Khu du lịch Bình Tiên – Ninh Thuận: Đầu tư hàng trăm tỷ, nhưng vẫn lỡ tiến độ vì 'khát' nước ngọt

Dự án Khu Du lịch Bình Tiên (xã Công Hải, huyện Thuận Bắc, tỉnh Ninh Thuận) đã được Cty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên tâm huyết đầu tư nhiều năm. Kinh phí của doanh nghiệp đầu tư vào dự án lên tới hơn 400 tỷ đồng. Song dự án không thể thực hiện đúng tiến độ bởi lẽ đến nay, khu du lịch này không có nguồn nước ngọt bền vững, ổn định cung cấp cho hệ thống nghỉ dưỡng ở đây lâu dài, đồng nghĩa với việc doanh nghiệp này không thể đầu tư nghỉ dưỡng du lịch ven biển. Đây quả là tình huống bất khả kháng, gây thiệt hại lớn cho chủ đầu tư.

Bãi biển du lịch Bình Tiên – Ninh Thuận.

Giải bài toán khô hạn, đầu tư vào vùng đặc biệt khó khăn

Sau khi được Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư tháng 3/2005, tháng 8/2005 UBND tỉnh Ninh Thuận cấp phép đầu tư Khu Du lịch Bình Tiên cho Cty CP Đầu tư và Du lịch Bình Tiên (Cty Bình Tiên). Tổng mức đầu tư của dự án là 550 tỷ đồng, tháng 10/2009 UBND Tỉnh Ninh thuận phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư lên 2.579 tỷ đồng. Quy mô đầu tư khu du lịch, nghỉ dưỡng này của Cty Bình Tiên bao gồm hệ thống khách sạn, biệt thự nhà nghỉ cao cấp, tổng cộng 500 phòng tiêu chuẩn 5 sao, sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn quốc tế, bến du thuyền…

Nhiều nhà khoa học nước ta trong đó có GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, sau khi đến khảo sát địa hình khu vực Bình Tiên khẳng định: “Thiên nhiên đã ưu đãi cho nơi này một vùng biển tuyệt vời. Nước xanh thẫm, bãi biển thoai thoải, cát trắng, mịn màng, sóng vừa phải, rất có giá trị về phát triển du lịch, nghỉ mát, nghỉ dưỡng”.

Ngay sau khi dự án được phê duyệt, công tác đền bù giải phóng mặt bằng, di dân tái định cư đã được Cty Bình Tiên và các cấp chính quyền giải quyết. Tuy nhiên công tác này kéo dài từ năm 2006 – 2012 mới hoàn tất bàn giao mặt bằng phần diện tích đất ở và đất nông nghiệp cho Cty. Còn lại, trên 40ha đất thuộc các hộ dân quản lý và đất Vườn quốc gia Núi Chúa đến nay vẫn đang tiến hành giải phóng mặt bằng. Điều này, cũng làm ảnh hưởng đến công tác thi công của dự án.

Theo chủ trương chung, khi khuyến khích đầu tư một dự án lớn vào địa bàn vùng đặc biệt khó khăn, Nhà nước sẽ đầu tư từ trước các công trình hạ tầng thiết yếu như giao thông, cấp điện, cấp nước… vừa cải thiện đời sống dân sinh, vừa tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án được thuận tiện. Dự án Khu du lịch Bình Tiên (Ninh Thuận) là dự án được ưu đãi và khuyến khích đầu tư như vậy. Tuy nhiên, do điều kiện kinh tế tỉnh Ninh Thuận còn nhiều khó khăn nên sự quan tâm đầu tư hạ tầng cơ sở còn hạn chế. Mặt khác, đối với một tỉnh như Ninh Thuận là một địa phương có khí hậu khắc nghiệt khô hạn nhất cả nước, lượng mưa trung bình năm chỉ đạt gần 400mm/năm. Vì vậy nguồn nước nơi đây hết sức quý hiếm và là bài toán nan giải.

Lường trước được những khó khăn khi triển khai dự án, ngay từ năm 2006, Cty Bình Tiên đã chủ động đề xuất và được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương cho phép tiến hành khảo sát, lập dự án đầu tư xây dựng công trình cấp nước phục vụ dự án và cấp nước sinh hoạt cho các hộ dân thôn Bình Tiên bằng nguồn vốn của doanh nghiệp. Ngay sau đó, Cty Bình Tiên đã mời những chuyên gia hàng đầu: GS.Viện sĩ Nguyễn Văn Hiệu, cố GS. Nguyễn Sinh Huy (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), cùng nhiều cán bộ khoa học đầu ngành của Viện Khoa học Thủy lợi, Viện Khoa học địa chất và khoáng sản tham gia khảo sát, đánh giá tiềm năng nguồn nước khu vực Vườn quốc gia Núi Chúa (Ninh Thuận) và các vùng lân cận.

