Kiến tạo môi trường để thanh niên phát triển toàn diện

Sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng, khóa XI ban hành Kết luận số 100 về việc 'Đổi mới và nâng cao chất lượng công tác điều tra, nắm bắt, nghiên cứu dư luận xã hội (DLXH)', Ban Bí thư Trung ương Đoàn đã ban hành kế hoạch, hướng dẫn và triển khai đồng bộ, hiệu quả các hoạt động điều tra, rà soát, nắm tình hình dư luận trong thanh-thiếu niên (TTN), trên cơ sở đó, triển khai các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục chính trị, tư tưởng và tham mưu với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách để kiến tạo môi trường tốt nhất, giúp TTN phát triển toàn diện.

Đa dạng hình thức điều tra, nắm bắt tư tưởng

Theo anh Nguyễn Ngọc Lương, Bí thư Trung ương Đoàn: Công tác nắm bắt, tổng hợp tình hình tâm tư, nguyện vọng, diễn biến dư luận trong TTN được các cấp bộ Đoàn quan tâm, chú trọng và triển khai thường xuyên. Thông qua các chương trình, hoạt động công tác đoàn và phong trào TTN, các cấp bộ Đoàn triển khai nắm tâm tư, nguyện vọng của cán bộ, đoàn viên, TTN về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, các chương trình, hoạt động của Đoàn. Đối với các sự việc, vụ việc phức tạp, nhạy cảm, phát sinh điểm nóng về an ninh trật tự, Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn triển khai đồng bộ các biện pháp rà soát, nắm bắt tình hình dư luận, diễn biến tư tưởng trong TTN. Các cấp bộ Đoàn chủ động tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương triển khai nắm bắt tình hình, đẩy mạnh tuyên truyền, định hướng dư luận trong TTN.

Trước sự phát triển của khoa học công nghệ, nhất là mạng xã hội (MXH), các cấp bộ Đoàn đã chủ động, tập trung nghiên cứu các phương tiện, trang bị, giải pháp hiện đại để ứng dụng vào công tác điều tra, nắm bắt và định hướng DLXH, tiêu biểu như: 100% tỉnh, Thành đoàn, đoàn trực thuộc triển khai “Nhóm liên lạc” thông qua các ứng dụng, phần mềm, MXH để nắm bắt thông tin, tình hình dư luận; xây dựng các chuyên mục, chuyên trang trên những cổng thông tin điện tử, hệ thống phương tiện thông tin đại chúng, báo chí trong và ngoài Đoàn.

Lãnh đạo Tỉnh đoàn Hưng Yên và cán bộ Đoàn tham quan mô hình phát triển kinh tế của thanh niên xã Nhật Tân (Tiên Lữ, Hưng Yên). Ảnh: NGUYỄN LINH

Từ năm 2018 đến nay, các ban, đơn vị của Đoàn phát triển phương pháp đánh giá tác động DLXH thông qua công nghệ “Dữ liệu lớn” (Big Data) với 4 đợt khảo sát định kỳ, hai đợt khảo sát đột xuất. Phương pháp này được triển khai trên phạm vi 48 triệu tài khoản facebook; 35.000 tài khoản youtube; hơn 8.000 trang tin, báo điện tử, blog, diễn đàn... bước đầu đạt kết quả khả quan, trở thành một trong những tài liệu tham khảo giúp tổ chức đoàn đánh giá đúng tình hình, diễn biến dư luận, chất lượng, mức độ lan tỏa thông tin, các chương trình, hoạt động của Đoàn. Một trong những kết quả nổi bật của 5 năm qua là các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc phối hợp triển khai 25 cuộc điều tra, thăm dò DLXH với những nội dung cụ thể, như: Các sự kiện chính trị quan trọng của đất nước; việc sửa đổi Hiến pháp; triển khai Luật Thanh niên; những vấn đề phát sinh trong đời sống xã hội, như: Tình hình tư tưởng, đạo đức, văn hóa, lối sống, học tập, lao động, việc làm và sức khỏe của TTN...

Những cách làm trên giúp Trung ương Đoàn và thường trực các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc đánh giá và nắm bắt tình hình TTN; qua đó, tham mưu ngày càng tốt hơn với Đảng, Nhà nước ban hành các chủ trương, chính sách, pháp luật phù hợp và triển khai các chương trình, hoạt động đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, kiến tạo môi trường để TTN phát triển toàn diện.

Đổi mới hình thức, chú trọng đào tạo cán bộ chuyên trách

Cùng với kết quả đạt được, Ban Bí thư Trung ương Đoàn thẳng thắn đánh giá những tồn tại, hạn chế cần khắc phục trong việc triển khai thực hiện Kết luận số 100 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Theo anh Lê Quốc Phong, Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn: Nhận thức của một số cấp bộ Đoàn và cán bộ Đoàn về việc đổi mới nội dung, phương thức công tác điều tra, nắm bắt và định hướng dư luận, xây dựng và vận hành đội ngũ cộng tác viên chưa đầy đủ, thiếu quyết tâm, sáng tạo, thiếu đầu tư cho những mô hình mới, phù hợp với TTN và điều kiện của địa phương, cơ sở. Chất lượng đội ngũ cán bộ chuyên trách công tác dư luận, tuyên truyền viên, cộng tác viên của Đoàn nhìn chung chưa cao, chưa đáp ứng yêu cầu của tình hình hiện nay. Điều kiện cơ sở vật chất, cơ chế, nguồn lực cho việc thực hiện công tác điều tra, nắm bắt và định hướng tình hình dư luận còn hạn chế, cùng với sự thiếu đồng bộ trong phối kết hợp giữa tổ chức đoàn và các ban, ngành, đoàn thể trong triển khai nắm bắt và định hướng DLXH.

Đại diện lãnh đạo các tỉnh, thành đoàn, đoàn trực thuộc kiến nghị: Cần triển khai công tác điều tra, nắm bắt, định hướng DLXH theo kế hoạch Đoàn Thanh niên tham gia đấu tranh bảo vệ nền tảng tư tưởng của Đảng, Đề án “Tăng cường giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống văn hóa cho thanh thiếu nhi, giai đoạn 2018-2022”. Cùng với đó, tích cực triển khai kết luận về tăng cường công tác nắm bắt, định hướng dư luận kết hợp tổ chức tuyên truyền, giáo dục, học tập, nghiên cứu và vận dụng Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, chủ trương, đường lối, nghị quyết của Đảng vào thực tiễn công tác đoàn và phong trào TTN. Cần đổi mới cách thức tuyên truyền, học tập, triển khai các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của Đảng trong đoàn viên, thanh niên. Định kỳ hằng năm, Trung ương Đoàn và các cấp bộ Đoàn tổ chức lớp bồi dưỡng, tập huấn kỹ năng điều tra, nắm bắt, định hướng DLXH và định hướng dư luận trong Đoàn.

Bên cạnh các giải pháp khắc phục hạn chế trong 5 năm qua, Ban Bí thư Trung ương Đoàn chỉ đạo các cấp bộ Đoàn tiếp tục rà soát, kiện toàn, tuyển chọn và phân công cán bộ có đủ năng lực, kinh nghiệm phụ trách công tác điều tra, nắm bắt và định hướng DLXH; hoàn thiện quy chế hoạt động và kiện toàn, mở rộng đội ngũ cộng tác viên DLXH bảo đảm chất lượng và đáp ứng yêu cầu công tác.

ĐÀO HỒNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/xa-hoi/cac-van-de/kien-tao-moi-truong-de-thanh-nien-phat-trien-toan-dien-604553