển khai nhiệm vụ, thu hút doanh nghiệp mở tờ khai hải quan tại cửa khẩu đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu kép.

Ông Trần Đức Hòa, Công ty CP Bích Thị, TP. Hưng Yên, tỉnh Hưng Yên cho biết, từ đầu năm đến nay, doanh nghiệp đã xuất được 200 tấn hàng chủ yếu là long nhãn và xoài tại cửa khẩu Hoành Mô. "Quá trình làm thủ tục mở tờ khai hải quan để xuất hàng, chúng tôi đã nhận được sự hỗ trợ tích cực từ phía Hải quan cửa khẩu Hoành Mô nên mọi phần việc liên quan rất thuận lợi", ông Hòa nói.

Theo thống kê, đến thời điểm hiện tại, Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô đã thông quan cho 455 tờ khai hải quan của các doanh nghiệp, tăng 207% tờ khai so với cùng kỳ năm 2020; kim ngạch tăng 297%; số thu ngân sách nhà nước đạt trên 31 tỷ đồng.

Ông Ngô Hồng Hải, Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan cửa khẩu Hoành Mô cho rằng, tính đến hết ngày 28/2, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua chi cục đạt xấp xỉ 17 triệu USD trên tổng kế hoạch được giao của năm 2021 là 108,3 triệu USD.

"Trong tháng cuối cùng của quý I/2021, bằng các giải pháp cụ thể, phù hợp với thực tiễn, đơn vị sẽ cố gắng thu hút thêm doanh nghiệp, đa dạng loại hình, chủng loại hàng hóa để tăng kim ngạch và thu thuế xuất nhập khẩu qua cửa khẩu", ông Ngô Hồng Hải nhấn mạnh.

Đặc biệt, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ tại cửa khẩu Hoành Mô, công tác phòng, chống dịch Covid-19 cũng luôn được các lực lượng liên quan, như: Biên phòng, Ban Quản lý cửa khẩu, Hải quan, Kiểm dịch y tế Quốc tế chủ động phối hợp nhằm đảm bảo an toàn cho người, phương tiện và hàng hóa lưu thông, đảm bảo thực hiện 5K.

Cũng theo báo cáo nhanh từ Ban Quản lý cửa khẩu quốc tế Móng Cái, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch Covid-19 gắn với hoạt động xuất nhập khẩu, xuất nhập cảnh tại khu vực cửa khẩu, lối mở, trong ngày 18/2, tại cửa khẩu Cầu Bắc Luân II, Lối mở Cầu phao Km 3+4 Hải Yên, hoạt động xuất nhập khẩu đã bắt đầu sôi động.

Tại Cầu Phao Km 3+4 Hải Yên, số lượng phương tiện và hàng hóa xuất khẩu đạt tương đối cao. Cụ thể, 143 phương tiện (59 phương tiện Trung Quốc, 84 phương tiện Việt Nam) vận chuyển hàng hóa xuất khẩu thông quan ước đạt 3.500 tấn; trong đó, 4 xe hải sản (1 xe tôm đông lạnh, 1 xe cua sống, 2 xe mực đông lạnh), 75 container hoa quả (thanh long, mít), 27 container bột sắn, 37 xe hàng hóa khác.

Tính đến 15h ngày 18/2, còn khoảng 50 container hàng hóa, chủ yếu hoa quả và bột sắn trong bãi kiểm hóa Lối mở Km 3+4 Hải Yên, đây là lượng hàng kế cận, tiếp tục xuất khẩu trong ngày 19/2.

Tại cửa khẩu cầu Bắc Luân II, tổng số 63 phương tiện (61 Phương tiện Trung Quốc, 2 phương tiện Việt Nam) vận chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông quan ước đạt 1.200 tấn. Theo đó, 24 phương tiện với 480 tấn hàng xuất khẩu (chủ yếu hàng sợi), 39 phương tiện với 720 tấn hàng nhập khẩu (linh kiện điện tử, hàng gia công).

Một góc của khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái hiện nay. (Nguồn: BQN)

Chú trọng phát triển kinh tế cửa khẩu

Quảng Ninh là tỉnh duy nhất có cả cửa khẩu đường biển, đường bộ cùng với cơ sở hạ tầng giao thông tương đối đồng bộ và hiện đại, cơ chế chính sách thông thoáng, hoạt động quản lý Nhà nước trên địa bàn theo hướng ngày càng thuận lợi cho doanh nghiệp.

Đặc biệt, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý để tỉnh Quảng Ninh lập điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng khu kinh tế (KKT) cửa khẩu Móng Cái đến năm 2040 trên cơ sở bám sát Quy hoạch chung xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Trong đó, mục tiêu hướng đến là xây dựng KKT cửa khẩu Móng Cái trở thành cực tăng trưởng kinh tế năng động, bền vững và là vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ.

Để thực hiện mục tiêu trên, thời gian qua, TP. Móng Cái đã triển khai nhiều giải pháp để hoạt động thương mại - biên giới trên địa bàn phát triển, đáp ứng yêu cầu thực tiễn. Trong đó, tập trung huy động mọi nguồn lực để đầu tư và sớm đưa vào khai thác hàng loạt các dự án hạ tầng phục vụ thương mại - biên giới. Qua đó, đã tạo nền tảng hạ tầng quan trọng giúp cộng đồng doanh nghiệp có hướng phát triển phù hợp với chủ trương, chính sách thương mại Việt Nam - Trung Quốc.

Cùng với đầu tư về hạ tầng, TP. Móng Cái cũng tổ chức nhiều cuộc xúc tiến thương mại, xuất nhập khẩu nhằm kết nối doanh nghiệp hai nước; tổ chức diễn đàn, hội nghị hướng dẫn, định hướng và hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư gia công, chế biến, bao gói thủy sản, hoa quả để tạo các đầu mối xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc phù hợp với chính sách biên mậu của Trung Quốc.

Đồng thời, tích cực thực hiện nhiều biện pháp đồng hành cùng doanh nghiệp, cải thiện môi trường kinh doanh, đầu tư... nhằm tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy sản xuất, kinh doanh.

Thời gian tới, Móng Cái nói riêng và tỉnh Quảng Ninh nói chung sẽ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hệ thống hạ tầng cửa khẩu như hệ thống kho bãi, trung tâm thương mại; đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch và hoàn thiện hạ tầng điểm kiểm tra hàng hóa xuất nhập khẩu tập trung để tạo điều kiện cho doanh nghiệp.

Ngoài ra, Quảng Ninh sẽ tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, rút ngắn thời gian thông quan, từng bước phát triển thương mại điện tử hỗ trợ xuất nhập khẩu; mở rộng thanh toán điện tử, nộp thuế điện tử, nhất là thanh toán biên mậu; đẩy mạnh hợp tác quốc tế, tích cực chiêu thương, xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp để doanh nghiệp mở rộng đối tác, thị trường; duy trì kênh thông tin với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, logistics để kịp thời nắm bắt, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cản trở hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/kinh-te-cua-khau-don-bay-quan-trong-de-phat-trien-kinh-te-quang-ninh-138755.html