Khởi sắc Vi Rơ Ngheo

Từ thị trấn Măng Đen, chúng tôi vượt hơn 40km đường đồi núi để đến làng Vi Rơ Ngheo (thuộc xã Đăk Tăng, huyện Kon Plông). Nằm ven bờ sông Đăk Snghé, giáp lòng hồ Thủy điện Thượng Kon Tum, làng Vi Rơ Ngheo hiện ra giữa thung lũng yên bình.

Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo nhìn từ trên cao. Ảnh: Đoàn Hạo Lương

Những nét đặc trưng riêng về kiến trúc của một ngôi làng người Xơ Đăng cùng với những giá trị văn hóa truyền thống, phong cảnh thiên nhiên đã tạo nên điểm nhấn du lịch sinh thái của làng.

Đặc sắc văn hóa Xơ Đăng

Làng Vi Rơ Ngheo toàn là người Xơ Đăng với 63 hộ dân, khoảng 270 nhân khẩu. Những cổng nhà được dựng lên bằng gỗ, trên cổng gỗ hay hàng rào được trang trí bởi những giò phong lan bản địa. Đường đi lối lại rất sạch sẽ và ngăn nắp. Đặc biệt, những cánh đồng lúa xen kẽ những ngôi nhà sàn truyền thống, cùng nét văn hóa nguyên sơ được cộng đồng dân cư gìn giữ tạo ra khung cảnh tuyệt đẹp cho một ngôi làng nằm giữa núi rừng Tây Nguyên.

Ngay chính giữa làng là ngôi nhà rông lớn làm bằng gỗ, lợp tranh. Bên trong treo nhiều cồng chiêng và các hình ảnh hoạt động của làng với nhiều giải thưởng tập thể. Đặc biệt, ảnh Bác Hồ được treo trang trọng ngay chính giữa. Gian nhà rông khá rộng và mát mẻ. Đây là nơi sinh hoạt chung của làng vào những dịp lễ đặc biệt mặc dù cộng đồng người dân ở đây có một nhà hội thánh nằm gần đó. Người Xơ Đăng giờ đây không còn mặc trang phục truyền thống hằng ngày nhưng chúng tôi vẫn nhận ra họ bởi vẻ chân chất, mộc mạc của núi rừng Tây Nguyên và tiếng dân tộc khi họ nói chuyện với nhau.

Bao quanh làng là những cánh rừng với hệ động, thực vật phong phú; cùng với hệ thống suối đá, thác, hồ, ruộng… chằng chịt. Những ngọn đồi mang vẻ đẹp tiềm ẩn của rừng thông 5 lá, rừng nguyên sinh và những đồi hoa đỗ quyên, hoa sim và hoa mua rực rỡ. Từ tháng mười hai đến tháng ba là mùa hoa đỗ quyên, hoa địa lan phủ khắp các ngọn núi. Đến tháng sáu là mùa hoa sim nở rộ.

Đặc biệt, nơi đây được xem là “thiên đường” của hoa địa lan với một đồi lan bản địa và hoa được người dân trồng trên các bờ rào, cổng nhà. Hiện nay, cả làng Vi Rơ Ngheo trồng được khoảng 1.000 chậu hoa lan. Nếu đến Vi Rơ Ngheo vào những ngày đầu tháng bảy đang mùa gặt, du khách còn được tận hưởng mùi thơm của lúa hòa quyện với mùi của núi rừng, phảng phất trong sự bình yên của buôn làng.

Khi hoàng hôn buông xuống cũng là lúc sương núi tràn về khiến làng Vi Rơ Ngheo bồng bềnh trong màn sương như chốn bồng lai. Những nếp nhà sàn cổ đơn sơ, mộc mạc nằm ẩn mình dưới thung lũng. Đặc biệt, sự hồn nhiên là nét đẹp rất cuốn hút của trẻ em làng Vi Rơ Ngheo. Sau bữa tối, chúng tôi quây quần bên bếp lửa le lói giữa tiết trời se lạnh của núi rừng để trò chuyện về sự tích lập làng cùng người dân bản địa bên cốc chè ấm nóng.

