Kiềm chế cháy nổ dịp cận Tết: Mấu chốt là ý thức người dân

Trước đây, mỗi khi nhắc đến những nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn, không ít người sẽ nghĩ ngay đến các bất cập như hạ tầng, cơ sở vật chất xuống cấp, không có nguồn nước chữa cháy, đường giao thông hẹp, nhỏ khiến xe chữa cháy khó tiếp cận. Tuy nhiên, thực tế ý thức, trách nhiệm về an toàn phòng cháy chữa cháy (PCCC) của mỗi người dân lại là một trong những yếu tố quyết định, kiềm chế cháy nổ. Đặc biệt, trong thời điểm cận Tết, nguy cơ cháy nổ tiềm ẩn cao, ý thức người dân sẽ trực tiếp góp phần giảm thiểu cháy nổ.

Có nhiều chuyển biến

Theo báo cáo Sơ kết một năm thực hiện Kế hoạch số 128/KH-UBND của UBND thành phố Hà Nội “Về việc khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém; đổi mới, nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn thành phố”, kết quả cho thấy thời gian qua lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ trên địa bàn đã tổ chức kiểm tra, rà soát, đánh giá điều kiện an toàn định kỳ, đột xuất đối với 45.794 lượt cơ sở thuộc diện quản lý; xử phạt hành chính 4.132 trường hợp với số tiền hơn 13 tỷ đồng.

Tham gia đầy đủ công tác tập huấn PCCC sẽ giúp người dân có thêm kiến thức, kỹ năng phòng chống cháy nổ.

Đáng chú ý, để ngăn chặn nguy cơ cháy nổ, lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy trên địa bàn đã phối hợp với các sở, ban, ngành, địa phương tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại các địa bàn đông dân cư, tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Đồng thời tăng cường xây dựng nhiều mô hình về phòng cháy, chữa cháy hoạt động hiệu quả.

Theo ghi nhận thực tế tại nhiều địa phương như: Cầu Giấy, Đống Đa, Phú Xuyên, Ba Vì, Sơn Tây… công tác tuyên truyền, xử lý vi phạm được chú trọng, ý thức của người dân cũng được nâng cao. Chẳng hạn, trên địa bàn quận Đống Đa, theo đánh giá đây là một quận có mật độ dân số đông và tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ cao. Tuy nhiên, bằng những nỗ lực đồng bộ của cấp quản lý địa phương, trong những năm gần đây, tình hình cháy nổ trên địa bàn về cơ bản được kiểm soát.

Cụ thể, năm 2017 Đống Đa xảy ra 156 vụ cháy, nổ. Nguyên nhân xảy ra cháy do chập điện 67 vụ, do hàn điện 1 vụ, do sự cố thiết bị điện 39 vụ… Trong quý I/2018, toàn quận xảy ra 46 vụ cháy, nổ và sự cố. Để hạn chế cháy nổ, quận Đống Đa đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc, đồng thời, thực hiện việc tuyên truyền về an toàn PCCC từ quận đến các cơ sở.

Theo đó, trong năm 2017, quận đã tổ chức tuyên truyền về PCCC và cứu nạn cứu hộ tại 291 tổ dân phố với 5.640 người tham dự. Ngay trong quý I/2018, quận đã tiếp tục tổ chức được 18 buổi tuyên truyền về PCCC và thu hút được 1.421 người tham dự.

Để chủ động trong công tác PCCC, xử lý sự cố thiên tai UBND TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch số 193/KH-UBND, triển khai tăng cường các biện pháp đảm bảo PCCC, ứng phó, khắc phục xử lý sự cố thiên tai và cứu hộ, cứu nạn trên địa bàn thành phố.

Trong đó nhấn mạnh sẽ tập trung xây dựng lực lượng chính quy, chuyên nghiệp, từng bước hiện đại; xây dựng, củng cố và phát triển lực lượng PCCC cơ sở và dân phòng đáp ứng yêu cầu theo phương châm “4 tại chỗ”. Tổ chức xây dựng phương án, cơ chế vận hành để huy động tối đa nguồn lực trong xử lý các tình huống.

Theo Kế hoạch số 193/KH-UBND, Công an Thành phố sẽ triển khai xây dựng kế hoạch diễn tập phương án chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ huy động nhiều lực lượng, phương tiện tham gia tại các cơ sở trọng điểm, tập trung đông người, có nguy cơ cháy, nổ dễ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng…

Đáng chú ý, hiện 21 phường trên địa bàn quận đều đã căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng Đội dân phòng theo phương châm “4 tại chỗ”. Đồng thời, yêu cầu các đơn vị sự nghiệp trên địa bàn thành lập, củng cố và phát triển các Đội dân phòng, Đội PCCC cơ sở làm nòng cốt cho phong trào “Toàn dân tham gia công tác PCCC”.

