Khi nông dân giỏi công nghệ

Là một trong những người khởi xướng nghề trồng lan tại xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An, sau 8 năm, chị Đinh Thị Cẩm Huỳnh (ấp Tân Điền, xã Long Thượng) khẳng định vị trí của mình trong giới trồng lan nhờ sự kết hợp chặt chẽ giữa nông nghiệp và công nghệ.

“Ban đầu, tôi trồng lan vì rất thích hoa lan. Khi vườn lan của gia đình ngày càng phát triển, tôi mới bắt đầu nghĩ đến việc kinh doanh. Vậy là tôi đầu tư cho vườn lan và cả phòng nuôi cấy mô để chủ động về nguồn cây giống” - chị Huỳnh chia sẻ.

Phòng nuôi cấy mô cung cấp cho vườn cây giống lan khỏe và thích hợp với khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương, giúp quá trình chăm sóc dễ dàng, thuận lợi hơn. Tuy nhiên, để vận hành hiệu quả phòng nuôi cấy mô, chị Huỳnh phải đầu tư không ít công sức nghiên cứu, tìm hiểu về kỹ thuật trồng và nhân giống hoa lan bởi mỗi giống lan có yêu cầu chăm sóc, nuôi cấy, chọn giống hoàn toàn khác nhau.

Để có vườn lan như hiện tại, chị Đinh Thị Cẩm Huỳnh (xã Long Thượng, huyện Cần Giuộc) dành nhiều thời gian tìm hiểu kỹ thuật, quy trình chăm sóc lan

Chị Huỳnh cho biết: “Việc nuôi cấy, chọn phôi giống đòi hỏi nhiều kỹ thuật và kinh nghiệm nhưng đó là yếu tố quan trọng để có được vườn lan tốt nên tôi quyết tâm nghiên cứu cho bằng được. Tôi luôn quan niệm, muốn thành công cùng nông nghiệp thì phải làm chủ được kỹ thuật. Nông dân ngày nay không thể “trông trời, trông đất, trông mây” được”.

Sau 8 năm gầy dựng, từ vườn lan hơn 3.000m2, chị Huỳnh trở thành chủ sở hữu vườn lan hơn 1,5ha với khoảng 300 giống lan thuộc 10 họ lan khác nhau, trong đó có cả giống lan đột biến Dendro chớp lá biên và lá phát tài. Hầu hết hoa lan trong vườn của chị đều thích hợp với khí hậu địa phương, sai hoa, có giá trị kinh tế cao.

Trước đây, vườn lan của chị Huỳnh chủ yếu cung cấp sỉ. Khi thị trường thương mại điện tử dần phát triển, chị chuyển đổi hình thức kinh doanh từ bán sỉ trực tiếp sang bán lẻ thông qua các ứng dụng mạng xã hội.

“Việc mua sắm online đang trở thành xu thế. Vì vậy, nhà vườn chúng tôi cũng phải thay đổi. Tôi cũng như các nhà vườn trồng lan tại xã Long Thượng đều xây dựng các kênh bán hàng qua Facebook, TikTok và đều có kênh YouTube riêng. Ngoài nhân viên chăm sóc hoa lan, tại vườn của tôi còn có đội ngũ livestream bán hàng, chăm sóc khách hàng và đóng gói sản phẩm giao cho khách. Nông dân thời hiện đại cần nắm bắt sự phát triển chung của xã hội để nâng cao giá trị nông sản” - chị Huỳnh nói.

Các kênh YouTube, Facebook của chị Huỳnh đều có khoảng 10.000-30.000 lượt theo dõi. Mỗi ngày, thông qua các nền tảng mạng xã hội, vườn lan của chị cung cấp ra thị trường hơn 200 đơn hàng với nhiều giống lan khác nhau.

Bên cạnh quảng bá sản phẩm và kinh doanh trực tuyến, chị Huỳnh còn làm nhiều video chia sẻ kinh nghiệm, kỹ thuật trồng lan và nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ người xem. Tại địa phương, chị Huỳnh luôn sẵn sàng hỗ trợ các hộ dân khác phát triển nghề trồng lan như cung cấp cây giống, hỗ trợ kỹ thuật và đầu ra cho sản phẩm, góp phần tăng thu nhập cho nông dân.

Chủ động nắm bắt khoa học - kỹ thuật áp dụng vào sản xuất nông nghiệp chính là “chìa khóa” thành công của chị Huỳnh và đó cũng là “công thức” chung cho người làm nông nghiệp trong xu hướng phát triển nông nghiệp, nông thôn hiện nay./.

Quế Lâm

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/khi-nong-dan-gioi-cong-nghe-a172588.html