Người Xơ Đăng nơi đây khá hiền lành, mộc mạc và thân thiện. Họ chủ động bắt chuyện để giúp đỡ khi biết chúng tôi vừa mới đến.Thanh niên trong làng đang tập trung trang trí cổng làng và các cổng nhà để đón Giáng sinh, năm mới, phụ nữ quây quần bên nhau nhóm lửa nướng cơm lam và nấu thức ăn để đón khách. Trẻ em vẫn chơi đùa cùng nhau dưới những chiếc cổng nhà làm bằng gỗ tạo nên một khung cảnh yên bình và nên thơ. Với nhiều loại hình du lịch đặc thù như: Du lịch văn hóa, sinh thái, dã ngoại, nghỉ dưỡng, làng Vi Rơ Ngheo hiện được xem là ngôi làng nguyên sơ, trong lành.

Hướng đến làng du lịch cộng đồng

Sau hơn 3 năm triển khai xây dựng, vào ngày 7-4-2023, làng Vi Rơ Ngheo được UBND tỉnh Kon Tum quyết định “Công nhận điểm du lịch: Làng du lịch cộng đồng Vi Rơ Ngheo”. Đây là làng du lịch cộng đồng thứ hai của huyện Kon Plông, sau làng du lịch cộng đồng Kon Pring. Điều này có ý nghĩa quan trọng trong việc tạo ra các làng du lịch “vệ tinh” cho thị trấn Măng Đen, từ đó đa dạng hóa các hình thức trải nghiệm cho du khách, đồng thời tạo không gian kết nối giữa các làng du lịch cộng đồng của các dân tộc thiểu số bản địa.

Với việc thực hiện tốt 3 tiêu chí “Nâng cao đời sống - Cải thiện môi trường - Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số địa phương”, từ khi xây dựng làng du lịch cộng đồng đến nay, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào Xơ Đăng ở làng Vi Rơ Ngheo từng bước được cải thiện, giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp được giữ gìn đã tạo nên bản sắc riêng hấp dẫn du khách gần, xa tìm đến.

Còn nhớ trước đây, người dân làng Vi Rơ Ngheo chủ yếu sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi. Nhiều hủ tục, lạc hậu vẫn còn ăn sâu vào văn hóa nên đời sống gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, sau khi triển khai xây dựng làng du lịch cộng đồng, UBND huyện Kon Plông đã chọn ra gần 20/60 căn nhà rộng rãi, kiên cố để sửa chữa, nâng cấp thành những homestay phục vụ khách lưu trú. Các nhà đều có cảnh quan đẹp, thiết kế theo phong cách truyền thống của đồng bào Xơ Đăng. Tất cả các hộ dân nơi đây đều dựng cổng bằng các cây gỗ tận dụng trên rừng khá đơn sơ, không cầu kỳ mà lại bắt mắt. Xung quanh các ngôi nhà, bà con dân làng còn tận dụng cây gỗ ngắn xếp xung quanh, tạo vẻ đẹp riêng.

Với sự giúp đỡ của chính quyền và sự nỗ lực của người dân, làng Vi Rơ Ngheo hình thành các đội múa xoang, đánh cồng chiêng. Người dân còn xây dựng từng nhóm hộ trồng rau, nuôi gà, heo, bắt cá suối và tổ chức nấu ăn phục vụ du lịch khi có khách đến thăm làng. Dân làng Vi Rơ Ngheo vẫn còn giữ nhiều lễ hội truyền thống như lễ làm máng nước, lễ mừng lúa mới, lễ làm chuồng trâu, nhà rông mới, lễ gieo mạ…

Nhờ các hoạt động dịch vụ từ du lịch, cộng với phát triển sản xuất nông nghiệp, chăn nuôi gia súc, đời sống của người dân làng Vi Rơ Ngheo ngày càng được cải thiện và không ngừng nâng cao. Đến nay, tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, người dân có điều kiện sửa chữa, nâng cấp nhà cửa, trang bị các phương tiện hiện đại phục vụ cho đời sống. Từ một ngôi làng chẳng mấy ai biết đến bởi đường xá cách trở và nghèo nàn lạc hậu, thì nay Vi Rơ Ngheo đang được nhiều khách thập phương tìm đến tham quan, trải nghiệm. Hầu hết du khách chọn hình thức “du lịch homestay” để được sống trong môi trường yên tĩnh, trong lành và được tìm hiểu cuộc sống, phong tục của dân tộc nơi đây.

ĐOÀN HẠO LƯƠNG

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5433/202401/khoi-sac-vi-ro-ngheo-3964563/