Thời gian nghiên cứu, khảo sát đánh giá được thực hiện gần 2 năm (2006 - 2007), Cty Bình tiên và các nhà khoa học xây dựng phương án quản lý, khai thác nguồn nước bền vững từ dòng chảy của suối Chà Là, cách địa điểm Dự án Khu Du lịch Bình Tiên chỉ vài trăm mét. Theo đó, Cty Bình Tiên sẽ xây dựng hồ chứa giai đoạn một hơn 1,2 triệu m3 nước với công suất cấp nước 6.000m3/ngày đêm, có tổng mức đầu tư trên 200 tỷ đồng. Giai đoạn hai sẽ mở rộng và nâng công suất cấp nước lên 11 – 12 ngàn m3/ngày đêm.

Chủ trương đầu tư đã có, hồ sơ dự án cũng đã hoàn thành đúng thủ tục theo quy định, Cty Bình Tiên chỉ còn chờ được cấp giấy chứng nhận đầu tư sẽ tiến hành triển khai. Thực hiện được điều này thì sẽ giải được “cơn khát” khô hạn của Khu Du lịch Bình Tiên và các dự án của doanh nghiệp khác ở đây.

Lỡ tiến độ vì bị quy hoạch nhầm nguồn nước

Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi xây dựng nhà máy nước ổn định, Cty Bình Tiên lại nhận được văn bản của cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cho biết vị trí xây dựng công trình đập Chà Là chồng lấn một phần diện tích mới được UBND tỉnh chấp thuận giao cho một doanh nghiệp khác là Cty Thành Trung (Ninh Thuận) sử dụng, để đầu tư một dự án phát triển du lịch. Do đó, dự án cấp nước công phu và khoa học của Cty Bình Tiên phải dừng lại. Cty Thành Trung đã sớm được chấp thuận đầu tư dự án xây dựng hệ thống cấp nước, lấy nguồn nước từ hồ Sông Trâu phục vụ cho cả khu vực Bình Tiên – Vĩnh Hy (trải dài trên 26km), bao gồm Khu Du lịch Bình Tiên. Dự án Công trình cấp nước Chà Là có cơ sở khoa học nghiêm túc, bỗng dưng bị gạt ra ngoài lề, cả gần chục tỷ nghiên cứu, thiết kế và công lao tâm huyết của bao nhiêu nhà khoa học dành cho dự án trở thành công cốc.

Được biết, ban đầu khi trình bày ý tưởng xin chủ trương, Cty Thành Trung báo cáo sẽ đầu tư hệ thống cấp nước công suất 20.000m3/ngày đêm, không những đáp ứng nhu cầu dùng nước cho tất cả các dự án đầu tư tại khu vực Bình Tiên - Vĩnh Hy, mà Cty này còn phục vụ nước sinh hoạt cho một bộ phận dân cư phía Bắc huyện Thuận Bắc (Ninh Thuận). Tuy nhiên, tại buổi lễ khởi công dự án, nhà đầu tư công bố trước lãnh đạo các cấp ngành trong tỉnh, trước đông đảo nhân dân vùng dự án và trước cả báo giới, quy mô công suất cấp nước dự án còn 6.000m3/ngày đêm, làm cho nhiều nhà đầu tư có dự án trong khu vực nhất là Cty Bình Tiên cảm thấy không yên tâm. Không những vậy, gần đây Cty Thành Trung lại có thông báo sẽ chỉ xây dựng nhà máy cấp nước công suất 2.000m3/ngày đêm.

Đồng thời, nguồn nước cấp cho nhà máy nước của Cty Thành Trung được lấy từ hồ Sông Trâu (xã Phước Chiến – Thuận Bắc – Ninh Thuận). Hồ được sử dụng năm 2006, diện tích lưu vực: 66 km2, có dung tích hữu ích: 31,53 triệu m3 nước, mực nước bình thường là 42,3m, mực nước chết của hồ là 28,7m. Phóng viên đã có mặt tại hồ khi trời vừa mới mưa, nhưng mực nước của hồ vẫn ở dưới mực nước chết. Điều này gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc cấp nước cho sinh hoạt và nông nghiệp của khu vực. Khi mực nước hồ xuống đáy lòng chảo, chất lượng và lưu lượng nước sẽ không đủ và không đảm bảo cung cấp cho sản xuất sản nông nghiệp và nhà máy nước của Cty Thành Trung. Việc này dẫn đến Cty Thành Trung sẽ không thể đủ nước cung cấp cho các dự án đầu tư và phát triển du lịch ven biển của phía Bắc tỉnh Ninh Thuận, nhất là huyện Thuận Bắc.

