Kiểm soát tái đàn lợn trên địa bàn

Để quản lý tốt các hộ, đơn vị có trang trại nuôi lợn trên địa bàn tỉnh tái đàn sau ảnh hưởng của dịch tả lợn châu Phi thời gian vừa qua, hiện nay các cơ quan chức năng trên địa bàn tỉnh tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền đến người dân, hộ kinh doanh. Qua đó, nhằm thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và bình ổn giá lợn trên thị trường.

Ông Vũ Văn Diễn, phường Minh Thành, TX Quảng Yên - một trong những hộ bị thiệt hại nặng nề bởi dịch tả lợn châu Phi thời gian vừa qua, chia sẻ: "Do ảnh hưởng của dịch bệnh, tháng 6 vừa qua trang trại của gia đình với 650 con lợn phải tiêu hủy toàn bộ. Đến nay gia đình đã dọn dẹp vệ sinh chuồng trại sạch sẽ và rắc vôi bột xung quanh khu vực nuôi để phòng bệnh dịch. Tuy nhiên, với tình hình này, hiện gia đình chỉ dám nuôi mới 20 đến 30 con lợn để kinh doanh chứ chưa dám tái đàn toàn bộ...".

Đoàn công tác của tỉnh kiểm tra việc tiêu hủy đàn lợn bị dịch tả lợn châu Phi tại xã Quảng Thịnh, huyện Hải Hà, tháng 3/2019.

Hay như hộ gia đình ông Lê Văn Nên, thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên, là hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, do ảnh hưởng bệnh dịch vài tháng trước nên gần 10 con lợn của gia đình ông cũng phải tiêu hủy. Ông Lê Văn Nên cho biết: “Ngay sau đàn lợn bị mắc dịch, gia đình tôi đã chủ động hơn trong thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định và hiện tại chưa dám tái đàn vì sợ dịch bệnh sẽ còn phát sinh. Mong rằng cơ quan chức năng có các giải pháp để ổn định tình hình chăn nuôi và có hướng dẫn tái đàn hợp lý để giúp bà con ổn định phát triển lại kinh tế.

Bà Chu Thị Thu Thủy, Phó Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Qua kiểm tra công tác tái đàn lợn tại các địa phương trong tỉnh, chủ yếu các hộ chủ động được nguồn giống và không bị ảnh hưởng bởi dịch tả lợn châu Phi thời gian qua mới đầu tư tái đàn nhỏ. Còn đa phần hộ chăn nuôi nhỏ lẻ đã từng bị dịch thì vẫn chưa thực hiện tái đàn.

Theo thống kê tới thời điểm hiện tại của Chi cục Chăn nuôi và Thú y, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 16.062 hộ/968 thôn, khu, tại 162 xã, phường trên địa bàn tỉnh với 143.307 con lợn ốm, chết và buộc phải tiêu hủy (chiếm khoảng 38,49% tổng đàn), trọng lượng tiêu hủy trên 6.000 tấn thịt. Tính đến nay, đã có 2 huyện (Ba Chẽ, Bình Liêu) và 132/161 xã, phường đã qua trên 30 ngày không phát sinh ca bệnh mới; 106 xã, phường đã qua 60 ngày; 9 xã, phường qua 50 ngày; 17 xã, phường đã qua 30 ngày không phát sinh dịch bệnh.

Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh kiểm tra công tác tái đàn tại trang trại của ông Vũ Văn Diễn, phường Minh Thành, TX Quảng Yên, tháng 12/2019.

Cũng do ảnh hưởng của dịch bệnh, hiện nay giá thịt lợn đang ở mức cao so với thời gian qua. Do đó, công tác kiểm soát tái đàn lợn đang được các cơ quan chức năng thực hiện kiểm soát chặt chẽ theo đúng quy định.

Ông Trần Xuân Đông, Chi cục trưởng, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh, cho biết: Mặc dù tình hình dịch bệnh được kiểm soát, nhưng theo nhận định, dịch bệnh có nguy cơ tái phát trở lại tại những địa bàn đã qua 30 ngày là rất cao. Bởi đây là bệnh truyền nhiễm phức tạp, vi rút gây bệnh có sức đề kháng cao, tồn tại lâu trong môi trường tự nhiên, khó loại trừ và chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp hữu hiệu trong bối cảnh hiện tại là làm tốt công tác an toàn sinh học tại các cơ sở chăn nuôi và tăng cường tuyên truyền cho người dân không tái đàn ồ ạt.

Về việc tái đàn lợn tại các hộ, cơ sở chăn nuôi, Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh khuyến cáo: Đối với các hộ, doanh nghiệp chăn nuôi nằm trong vùng dịch (cấp xã), sau ít nhất 90 ngày không phát sinh dịch và thực hiện triệt để công tác vệ sinh khử trùng tiêu độc chuồng trại, dụng cụ chăn nuôi mới được tái đàn; từng bước tái đàn từ 10% tổng số lợn có thể nuôi cách ly khu riêng tại cơ sở, theo dõi sau khi nuôi 30 ngày thực hiện lấy mẫu xét nghiệm, nếu kết quả mẫu là âm tính với dịch tả lợn châu Phi khi đó mới tái đàn tăng dần với số lượng lên đến 100%; thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vacxin phòng bệnh cho đàn vật nuôi theo đúng quy định; khi có dịch bệnh xảy ra phải khai báo kịp thời, không được giấu dịch.

Đặc biệt, các địa phương phải quản lý chặt chẽ và định kỳ báo cáo tình hình chăn nuôi và việc tái đàn lợn trên địa bàn về Chi cục Chăn nuôi và Thú y để kịp thời phòng, chống dịch, giúp người dân ổn định chăn nuôi, bình ổn thị trường thịt lợn.

Minh Đức

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/kinh-te/201912/kiem-soat-tai-dan-lon-tren-dia-ban-2465257/