Còn trên địa bàn huyện Phú Xuyên, theo thống kê từ đầu năm 2018 đến nay, trên địa bàn huyện Phú Xuyên xảy ra 8 vụ cháy, thiệt hại 240 triệu đồng, không có thiệt hại về người. So với cùng năm 2017, giảm 3 vụ, giảm thiệt hại gần 1 tỷ đồng. Nguyên nhân cháy chủ yếu do sự cố kỹ thuật điện và sơ suất trong sử dụng lửa.

Để làm tốt công tác phòng ngừa cháy nổ, UBND huyện Phú Xuyên đã chỉ đạo các đơn vị phối hợp thực hiện các giải pháp tuyên truyền, giáo dục ý thức, thực hiện tốt kỹ năng PCCC để xử lý tình huống khi xảy ra cháy, nổ. Chú trọng nâng cao ý thức của người lao động trong việc PCCC và duy trì tốt hoạt động đội PCCC.

Cùng với đó, đầu tư trang thiết bị PCCC, lắp đặt hệ thống PCCC, tăng cường mở lớp tập huấn, phổ biến kiến thức PCCC cho người lao động. Được biết, thời gian qua huyện Phú Xuyên đã mở 25 lớp tuyên truyền về PCCC cho 2.225 lượt người tham gia và 20 lớp huấn luyện nghiệp vụ về PCCC cho 1.238 người. Phối hợp với cơ sở, địa bàn chủ động rà soát, củng cố 28 đội dân phòng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Trước những lo lắng của người dân do các vụ cháy liên tiếp xảy ra, thời gian qua các lực lượng PCCC trên địa bàn Hà Nội luôn chủ động tăng cường kiểm tra, xử lý, khuyến cáo, yêu cầu chủ đầu tư tuân thủ, chấp hành thực hiện đầy đủ các biện pháp an toàn PCCC. Đặc biệt, các đơn vị PCCC trên địa bàn đã chủ động tập huấn, tuyên truyền cho hàng nghìn cư dân.

Chia sẻ thông tin tại một buổi tập huấn PCCC trên địa bàn quận Cầu Giấy, theo Đại tá Nguyễn Trường Sơn - Phó trưởng Công an quận Cầu Giấy cho biết, tính từ thời điểm hợp nhất Cảnh sát PCCC Hà Nội vào Công an Thành phố, trên địa bàn Hà Nội xảy ra khoảng 100 vụ cháy, khiến 3 người chết. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng này.

Tuy nhiên nguyên nhân quan trọng hơn cả là có một bộ phận người dân nhận thức chưa đầy đủ dẫn đến chủ quan, xem nhẹ công tác PCCC. Trong khi đó, mọi hoạt động phòng cháy chữa cháy trước tiên cần được giải quyết bằng lực lượng và phương tiện tại chỗ.

Thực tế, ý thức, trách nhiệm về an toàn PCCC của mỗi người dân được nâng cao sẽ là một trong những yếu tố quyết định, kiềm chế cháy nổ. Nếu ý thức của người dân còn kém thì nguy cơ cháy nổ sẽ luôn tiềm ẩn ở bất câu đâu, bất cứ lúc nào.

Cách đây ít lâu, trao đổi với phóng viên về những khó khăn khi gặp phải trong công tác tuyên truyền, phổ biến PCCC tại cấp cơ sở, Đại tá Nguyễn Trường Sơn cho biết, có một hiện tượng là tại các buổi tập huấn an toàn PCCC cho người dân, mặc dù lực lượng Cảnh sát PCCC đã thông báo và thường xuyên tổ chức vào cuối tuần hoặc ngày nghỉ song nhiều khi chỉ thấy người già và trẻ em, không mấy khi tập hợp đầy đủ được các tầng lớp cư dân. Đáng nói, nhiều người dân đều biết rằng khi cháy thì việc quan trọng hàng đầu là phải báo ngay cho cơ quan chức năng, nhưng họ có tâm lý ngại khi gọi cho số máy 114 (số máy khẩn chữa cháy) vì lo… chi phí cao. Họ không biết rằng mọi công tác cứu nạn, cứu hộ đã được nhà nước chi trả, người dân không phải mất một khoản phí nào.

Rõ ràng, trong thời điểm cận Tết, khi nguy cơ cháy nổ vẫn còn nhiều tiềm ẩn, bên cạnh sự vào cuộc của các ngành chức năng, để nâng cao hiệu quả trong công tác PCCC thì việc người dân tự trang bị cho mình và gia đình những kiến thức PCCC là rất cần thiết. Đồng thời mỗi cá nhân cũng cần tích cực tham gia các lớp tập huấn về PCCC và cứu nạn cứu hộ để nâng cao kỹ năng.

Có như vậy, khi sự cố xảy ra người dân mới đủ bình tĩnh để xử lý tình huống. “Không ai khác, người dân chính là lực lượng tại chỗ hiệu quả nhất. Công an quận Cầu Giấy sẵn sàng tổ chức tư vấn pháp luật về phòng cháy chữa cháy miễn phí cho người dân nếu có yêu cầu” - Đại tá Nguyễn Trường Sơn nhấn mạnh.

L. Đình

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/kiem-che-chay-no-dip-can-tet-mau-chot-la-y-thuc-nguoi-dan-84783.html