Bể chứa nước lấy từ hồ Sông Trâu của nhà máy nước Thành Trung đục, bẩn, có nhiều váng rêu.

Đường ống dẫn nước dở dang của Cty Thành Trung.

Trao đổi với phóng viên một chuyên gia nghiên cứu về nước thuộc Liên đoàn quy hoạch và Điều tra tài nguyên nước miền Trung) cho biết: Mực nước của hồ Sông Trâu thay đổi giảm mạnh các tháng mùa khô, từ 32 - 35,5m. Đặc biệt, mùa khô hạn mấy năm gần đây, mực nước hồ giảm xuống nhỏ hơn mực nước chết rất nhiều, thậm chí có lúc cạn khô đáy. Việc xây dựng nhà máy nước của Cty CP Thành Trung (Ninh Thuận) lấy nguồn từ hồ Sông Trâu cấp cho ăn uống sinh hoạt với công suất 6000 m3/ngày thì cần phải xem xét lại về cả trữ lượng và chất lượng. Bởi lẽ vào mùa khô hạn, hồ Sông Trâu không thể cung cấp hàng nghìn m3 nước sạch cho nhà máy này. Việc dùng nước hồ sông Trâu theo thiết kế ban đầu chủ yếu cung cấp nước cho nông nghiệp, nay dùng nước hồ để cung cấp cho nhà máy nước sinh hoạt là phản khoa học, chắc chắn hồ không thể đủ nước được. Theo nguyên tắc, khi hồ ở mực nước chết, thì hồ không thể có đủ nước sạch cung cấp hàng nghìn m3 nước/ngày. Lúc này, nước của hồ là lớp nước tầng đáy, duy trì mực nước tự nhiên, nhiều bùn, bẩn, không thể cung cấp nước cho các nhà máy sản xuất nước sinh hoạt của doanh nghiệp.

Hồ Sông Trâu mùa khô hạn thường có mực nước “chết”.

Cửa hồ Sông Trâu cạn trơ đáy.

Không có đủ nước ngọt sạch thì không thể triển khai được dự án du lịch và phục vụ tốt đời sống dân sinh ở Bình Tiên. Trước tình trạng “khát” nước ngọt sạch, Cty Bình Tiên rơi vào tình thế bất khả kháng, không thể xây dựng dự án du lịch nghỉ dưỡng ở đây đúng tiến độ. Nếu như cứ đầu tư xây dựng dự án với số vốn khoảng 2500 tỷ mà không có đủ nguồn nước ngọt bền vững, ổn định thì mỗi năm doanh nghiệp sẽ thiệt hại khoảng hơn 300 tỷ đồng. Chủ đầu tư đã cấp vốn hơn 400 tỷ đồng ở đây, nhưng không dám quyết liệt hoàn thành dự án theo đúng tiến độ, mà phải đầu tư thi công cầm chừng vì phải chờ nguồn nước ngọt ổn định lâu dài cho dự án.

Do vậy, để có giải pháp phát triển khu du lịch ven biển tại Bình Tiên - Ninh Thuận, UBND tỉnh Ninh Thuận cần khẩn cấp phải có giải pháp đầu tư điện nước tại khu vực xã Công Hải, huyện Bình Tiên để bà con nhân dân trong vùng dự án và chủ đầu tư Khu Du lịch Bình Tiên yên tâm triển khai thi công các hạng mục để dự án được sớm hoàn thành.

Tuy nhiên, Ninh Thuận là một tỉnh nghèo, do vậy rất cần Chính phủ xem xét, hỗ trợ vốn đầu tư điện nước cho Khu Du lịch Bình Tiên. Có như thế cuộc sống của người dân nơi đây mới ổn định, diện mạo Bình Tiên mới được thay đổi. Và trong tương lai không xa, bãi biển Bình Tiên sẽ được chào đón hàng vạn khách du lịch kéo về mỗi năm bởi bãi biển này được đánh giá là một trong những vùng biển đẹp nhất cả nước

Nhóm PV

Theo

Nguồn Xây Dựng: http://www.baoxaydung.com.vn/news/vn/kinh-te/khu-du-lich-binh-tien-ninh-thuan-dau-tu-hang-tram-ty-nhung-van-lo-tien-do-vi-khat-nuoc-ngot.html