Kiếm tiền tỷ từ cỏ tế

Trong khi thị trường tiêu thụ sản phẩm của nhiều làng nghề gặp khó khăn thì các mặt hàng mây, tre đan thôn Lưu Thượng (xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên, Hà Nội) vẫn có sức hấp dẫn với thị trường xuất khẩu nhờ tính chất 'xanh', 'sạch'. Sự tập trung đầu tư chiều sâu với những cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm đang giúp nhiều hộ dân làm giàu ngay tại địa phương mình.

Nghề mây, tre đan đem lại thu nhập cao cho người dân

Thôn Lưu Thượng là một trong những "cái nôi" của nghề mây, tre đan từ hơn 300 năm nay. Từ cây cỏ tế (có tên gọi khác là cây guột) mọc hoang dại đến cây bèo tây, bẹ ngô, mây, tre, người dân tạo ra những vật dụng gia đình mang lại giá trị kinh tế. Từ nơi này, nghề mây, tre đan đã phát triển ra cả địa bàn xã Phú Túc và các vùng xung quanh, giúp người dân có thu nhập tiền tỷ nhờ xuất khẩu.

Các sản phẩm mây, tre đan có ưu thế nguyên liệu sản xuất từ thiên nhiên, mẫu mã đa dạng, chất lượng tốt, bền, đẹp, đã chinh phục được những thị trường khó tính trên thế giới như: châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc… Bà Nguyễn Thị Lương - Giám đốc Công ty TNHH Mây, tre đan xuất khẩu Hiền Lương - cho biết, mỗi thị trường tiêu thụ mặt hàng khác nhau. Từ những sản phẩm đơn giản, thô sơ, đến nay, Phú Túc đã có trên 5.000 mẫu hàng hóa, đáp ứng yêu cầu nhiều thị trường khó tính.

Mỗi năm, Công ty TNHH Mây, tre đan xuất khẩu Hiền Lương xuất khẩu hàng chục vạn sản phẩm mây, tre đan, mang về doanh thu gần 10 tỷ đồng. Ở thị trường trong nước, sản phẩm tiêu thụ chủ yếu vào dịp đầu năm với mặt hàng lẵng quà, giỏ hoa, còn lại gần như 100% sản phẩm để cung cấp cho thị trường nước ngoài. Công ty cũng tạo việc làm cho hơn 20 nhân công làm việc tại xưởng cùng hàng trăm lao động thời vụ trong xã và khu vực lân cận...

Nghề truyền thống sẵn có tại địa phương thu hút nhiều lao động nhàn rỗi, chủ yếu là lao động nữ trung niên và cao tuổi. Theo những người thợ làm nghề lâu năm, công việc đan lát chỉ là nghề phụ nhưng lại tạo ra nguồn thu nhập chính và ổn định cho các hộ gia đình.

Các hộ làm theo đơn đặt hàng từ doanh nghiệp theo hình thức nhận nguyên liệu và giao sản phẩm. Sản xuất hàng mây, tre đan cũng được chuyên môn hóa đến từng công đoạn. Có hộ gia đình chỉ chuyên đan đế, có hộ chuyên đan phần thân, hoặc chuyên phơi sấy. Những sản phẩm đó được thu gom về cơ sở lớn để hoàn thiện, gắn nhãn mác, đóng gói xuất khẩu.

Bà Nguyễn Thị Hót (xã Hồng Minh, huyện Phú Xuyên) - chia sẻ: Công việc cấy, gặt chỉ theo thời vụ. Thời gian còn lại, bà đến xưởng làm mây, tre đan. Một ngày, tôi có thể hoàn thiện được khoảng 15 chiếc khay bằng cỏ tế, ngoài ra là làm công việc sửa hàng, đóng hàng. Thu nhập bình quân từ 3 - 4 triệu đồng/tháng.

Những người thạo nghề như bà Nguyễn Thị Lương còn tổ chức tuyển sinh, đào tạo nghề cho các vùng lân cận, tạo việc làm cho nhiều lao động. Đồng thời, tăng thêm đầu vào sản phẩm cho doanh nghiệp thông qua việc thu gom sản phẩm từ chính những học viên học nghề. Nhờ có nghề, diện mạo nông thôn ngày càng đổi mới. Những chuyến hàng mây, tre đan xuất ngoại đã mang lại cho người dân Phú Túc cuộc sống phồn thịnh hơn.

Bên cạnh đó, với lợi thế về giá cạnh tranh do các Hiệp định Thương mại tự do thế hệ mới mang lại, con đường xuất khẩu mặt hàng mây, tre đan dự báo sẽ tiếp tục được rộng mở; cùng yêu cầu về chất lượng sản phẩm cao hơn. Điều này cũng đặt ra không ít trăn trở cho những doanh nghiệp xuất khẩu mây tre đan ở Phú Túc.

Để tận dụng tốt cơ hội, các doanh nghiệp sản xuất cần đầu tư mặt bằng nhà xưởng, máy móc công nghệ mới, đáp ứng được việc sản xuất sản phẩm chất lượng cao. Đặc biệt, hợp tác với các doanh nghiệp nước ngoài tổ chức sản xuất, chuyển giao công nghệ hiện đại; nắm bắt thị hiếu của thị trường nước ngoài.

Nguyễn Mai - Thu Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/kiem-tien-ty-tu-co-te-122000.html