Khi ý kiến phản biện được tiếp thu

Thời gian gần đây, nhiều đề xuất sau khi 'gây bão' dư luận như bật đèn cả ngày, người từ 16 đến dưới 18 tuổi phải có bằng lái hạng A0… được các đơn vị đề xuất bãi bỏ. Nhiều ý kiến cho rằng, đây là minh chứng cho sự tiếp thu, điều chỉnh của các cơ quan quản lý. Là bài học điển hình cho việc không bảo thủ khi làm luật, tôn trọng ý kiến phản biện của người dân và các chuyên gia.

Tôn trọng sự phản biện

Điển hình cho câu chuyện bị dư luận phản ứng là quy định "xe phải bật đèn suốt cả ban ngày" do ban soạn thảo Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) đề xuất. Đáng chú ý, đơn vị đề xuất đã dẫn chứng Công ước Vienna và quy định tương tự tại các nước để bảo vệ quan điểm. Tuy nhiên, sau nhiều cuộc thảo luận, đóng góp ý kiến, bị dư luận phản ứng, ban soạn thảo đã bỏ quy định dự kiến này, thay vào đó, chỉ quy định về đèn nhận diện là một cấu thành bắt buộc của phương tiện.

Tương tự câu chuyện trên, theo Dự thảo lần 2, Luật Giao thông đường bộ sửa đổi, Ban soạn thảo cũng đã tiến hành bỏ quy định cấp Giấy phép lái xe hạng A0 cho người từ 16 đến dưới 18 tuổi. Ở đề xuất này, đơn vị đề xuất đã tiếp thu ý kiến đóng góp của các chuyên gia và người dân.

Sau nhiều tranh cãi, cuối cùng Bộ Giao thông Vận tải đã chính thức hủy bỏ đề xuất xe máy phải bật đèn cả ngày để nhận diện. Ảnh: Giang Nam

Được biết, theo chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể, Ban soạn thảo dự thảo Luật Giao thông đường bộ sửa đổi đang nghiên cứu điều chỉnh theo hướng cấp giấy phép lái xe hạng A1 cho người từ 16 tuổi trở lên đến dưới 18 tuổi. Tuy nhiên, những người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi chỉ được điều khiển xe máy điện không vượt quá 4kw, xe gắn máy có dung tích xy lanh dưới 50cm3. Đây là điểm thay đổi so với dự thảo trước đây khi những người này cần có giấy phép lái xe hạng A0.

Thực tế, lập pháp là một quy trình với sự tham gia của nhiều cơ quan, trải qua nhiều công đoạn, từ đề xuất dự án; thiết lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án, thẩm định và thảo luận ở cơ quan soạn thảo; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua… Trong quy trình trên, việc đề xuất và xây dựng văn bản, nghiên cứu tính khả thi ban đầu rất quan trọng. Nếu công tác này triển khai tốt thì sẽ tạo nên nền tảng và tính đồng bộ, đồng thuận và khả thi trong thực tiễn cao.

Không bảo thủ khi làm chính sách

Ở câu chuyện những đề xuất được rút lại thời gian gần đây cho thấy, xem xét trên góc độ tích cực thì đây là tín hiệu tốt. Bởi nếu trong trường hợp đề xuất bị phản đối mà cố bảo thủ sẽ có những hậu quả không thể lường trước. Góp ý để đề xuất thêm hiệu quả, thiết thực với cộc sống, Chuyên gia giao thông Bùi Danh Liên chia sẻ, các cơ quan đóng vai trò tham mưu, đề xuất không nên áp dụng quá cứng nhắc và máy móc các quy định.

Trong những năm qua, công tác xây dựng pháp luật ở nước ta đạt những thành tựu không thể phủ nhận. Rất nhiều bộ luật được xây dựng, được Quốc hội thông qua đã đáp ứng tốt yêu cầu phát triển của đất nước trong thời kỳ mới. Tuy nhiên, một trong những vấn đề quan trọng nhất của công tác xây dựng luật pháp là sự hiệu quả khi được thực thi trong thực tế cuộc sống.

