Kiểm toán góp phần phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng

Sáng 1/4, phát biểu thảo luận tại hội trường về Báo cáo công tác của Kiểm toán Nhà nước nhiệm kỳ 2016-2021, các đại biểu đánh giá: Trong nhiệm kỳ qua, việc thực hiện Kế hoạch kiểm toán của Kiểm toán Nhà nước đã đạt được nhiều kết quả nổi bật, góp phần quan trọng hoàn thiện cơ chế chính sách, phòng ngừa, ngăn chặn tham nhũng, lãng phí và siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực quản lý, sử dụng tài chính, tài sản công.

Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng

Theo báo cáo, giai đoạn 2016-2021, Kiểm toán nhà nước đã kiến nghị xử lý tài chính 353.733 tỷ đồng; chuyển 20 vụ việc có dấu hiệu tội phạm sang cơ quan Cảnh sát điều tra để điều tra làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật, 2 vụ việc đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an điều tra xử lý. Cung cấp 498 hồ sơ, báo cáo kiểm toán và các tài liệu liên quan cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, cơ quan điều tra và các cơ quan nhà nước khác có thẩm quyền. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung, thay thế, hủy bỏ 786 văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý sai quy định hoặc không phù hợp với quy định chung của Nhà nước và thực tiễn, góp phần làm lành mạnh nền tài chính quốc gia.

Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội Hoàng Văn Cường phát biểu. Ảnh: TTXVN

Đánh giá về hiệu quả công tác kiểm toán giai đoạn 2016-2021, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) cho rằng, 5 năm qua, về tài chính, kiểm toán đã kiến nghị xử lý trên 350.000 tỷ đồng, tức là gấp 3,5 lần kiến nghị của giai đoạn 2011-2015. Trong khi ngân sách nhà nước chi tiêu của giai đoạn 2016-2021 chỉ gấp khoảng 1,4 lần so với giai đoạn 2011-2015.

"Điều đó chứng tỏ kết quả, hiệu quả của Kiểm toán nhà nước giai đoạn 2016-2021 là tăng lên rất nhiều so với giai đoạn trước. Số vụ việc có dấu hiệu tội phạm được phát hiện và chuyển sang cơ quan điều tra cũng tăng lên 45%. Trong khi đó, chúng ta biết rằng nhiệm kỳ vừa qua là thời kỳ kiểm soát chống tham nhũng rất tốt nên chắc chắn số vi phạm không thể tăng nhưng số phát hiện kiểm toán lại tăng lên so với giai đoạn trước. Điều này chứng tỏ bản lĩnh kiên định của kiểm toán là rất cao trong việc thực hiện phòng, chống tham nhũng", ông Cường nhấn mạnh.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Quách Thế Tản phát biểu. Ảnh: TTXVN

Cũng theo ông Cường, số hồ sơ, tài liệu cung cấp cho cơ quan của Quốc hội, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Thanh tra Chính phủ tăng lên gấp 5 lần so với trước. Thành công của Quốc hội trong nhiệm kỳ vừa qua có sự đóng góp không nhỏ của cơ quan kiểm toán.

Cần thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước

Đồng tình với báo cáo công tác kiểm toán nhà nước giai đoạn 2016 – 2021, tuy nhiên đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình Quách Thế Tản đề nghị Chính phủ, các cơ quan của Chính phủ, các cơ quan của địa phương thực hiện nghiêm các kiến nghị của Kiểm toán nhà nước. Đồng thời xử lý trách nhiệm các tập thể, cá nhân sai phạm trong vấn đề quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công; tức là nhằm siết chặt kỷ cương, sử dụng hiệu quả nguồn lực của đất nước.

Cùng với đó, đề nghị Kiểm toán nhà nước tiếp tục phát huy những kết quả trong thời gian qua. Bên cạnh việc thực hiện kế hoạch kiểm toán hằng năm đã được phê duyệt thì theo phân công, yêu cầu của Quốc hội cũng như theo đề nghị của Chính phủ và các bộ, ngành cũng như các địa phương, Kiểm toán nhà nước đã thực hiện một số kiểm toán chuyên đề. "Ví dụ như các chuyên đề, các dự án BT, BOT hay hiệu quả sử dụng vốn của các dự án ODA... đã có nhiều kết quả tốt và nhất là vấn đề quản lý, sử dụng đất sau cổ phần hóa các doanh nghiệp cần phát huy. Thời gian tới, Kiểm toán nhà nước cũng tiếp tục quản lý, nhất là quản lý vấn đề sử dụng, quản lý đất đai. Đây là tài nguyên rất lớn của đất nước hiện còn có nhiều thiếu sót, vi phạm", đại biểu Quách Thế Tản nói.

Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc phát biểu. Ảnh: TTXVN

Giải trình một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm, ông Hồ Đức Phớc cho biết, trong nhiệm kỳ vừa qua, Kiểm toán nhà nước xử lý tài chính được 353.000 tỷ, gấp 3,5 lần so với nhiệm kỳ trước. Theo Tổng Kiểm toán Nhà nước, thời gian tới, Kiểm toán Nhà nước sẽ tích cực kiểm tra, đôn đốc các đơn vị được kiểm toán thực hiện kết quả kiểm toán.

Giải thích lý do các kiến nghị kiểm toán chưa được thực hiện được một cách triệt để, Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cho biết có những khoản Kiểm toán nhà nước đề nghị truy thu hoặc giảm quyết toán lại phụ thuộc vào nguồn vốn liên quan đến những khoản chi sai. Ví dụ các công trình đã quyết toán trả cho nhà thầu rồi mới có kiến nghị chi sai do không phù hợp với định mức, dự toán hay đơn giá. Tuy nhiên, để thu lại được tiền thì phải chờ các doanh nghiệp nộp tiền, Ban quản lý dự án mới nộp tiền lại cho Nhà nước. Tổng Kiểm toán Nhà nước Hồ Đức Phớc cũng khẳng định, cơ quan kiểm toán luôn thực hiện các hình thức công khai kết quả kiểm toán tương đối nghiêm và sẽ nỗ lực hơn nữa.

Về kiểm soát chất lượng các cuộc kiểm toán, theo ông Hồ Đức Phớc, Kiểm toán Nhà nước có riêng một vụ chuyên để kiểm soát chất lượng kiểm toán; bên cạnh đó, Kiểm toán nhà nước cũng thực hiện luân chuyển các địa bàn kiểm toán và kiểm soát chất lượng kiểm toán theo kế hoạch và thực hiện các cuộc kiểm toán đột xuất, sử dụng bộ máy thanh tra của kiểm toán để kiểm tra chéo. "Chúng tôi luôn xác định, đảm bảo chất lượng kiểm toán là vấn đề sống còn đối với tính chuyên nghiệp của Kiểm toán Nhà nước. Kiểm toán Nhà nước sẽ tiếp tục nỗ lực hơn trong thời gian tới để có thể cung cấp những thông tin thiết thực, chính xác nhất cho đại biểu Quốc hội", ông Hồ Đức Phớc khẳng định.

VÂN KHÁNH

Nguồn Dân Sinh: http://baodansinh.vn/kiem-toan-gop-phan-phong-ngua-ngan-chan-tham-nhung-20210401151009782.htm