Không thể 'bảo tàng hóa' đô thị

Tại Hội thảo 'Bảo tồn cảnh quan đô thị lịch sử trong bối cảnh toàn cầu hóa và phát triển công nghệ thông tin' vừa được tổ chức tại Hà Nội, nhiều nhà khoa học quốc tế và trong nước nhấn mạnh luận điểm: Việc bảo tồn không có nghĩa là 'bảo tàng hóa' toàn bộ đô thị.

Và dường như cách phân loại đô thị đặc biệt/ đô thị loại 1, 2, 3 như hiện nay (dựa vào diện tích, quy mô dân số, mức độ đô thị hóa…) vẫn là chưa toàn diện. Các đại biểu tham dự hội thảo cũng khuyến nghị mạnh mẽ về việc chú trọng đến “đô thị lịch sử”, một khái niệm được UNESCO đưa ra, cung cấp công cụ bổ sung để ứng xử với môi trường xây dựng trong bối cảnh phát triển đô thị, nhưng vẫn tôn trọng các giá trị kế thừa được tạo dựng trong bối cảnh khác biệt về văn hóa.

Là một đô thị lịch sử trong khu vực, phố cổ Hà Nội là một ví dụ đáng lưu ý. Khu phố cổ Hà Nội (36 phố phường) là một quần thể kiến trúc độc đáo, đa dạng, sinh động với nhà hình ống xen kẽ, hòa quyện vào nhau - nhân tố quan trọng, góp phần tạo nên bản sắc văn hóa đô thị Hà Nội.

Bên cạnh đó, phố cổ Hà Nội còn lưu giữ một kho tàng di sản 112 di tích lịch sử - cách mạng kháng chiến và tín ngưỡng tôn giáo, nhiều di tích đã được xếp hạng di tích cấp quốc gia.

Tuy nhiên, theo Kiến trúc sư Trần Huy Ánh, không nên và cũng không thể “bảo tàng hóa” cả thành phố. Không gian phố phường dù có nhiều di tích, di sản thì vẫn có các sinh hoạt đô thị diễn ra hàng ngày, hàng giờ. Ngay cả trong các công trình di sản, vẫn có các hoạt động của cư dân sinh sống trong đó. Phố cổ đang thay đổi nhanh chóng và khó cưỡng, trong bối cảnh tốc độ giãn dân phố cổ diễn ra một cách chậm chạp nên đất chật người đông; lòng đường, hè phố bị chiếm dụng để kinh doanh; kiến trúc đã và đang biến dạng, thậm chí thành phần dân cư cũng đã thay đổi. Các cửa hàng thương mại – dịch vụ theo hình thức kinh doanh mới đã thay thế các cửa hàng bán sản phẩm thủ công truyền thống trước đây. Chẳng hạn, chỉ riêng ở phố Hàng Bạc, 40% công trình đã được thay đổi kiến trúc và cách bài trí.

Trong một thực thể sinh động như vậy, người quản lý phải thống kê, phân loại từng loại đối tượng để bảo tồn và khai thác phù hợp. Nói cách khác, không thể lãng mạn hóa công tác gìn giữ và bảo tồn cảnh quan di sản. Phải nhìn một cách tổng thể, toàn diện, phù hợp với nhịp phát triển đương đại; không “bỏ mặc buông trôi” để phát triển một cách tự phát, nhưng cũng không thể cái gì cũng giữ, đẩy công việc bảo tồn vào thế bế tắc.

Cẩm Hà

Nguồn Hải Quan: http://www.baohaiquan.vn/pages/khong-the-bao-tang-hoa-do-thi.aspx