Khống chế dịch tả lợn châu Phi: Quản lý chặt chẽ khâu lưu thông và việc chăn nuôi nhỏ, lẻ

Trước diễn biến phức tạp của dịch tả lợn châu Phi đang có chiều hướng lây lan ra diện rộng, chiều này 14/3, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức cuộc họp bàn giải pháp khống chế và ngăn chặn bệnh dịch tả lợn châu Phi.

Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), đến chiều ngày 14/3, dịch tả lợn châu Phi đã được ghi nhận tại 221 xã, 52 huyện thuộc 17 tỉnh, thành phố, với tổng số lợn tiêu hủy là hơn 23 nghìn con. Về cơ chế khiến dịch lây lan, ông Phạm Văn Đông - Cục trưởng Cục Thú y cho hay, số liệu thống kê cho thấy có đến 46% do phương tiện vận chuyển và con người không thực hiện vệ sinh, phun thuốc khử trùng tiêu độc; 34% do sử dụng thức ăn thừa; 19% do vận chuyển lợn sống và chế phẩm từ lợn giữa các vùng.

Họp khẩn bàn biện pháp khống chế dịch tả lợn châu Phi

Là một trong những tỉnh có dịch, ông Nguyễn Đức Quyền - Phó chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cho hay, một trong những giải pháp mà Thanh Hóa đang thực hiện là tất cả các xe vận chuyển lợn đều phải được kiểm dịch tại chốt kiểm dịch (tỉnh Thanh Hóa có 4 chốt kiểm dịch). Theo ông Quyền, hiện đang có tình trạng tiêu thụ thịt lợn trên địa bàn tỉnh giảm. Do đó, cần tăng cường hơn nữa các hình thức tuyên truyền để cho người tiêu dùng hiểu và không tẩy chay thịt lợn.

Các đại biểu cũng thống nhất nhận định, giải pháp dập dịch là kiên quyết tiêu hủy đàn lợn mắc bệnh có kết quả xét nghiệm dương tính với bệnh dịch tả lợn châu Phi bằng phương pháp chôn sâu từ 3-4m, bổ sung hóa chất sát trùng, vôi củ, vôi bột. Ngoài đề xuất kiến nghị về mức hỗ trợ lợn bị tiêu hủy, hóa chất tiêu độc khử trùng môi trường các đại biểu đề xuất Bộ NN&PTNT cùng các cơ quan nghiên cứu xác định rõ thêm những nguyên nhân khác khiến dịch lây lan để địa phương chủ động ứng phó. “Nguyên nhân chính khiến dịch lây lan đã được nêu trong báo cáo nhưng đối với thực tế ở địa phương cho thấy còn có những nguyên nhân khác mà đến nay vẫn chưa được xác định. Có những ổ dịch phát sinh nhưng đối chiếu với cơ chế dịch lây lan thì không đúng. Lý do nào ở đây đề nghị Bộ NN&PTNT và các chuyên gia nghiên cứu, xem xét thêm”, ông Quyền nói.

Nhận định về tình hình dịch, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, nguy cơ dịch tả lợn châu Phi lây lan ra diện rộng trong thời gian tới là rất cao nếu không có các giải pháp triệt để, cộng với diễn biến bất lợi do thời tiết gây ra.

Theo Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường, trong thời gian tới cần tập trung vào các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, phải tập trung phòng ngừa ngay từ đây. Quan trọng nhất là thực hiện vệ sinh chuồng trại nuôi; thực hiện các biện pháp dập dịch theo kịch bản đã ban hành. Đặc biệt, khi phát hiện có dịch cần báo ngay cho cơ quan thú ý để có biện pháp xử lý. Đồng thời, quản lý chặt chẽ vận chuyển lợn, thực hiện theo quy mô từng địa phương. “Hiện dịch đã xuất hiện tại 17 tỉnh thành phố khu vực phía Bắc, nếu không kiểm soát tốt để lây lan vào phía Nam thì rất nguy hiểm, bởi khu vực này có các tỉnh trọng điểm về chăn nuôi như Đồng Nai, thành phố Hồ Chí Minh. Do đó, cần kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển trên Quốc lộ 1, đường Hồ Chí Minh" - Bộ trưởng Cường nhấn mạnh.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/khong-che-dich-ta-lon-chau-phi-quan-ly-chat-che-khau-luu-thong-va-viec-chan-nuoi-nho-le-116994.html