Khi đề xuất cần căn cứ vào những điều kiện cụ thể và mang tính đặc thù của giao thông Việt Nam. Viện dẫn điều này, ở đề xuất phương tiện xe máy lưu thông phải bật đèn 24/24 giờ ông Bùi Danh Liên chia sẻ, trong công cuộc chống dịch Covid – 19 thời gian qua, Việt Nam xử lý tương đối hiệu quả và thành công. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới có những phương cách tưởng chừng hữu hiệu song khi áp dụng thực tế lại không mấy hiệu quả. Đề xuất này cũng vậy, để thực tế và tạo sự đồng thuận thì còn cần căn cứ vào những đặc thù thời tiết, thói quen của người Việt…

Không chỉ gói gọn trong đề xuất thiếu tính khả thi, nhìn rộng ra sẽ thấy tình trạng luật ban hành nhưng không đi vào cuộc sống, hiện tượng “nhờn luật” là khá phổ biến. Hành vi hút thuốc lá nơi công cộng là ví dụ. Theo Luật Phòng chống tác hại của thuốc lá là bị cấm, ai vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính nhưng thực tế thì không cấm được. Không khó để bắt gặp tại bến tàu - xe, công viên, khuôn viên bệnh viện... vẫn ngập khói thuốc, không mấy ai phạt/bị phạt.

Hành vi xả rác nơi công cộng hay như chuyện nuôi chó trong chung cư cũng vậy. Thông tư 07/2016/TT-BNNPTNT quy định chủ nuôi chó khi đưa chó ra nơi công cộng phải bảo đảm an toàn cho người xung quanh bằng cách đeo rọ mõm cho chó hoặc xích giữ chó và có người dắt, song rất ít người biết đến và tuân thủ quy định này, dẫn tới tình trạng ở các chung cư, khu dân cư... thường xuyên xảy ra mâu thuẫn, xung đột vì nuôi chó. Dễ thấy nhất là chuyện người đi bộ sai quy định, luật hình sự đã có điều khoản chế tài từ lâu nhưng phần đông người dân chẳng mấy quan tâm, do đó phạm luật rất nhiều.

Trở lại câu chuyện bãi bỏ các đề xuất chưa hợp lý thời gian qua, việc tiếp thu, điều chỉnh của các cơ quan xây dựng đề án là cần thiết. Tuy vậy, cũng cần hạn chế, tránh đưa ra những kiến nghị “trên trời”, gây hoang mang dư luận. Ngoài ra, để luật pháp đi vào cuộc sống một cách hiệu quả thì việc xây dựng các quy định, đề xuất, dự thảo luật cần được nghiên cứu kỹ lưỡng ngay từ những bước đi đầu tiên.

Người tham gia xây dựng dự thảo luật bên cạnh trình độ giỏi về luật pháp còn cần là người am hiểu thực tế cuộc sống, chia sẻ được những khó khăn, trở ngại trong thực tế đối với đối tượng mà luật định nhắm đến. Đây có lẽ là một trong những yếu tố quan trọng nhất để luật gần với cuộc sống hơn, được thực thi hiệu quả hơn…

Lập pháp là một quy trình với sự tham gia của nhiều cơ quan, trải qua nhiều công đoạn, từ đề xuất dự án; thiết lập chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; soạn thảo dự án, thẩm định và thảo luận ở cơ quan soạn thảo; các cơ quan của Quốc hội thẩm tra; Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến; Quốc hội cho ý kiến, xem xét và thông qua… Trong quy trình trên, việc đề xuất và xây dựng văn bản, nghiên cứu tính khả thi ban đầu rất quan trọng. Nếu công tác này triển khai tốt thì sẽ tạo nên nền tảng và tính đồng bộ, đồng thuận và khả thi trong thực tiễn cao.

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: https://laodongthudo.vn/khi-y-kien-phan-bien-duoc-tiep-thu-110666.html